Một cảnh quay đẹp của phim |
Với trường đoạn hành động cận chiến gợi nhắc đến Oldboy (Chan-wook Park) trong hành lang kín, The Villainess (của đạo diễn Hàn Quốc Byung-gil Jung) hứa hẹn là hành trình máu me không khoan nhượng của nữ nhân vật chính Sook-hee (Ok-bin Kim) khi trả thù.
Một mình lao vào hang ổ của kẻ thù, Sook-hee giống như “kẻ trừng phạt”.
Cô giết tất cả những ai xuất hiện trước mặt mình.
Sử dụng góc máy đặt ở nhân vật thứ nhất, bộ phim mang lại hình ảnh như game nhập vai, điều đó tăng cảm giác hưng phấn và kịch tính cho bộ phim.
Sự khởi đầu tuyệt vời, đầy kích thích tố Adrenaline của phim đặt cho ta câu hỏi, Sook-hee là ai và tại sao cô lại hành động như vậy?
Đồng thời ra mắt với The Villainess là bộ phim Atomic Blonde của Mỹ, cả hai bộ phim đều lấy nhân vật nữ làm trọng tâm. Điều đó cho thấy, giới làm phim đã bắt đầu chú trọng hơn đến diễn viên nữ để cân bằng với nam giới khi điện ảnh vốn luôn được cho là môi trường phân biệt giới tính. The Villainess là một trong 4 phim Hàn Quốc được chiếu tại liên hoan phim Cannes 2017, và nhận được tràng pháo tay kéo dài 4 phút trong suất chiếu nửa đêm tại Cannes. |
Câu chuyện tiếp tục ở điểm kết thúc màn chào sân đầy máu me của Sook-hee, cô bị bắt và gia nhập vào một tổ chứ ngầm bí mật chuyên tổ chức ám sát của chính phủ.
Đạo diễn Byung sử dụng những trường đoạn hồi tưởng để kể về quá khứ của Sook-hee. Muốn rũ bỏ nó, và làm lại cuộc đời, cô phải hoàn thành các nhiệm vụ ám sát mà tổ chức giao cho.
Nhưng giống như bộ phim Carlito’s Way của Brian De Palma, khi một kẻ đã nhúng chàm thì không thể rũ sạch khỏi nó.
Trong một phi vụ ám sát do tổ chức giao phó, cô phát hiện ra một người đàn ông có khuôn mặt giống người chồng đã chết. Mọi thứ thay đổi, Sook-hee muốn sống thì con người kia của cô không thể sống.
Bộ phim cho ta thấy thông điệp của đạo diễn, muốn thay đổi cuộc đời thì chính cuộc đời cũ của mình phải chết.
Sook-hee thay đổi khuôn mặt và được huấn luyện |
The Villainess không phải là một câu chuyện hấp dẫn, cách kể chuyện có phần lộn xộn, đặc biệt ở hồi 2 của bộ phim, những yếu tố tình cảm lãng mạn vốn là đặc sản của điện ảnh Hàn được đưa vào khiến cho mạch phim rời rạc, sự gắn kết giữa quá khứ và hiện tại không có.
Thay vào đó, những phân đoạn hồi tưởng xuất hiện tuỳ ý gây cảm giác khó chịu vì không đủ hấp dẫn với tuyến nhân vật mờ nhạt (đặc biệt là nhân vật phản diện chính của phim - có phong cách xây dựng rất giống Léon: The Professional nhưng không tới).
Hầu như ta có thể đoán biết được câu chuyện sẽ dẫn tới đâu nên yếu tố bất ngờ hoàn toàn bị triệt tiêu.
The Villainess cũng sử dụng rất nhiều cảnh quay từ sự tham khảo các phim khác, đặc biệt là Kill Bill của Quentin Tarantino trong việc xây dựng nhân vật nữ chính “bá đạo” và không do dự khi giết người trên hành trình tìm kiếm công lý cho bản thân.
Nhưng động cơ của Sook-hee khá mờ nhạt, từ việc trả thù cho người cha bị sát hại, đến việc trả thù cho chồng được xây dựng chóng vàng và đơn điệu.
Hơn nữa, sự thừa thãi trong việc tạo không khí lãng mạn càng làm bộ phim thêm rối, thể hiện sự non tay của đạo diễn trong việc cố gắng tạo ra một bộ phim phi tuyến tính hòng liên kết các tuyến truyện với nhau.
Trường đoạn rượt đuổi trên xe bus vô cùng ấn tượng |
Tuy nhiên, bỏ qua sự lộn xộn trong việc dựng phim và nhiều điểm yếu trong quá trình xây dựng nhân vật thì The Villainess là một bộ phim mãn nhãn.
Những màn hành động được đầu tư rất kĩ với nhiều góc máy đặc biệt là các góc máy đặt ở nhân vật chính, và góc máy cận cảnh, tạo nên độ chân thực và tăng thêm tính hưng phấn dành cho khán giả.
Chính vì thế, The Villainess vô cùng hấp dẫn về mặt thị giác, tạo được kịch tính giúp che lấp những điểm trừ không đáng có.
Trong một mùa hè đầy những bom tấn Mỹ, thì một bộ phim Hàn Quốc với những màn hành động kiểu John Wick là một món ăn lạ và hấp dẫn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận