27/07/2013 11:37 GMT+7

ADN và nhịp cầu đoàn tụ - Kỳ 1: 60 năm bên bãi sông Đuống

QUỐC VIỆT
QUỐC VIỆT

TT - Một sáng mùa đông, chiếc xe chở cát bên bờ sông Đuống, huyện Gia Lâm, Hà Nội bất ngờ bị hư máy. Khi đổ cát xuống để chuyển qua xe khác, người ta sững sờ phát hiện những phần hài cốt nằm lẫn trong cát với chiếc sọ vẫn còn nhiều răng hàm...

Có người suốt 60 năm cứ hi vọng tìm được hài cốt người anh liệt sĩ bên bờ sông. Có người ngay từ khi đất nước phân ranh vĩ tuyến 17 cũng đã đau đáu gặp lại cha Nam tiến dù chỉ còn nắm xương tàn...

Một số người đạt ước nguyện, nhưng nhiều người vẫn mỏi mòn chờ đợi hoặc phập phồng không biết gói xương tìm thấy có đúng người thân. Nhưng gần đây, công nghệ ADN đã góp phần nối những nhịp cầu đoàn tụ.

Cách đó không xa, dưới chân cầu Đuống có một ông cụ gần sang tuổi 80 vẫn bao năm đi tìm những gì còn lại của anh trai mình. Đó là cuộc tìm kiếm đã được bắt đầu từ tận cách đây hơn 60 năm sau một đêm sông Đuống loang máu năm 1952.

GFJ9hFqp.jpgPhóng to
Bằng Tổ quốc ghi công và di ảnh liệt sĩ Phạm Vũ Biên - Ảnh tư liệu gia đình

Đêm chia ly

Rưng rưng thắp nén hương trước di ảnh anh mình, ông Phạm Vũ Duy bần thần hồi tưởng kỷ niệm đau thương từ giữa thế kỷ trước. Năm 1952, ông 17 tuổi, người anh Phạm Vũ Biên của ông tròn 24 tuổi và đã thoát ly theo Việt Minh từ sáu năm trước. Ông thuộc đơn vị Trấn Tây - Lãng Bạc từng nhiều lần chạm trán ác liệt với quân Pháp. Gần năm 1952, ông Biên được cử về Bắc Ninh hoạt động điệp báo. Một đêm, ông bị quân Pháp phục bắt được trong lúc đang đột nhập vào vùng tạm chiếm. Ông bị giam ở đồn Lộc Hà, Đông Anh, Hà Nội, nhưng vì giỏi tiếng Pháp nên hay bị trưởng đồn bắt làm thông dịch. Chính nhờ thời gian được nới lỏng này, ông Biên đã tranh thủ vận động binh lính là đồng bào mình quay súng về với Việt Minh.

Một kế hoạch cụ thể về vùng giải phóng đã được lên chi tiết. Ông Biên và những người lính cảm tình còn tính phục bắt cả viên trưởng đồn. Tuy nhiên, ngay đầu đêm họ chuẩn bị hành động lại có người phản bội, bí mật báo cho viên sĩ quan Pháp biết. Ngay lập tức, binh lính ở các đồn gần đó được điều động tới bắt ông Biên và tất cả binh lính cảm tình với Việt Minh, có ý định bỏ đồn. Để răn đe những người lính còn lại, quân Pháp đưa ngay ông Biên và người lính cầm đầu đi thủ tiêu bên bờ cầu Đuống ngay trong đêm 23-3-1952. Họ bị hạ sát bằng lưỡi lê, rồi nhét vào bao thả trôi sông.

Gia đình ông Duy lúc ấy ở Ngọc Thụy, Long Biên, không xa nơi anh mình bị xử tử. Tuy nhiên, họ chỉ biết được loáng thoáng sự hi sinh bi hùng này. Về sau, chính các đồng đội của ông Biên đã kể lại toàn bộ câu chuyện. Mẹ ông Biên gạt nước mắt khóc con, tất tả đi tìm thi hài ngay sau ngày ông Biên bị thủ tiêu. Các anh chị em, trong đó có ông Duy, cũng khóc theo mẹ đi tìm anh.

Sự hi sinh của ông Biên ở cầu Đuống đêm 23-3-1952 rất rõ ràng và có nhiều nhân chứng cụ thể. Ngày 1-8-1958, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã ký bằng Tổ quốc ghi công cho ông và truy tặng Huy chương Kháng chiến hạng 2. Tuy nhiên, phần thi thể còn lại của ông vẫn biệt vô tăm tích ngay trên mảnh đất quê hương...

KULeMrHq.jpgPhóng to
Ông Phạm Vũ Duy đã hơn nửa thế kỷ đi tìm anh trai - Ảnh: QUỐC VIỆT

60 năm tìm dọc bờ sông

Nhắc lại những kỷ niệm buồn này, ông Duy nhớ lúc ấy họ cứ đi dọc hai bên bờ sông Đuống, gặp người nào cũng cố hỏi có thấy thi hài nào trôi qua hay vướng kẹt ở dòng sông này không. Nhiều người dân thấy vậy động lòng cũng đi tìm hộ. Họ tìm ròng rã suốt hàng tháng trời, hết hỏi han rồi kéo lưới, quấy sào, nhưng thi hài người liệt sĩ trẻ tuổi vẫn biệt tăm dưới dòng nước sâu lạnh.

Ông Duy nhiều đêm không thể ngủ được vì nhớ anh, nhớ chén cháo mà người anh đã nhường cho mình trong những năm đói kém. Trước khi gia nhập vệ quốc quân, ông Biên còn dặn dò các em ở nhà phải thương yêu, đùm bọc nhau và hết lòng chăm sóc mẹ. Mẹ ông vừa khóc chồng mất sớm lại khóc con. Bà tiều tụy, suy sụp hẳn. Bà đã tâm sự với các con rằng: bằng mọi giá phải tìm được Biên về, không thể để nằm cô đơn, lạnh lẽo dưới đáy sông kia!

Từ ngày mới 17 tuổi, ông Duy đã bị ám ảnh thôi thúc này. Suốt hàng chục năm sau ngày ông Biên mất năm 1952, gia đình ông vẫn không ngừng tìm kiếm. Nhiều hàng xóm thương xót nhưng cũng ái ngại khuyên: “Sông Đuống thông với sông Hồng rộng dài mênh mông. Xác thân con người như hạt cát biết đâu mà tìm...”. Tuy nhiên, họ vẫn đi tìm...

Chiến tranh ác liệt ập đến rồi kết thúc. Người mẹ già tuổi gần đất xa trời vẫn day dứt không thể tìm thấy thi hài con. Năm 1978, bà mất trong nỗi ngậm ngùi còn dang dở. Ông Duy cùng các anh chị tiếp tục thực hiện di nguyện của mẹ. Tâm sự những tháng ngày này, ông Duy bồi hồi: “Tôi cứ đi dọc, đi dọc suốt bờ sông, hết bờ này rồi lại bờ kia, hết xuôi rồi lại ngược. Tôi có cảm tưởng mình thuộc đến từng mét vuông bờ sông Đuống, nhớ từng chỗ lở, chỗ bồi, thạo cả từng hốc xoáy. Gặp ai cũng hỏi, hỏi mãi rồi người ta cũng quen cả mình luôn. Vừa thấy mặt mình là họ đã lắc đầu báo tin. Thế mà bóng anh vẫn biệt tăm...”.

Ông Duy kể về sau vào đại học hóa, công tác chế tạo vũ khí ở bộ luyện kim, ông tìm hiểu biết xương cốt con người không thể vĩnh viễn nhưng cũng bền lắm. Anh ông lại hi sinh một thời gian, chưa thể mất hết hi vọng tìm thấy anh dù chỉ là một phần còn lại. Ngay cả giai đoạn qua Liên Xô học hồi 1968 - 1970, ông vẫn không ngừng tìm kiếm anh từ xa. Cứ có dịp thư từ là ông lại hỏi han người ở nhà đã thực hiện đến đâu di nguyện của mẹ. Vừa về nước là ông lại bắt tay tiếp tục tìm kiếm.

Chuyện tìm anh cứ lặp đi lặp lại ròng rã suốt hàng chục năm. Ước nguyện này đã đi cả vào giấc ngủ của ông Duy. Bần thần nhắc kỷ niệm, ông kể mình đã nhiều lần mơ thấy người này người kia, thậm chí cả ông nội về báo phải tìm anh thế nào. Giật mình tỉnh giấc, ông đều ghi chép rất kỹ để nhớ. Đến giờ trong cuốn “sổ đời” ông giữ vẫn còn một đoạn: “... Rạng sáng ngày 8-3-2007, khoảng 2 giờ đang ngủ lơ mơ, bỗng thấy có người đến vỗ vai nói muốn tìm xương cốt anh thì cứ xuôi dòng nước, hỏi ông Nguyễn Đức Bảo hay Bùi Xuân Bảo gì đó. Mình cuống quýt hỏi ông Bảo ở đâu? Trả lời ngoài Bắc Biên, nhà ở năm gian, rồi vụt biến mất...”.

Ngay sáng đó, ông Duy đã lần theo giấc mơ đi tìm anh. Ông sang Bắc Biên hỏi từng người xe ôm, rồi gõ cửa tổ trưởng, cựu chiến binh, cảnh sát khu vực để lần hỏi cái tên Xuân Bảo, Đức Bảo, và tiếp tục nhận được những cái lắc đầu ái ngại...

_____________

Hơn nửa thế kỷ trôi qua, nỗ lực tìm anh của ông Duy tưởng chừng tuyệt vọng. Bất ngờ đường hầm tối lóe lên tia sáng khi có người tình cờ phát hiện hài cốt vô danh lẫn trong cát sông Đuống...

Kỳ tới: Anh nằm dưới cát sông

QUỐC VIỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp