Lực lượng đặc nhiệm Liên Xô sau khi tấn công dinh tổng thống Afghanistan - Ảnh: focus.ua
Tham gia chiến dịch gồm có lực lượng đặc nhiệm cơ quan tình báo quân đội (GRU), đội đặc nhiệm Alpha của Ủy ban An ninh quốc gia (KGB) và đại đội cận vệ nhảy dù số 9 với quân số tổng cộng 700 người. Lực lượng bảo vệ cung điện gồm khoảng 1.500 binh sĩ Afghanistan cùng với đội vệ sĩ riêng của Amin.
"Chính sách của Liên Xô là duy trì tính trung lập của Afghanistan.
NIKITA MENDKOVICH
Vì sao phải loại bỏ Amin?
Dưới hỏa lực dày đặc của đối phương, các xe bọc thép Liên Xô tiến vào cung điện Tajbeg qua con đường vào duy nhất. Giao tranh diễn ra ác liệt trong 43 phút. Phía Liên Xô có 20 binh sĩ tử vong. Phía Afghanistan mất 400 người, trong đó có Hafizullah Amin. Trước đó vào ngày 24-12-1979, các toán quân Liên Xô đã chiếm các sân bay Afghanistan. Ba ngày, 20.000 quân Liên Xô trang bị vũ khí hạng nặng giành quyền kiểm soát Kabul.
Theo trang web Russia Beyond (Nga), sau khi Đảng Dân chủ nhân dân Afghanistan (PDPA) giành chính quyền trong vụ đảo chính tháng 4-1978 lật đổ Chủ tịch Hội đồng Cách mạng Mohammad Taraki (bị đè bằng gối đến chết), điều ít ai biết là Liên Xô hoàn toàn không hài lòng. Vì sao Liên Xô không hài lòng? Chính nhà sử học nước Nga Nikita Mendkovich giải thích: "Chính sách của Liên Xô là duy trì tính trung lập của Afghanistan".
Lúc bấy giờ, chiến tranh lạnh đang ở đỉnh cao. Liên Xô đánh giá điều thích hợp hơn hết là Afghanistan trung lập giữ vai trò vùng đệm giữa các nước cộng hòa thuộc Liên Xô ở phía nam với các quốc gia đối lập gồm Pakistan, Iran và Trung Quốc. Mặc dù Chính phủ Afghanistan đã 19 lần đề nghị Liên Xô đưa quân trợ giúp với lý do nếu Liên Xô không giúp, Afghanistan sẽ rơi vào tay phiến quân Hồi giáo, song Liên Xô vẫn bác bỏ.
Vài tháng trước khi quân đội Liên Xô tiến vào Afghanistan, lãnh đạo KGB Yuri Andropov còn tuyên bố: "Cách duy nhất để bảo đảm cách mạng Afghanistan không thất bại là đưa quân đến, nhưng chúng ta tuyệt đối không thể làm điều đó. Rủi ro quá cao!". Vậy điều gì khiến Liên Xô thay đổi quyết định? Theo Russia Beyond, đó là vấn đề địa chính trị. Afghanistan quá quan trọng nên không thể để mất.
Vào thời điểm cuối năm 1979, liên minh chống chính phủ đã quy tụ 18/26 tỉnh của Afghanistan. Quân đội Afghanistan đang trên đà tan rã. Matxcơva ngày càng lo ngại về các phiến quân Hồi giáo và thái độ bất lực của lãnh đạo Hafizullah Amin trong vấn đề kiểm soát tình hình. Nhiều ý kiến lo ngại Afghanistan sớm rơi vào tay các chiến binh Hồi giáo (Mujahedin).
Liên Xô tin rằng nếu lực lượng Mujahedin hoặc dân quân thân phương Tây chiếm Afghanistan, các nước cộng hòa thuộc Liên Xô ở Trung Á sẽ bị đe dọa. Khu vực biên giới giữa Afghanistan và Liên Xô là nơi sinh sống của các nhóm sắc tộc Tajik và Uzbek, các thành phần rất dễ gia nhập hàng ngũ Mujahedin.
Giả định nếu một ngày nào đó quân đội Chính phủ Afghanistan thua trận trước lực lượng Mujahedin, có thể các căn cứ quân sự của Mỹ hoặc Trung Quốc sẽ hiện diện ở Afghanistan, đe dọa nhiều vị trí chiến lược của Liên Xô.
Matxcơva quyết tâm hỗ trợ Chính phủ Afghanistan bằng cách gia tăng viện trợ quân sự từ tháng 3-1979. Nhưng cuối cùng do chưa chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với những rủi ro nêu trên, Liên Xô đánh giá giữa hai cái tệ, dù sao can thiệp vào Afghanistan cũng là giải pháp đỡ tệ hơn. Liên Xô quyết định điều quân đến Afghanistan và loại bỏ Amin vì nghi ngờ Amin nếu bị sức ép có thể sẽ đứng về phía Mỹ. Đó là nguyên nhân dẫn đến chiến dịch Cơn bão-333.
Các chiến binh Hồi giáo trang bị súng phòng không ở tỉnh Paktia (miền đông Afghanistan) ngày 20-7-1986 - Ảnh: rarehistoricalphotos.com
Mỹ viện trợ cho các chiến binh Hồi giáo
Về phía các nước phương Tây, họ đánh giá PDPA theo xu hướng cánh tả cầm quyền ở Afghanistan là nguy cơ có thể phát triển chủ nghĩa cộng sản xuống phía nam tới Trung Đông giàu dầu mỏ. Vì vậy Mỹ đã hành động tương ứng bằng cách ủng hộ các lực lượng đối lập với PDPA, trong đó có lực lượng Mujahedin.
Từ tháng 7-1979, Mỹ đã trang bị vũ khí cho bảy đảng chính trị Mujahedin chống PDPA mạnh nhất. Trong khuôn khổ một chiến dịch tuyệt mật mang tên "Chương trình Afghanistan", CIA Mỹ đã bí mật viện trợ quân sự cho bảy lực lượng trên thông qua cơ quan tình báo của Pakistan.
Trong số vũ khí, Mỹ còn cung cấp cho Mujahedin tên lửa đất đối không Stinger vốn là khắc tinh của các máy bay Liên Xô hoạt động tại Afghanistan. Không riêng gì Mỹ và Pakistan, trong các thế lực nước ngoài giúp đỡ tài chính cho Mujahedin lúc bấy giờ còn có cả Trung Quốc, Iran, Saudi Arabia.
Trước sự kiện quân đội Liên Xô tiến vào Kabul, Mỹ đã tỏ ra vui mừng vì nghĩ rằng Liên Xô sẽ sa lầy ở Afghanistan. Nhiều năm sau, Zbigniew Brzezinski - cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Jimmy Carter trong những năm 1977-1981 - đã trả lời báo Le Nouvel Observateur (Pháp): "Chúng tôi không thúc đẩy người Nga can thiệp, nhưng chúng tôi cố ý gia tăng khả năng để họ phải làm như vậy".
Năm 1985, Mikhail Gorbachev được bầu làm tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô. Các nhà lãnh đạo Liên Xô bị thuyết phục về sự cần thiết phải rút quân khỏi Afghanistan. Một chiến dịch phản chiến rộng lớn do các gia đình binh sĩ, các cựu chiến binh và thậm chí cả các sĩ quan tại ngũ đã thúc đẩy Matxcơva đi theo hướng này.
Làn gió cải tổ và công khai đang nổi lên. Còn tại Afghanistan, Mohammad Najibullah lên cầm quyền từ năm 1987 ngày càng rời xa xu hướng cánh tả để chuyển sang chủ nghĩa dân tộc thực dụng. Năm 1988, ông đổi tên Đảng PDPA thành tên Watan (Quê hương).
Vào cao điểm xung đột ở Afghanistan, Liên Xô có 108.800 quân hiện diện ở Afghanistan. Không ai dự đoán cuộc chiến sẽ kéo dài 10 năm cho đến tháng 2-1989, ngày Liên Xô rút quân khỏi Afghanistan. Theo các nguồn tin chính thức, 15.000 công dân Liên Xô đã chết trong cuộc chiến Afghanistan cùng với ít nhất 640.000 người Afghanistan. Vì đây là cuộc chiến chống nổi dậy nên không bao giờ có chiến thắng quy ước nào đạt được.
Trang web Russia Beyond viết: "Theo cách nào đó, cuộc chiến ở Afghanistan là một trải nghiệm đau thương đối với Liên Xô giống như chiến tranh Việt Nam đối với Mỹ". Sự kiện Liên Xô can thiệp vào Afghanistan chẳng những bị quốc tế soi rọi mà còn đè nặng lên nền kinh tế Liên Xô trong khi số nạn nhân ngày càng tăng khiến dư luận Liên Xô bất bình.
Nhà khoa học chính trị Alexei Bogaturov đã viết trong tác phẩm Lịch sử quan hệ quốc tế, 1945-2008: "Cuộc chiến ở Afghanistan đã làm suy giảm vị thế kinh tế của Liên Xô và phá hủy tính thống nhất trong xã hội Liên Xô. Ngày càng có nhiều nạn nhân đã gây bất bình trong nước".
Tóm lại, Liên Xô đã không đạt được mục tiêu ban đầu. Vài tháng sau khi Liên Xô rút quân, chính phủ thân Liên Xô ở Afghanistan sụp đổ. Chiến tranh ở Afghanistan vẫn chưa kết thúc. Thay vào đó là cuộc thánh chiến đầy bạo lực tạo điều kiện cho Taliban thống trị phần lớn lãnh thổ Afghanistan vào cuối những năm 1990. Sau khi quân đội Liên Xô rút quân năm 1989, Najibullah tiếp tục cầm quyền trong ba năm cho đến khi bị quân Taliban treo cổ vào năm 1996.
Nhìn lại sự kiện Liên Xô can thiệp vào Afghanistan cách đây 42 năm, trang web Russia Beyond ngày 17-8-2021 nhận xét: "Dù quân đội Liên Xô tiến vào Afghanistan hồi tháng 12-1979 đôi khi bị gọi là "Liên Xô xâm lược Afghanistan", trên thực tế đây là thái độ nhượng bộ miễn cưỡng của chính quyền Liên Xô đối với chính phủ lâm thời Afghanistan khi đó đã nhiều lần yêu cầu hỗ trợ quân sự trong cuộc chiến chống lực lượng Mujahedin, danh xưng chỉ phiến quân Hồi giáo Afghanistan".
********
>> Kỳ tới: Huynh đệ tương tàn, Taliban xuất hiện
Sau khi Liên Xô rút quân, nội chiến bùng nổ dữ dội. Đến khi chiếm được Kabul, các nhóm Mujahedin vẫn tiếp tục đánh nhau tranh giành quyền lực.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận