Lãnh đạo ADB trao đổi với báo giới về tình hình kinh tế VN tại buổi họp báo - Ảnh: L.THANH
Trao đổi với báo chí trong cuộc họp báo về tình hình kinh tế Việt Nam diễn ra sáng 3-4 tại Hà Nội, đại diện của ADB dự báo với tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu chậm lại, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam cũng được dự báo sẽ giảm nhẹ, nhưng vẫn được duy trì ở mức khá cao là 6,8% trong năm 2019 và 6,7% trong năm 2020.
Tăng trưởng sẽ tiếp tục được thể hiện một cách toàn diện ở các lĩnh vực dựa trên những nền tảng vững như công nghiệp chế biến chế tạo định hướng xuất khẩu, luồng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và nhu cầu nội địa cao.
Sở dĩ đưa ra nhận định như vậy, chuyên gia kinh tế ADB Nguyễn Minh Cường giải thích kinh tế năm 2019 dù có giảm nhẹ nhưng dự báo vẫn rất mạnh mẽ là do tiếp nối đà tăng trưởng 7,1% trong năm 2018.
Xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ tăng trưởng vững chắc, nhu cầu nội địa tiếp tục duy trì mạnh mẽ làm nền tảng cho tăng trưởng.
Tuy nhiên, ông Cường cho rằng nguy cơ rủi ro đối với kinh tế Việt Nam trong năm nay và năm sau vẫn còn.
Cụ thể đó là Việt Nam bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và sự suy giảm của các nền kinh tế lớn thế giới như Châu Âu, Nhật Bản, Mỹ… - vốn là những đối tác thương mại quan trọng.
"Bởi tăng trưởng kinh tế của Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào xuất khẩu với tổng kim ngạch thương mại gấp đôi quy mô GDP nên khi tăng trưởng kinh tế của các nước có quan hệ thương mại với Việt Nam bị suy giảm thì xuất khẩu của sẽ bị tác động", ông Cường phân tích.
Mặt khác, việc chậm cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại nhiều doanh nghiệp cũng là một lực cản đối với kinh tế Việt Nam.
Để duy trì đà tăng trưởng kinh tế, đại diện ADB khuyến cáo Việt Nam nên tiếp tục cải cách để cải thiện môi trường kinh doanh vì đó sẽ là nhân tố khuyến khích đầu tư tư nhân, cũng như những nỗ lực tăng cường quan hệ với các đối tác trên toàn cầu thông qua nhiều hiệp định thương mại.
Cùng với đó, Việt Nam nên có giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp vừa nhỏ thông qua việc tăng khả năng tiếp cận vốn, kỹ năng của người lao động… để các doanh nghiệp này có thể tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận