18/04/2025 18:56 GMT+7

Ác linh dưới đáy hồ, phim kinh dị về Kappa Nhật nhưng thua xa Ma da của Việt Nam

Kappa: Ác linh dưới đáy hồ là phim kinh dị khơi gợi những nỗi ám ảnh rất đương đại theo cách vô cùng độc đáo nhưng rốt cuộc chỉ để lại tiếc nuối cho khán giả khi xem xong.

Phim kinh dị - Ảnh 1.

Hành trình khám phá bí ẩn qua màn hình vẫn giữ được sức hút và nét độc đáo nhưng tiếc là phim khai thác còn hơi "nông" - Ảnh: Prime

Tuy hội tụ đủ yếu tố để tạo nên một phim kinh dị độc đáo, Kappa: Ác linh dưới đáy hồ lại dừng ở mức nửa vời - một phim dừng ở mức "xem được" và chưa đủ để ở lại lâu trong tâm trí người xem.

Câu chuyện của phim được kể qua góc nhìn của Jack (Ben McKenzie vào vai) - một người lính vừa chịu tổn thất lớn khi mất đi đứa con gái duy nhất của mình. Trong nỗ lực hàn gắn gia đình, anh đã chi khoản tiền lớn cho một kỳ nghỉ tại Tokyo cho vợ và hai con. 

Nhưng đúng lúc ấy, căn cứ Mỹ tại Trung Đông bị tấn công, Jack buộc phải hoãn chuyến đi và theo dõi gia đình từ xa qua điện thoại, máy tính và thiết bị giám sát - những màn hình vốn là "mặt trận" quen thuộc của anh trong vai trò chỉ huy chiến trường từ xa và điều khiển máy bay không người lái.

Tiếc cho một phim kinh dị dở

Tai họa bắt đầu khi cậu con trai út, Kyle, suýt chết đuối trong một ao nước gần khu nghỉ dưỡng ở Nhật Bản và từ đó bắt đầu có những biểu hiện kỳ quái: cắn anh trai, chỉ ăn dưa chuột, ánh mắt vô hồn và bạo lực không kiểm soát. 

Jack bắt đầu tra cứu trên mạng và dần rơi vào mê cung của các thuyết âm mưu, diễn đàn cha mẹ có con bị "ám", và truyền thuyết về những sinh vật ma quái Nhật Bản. Cuối cùng, anh tin rằng con mình đã bị một Kappa - thủy quái nổi tiếng trong văn hóa dân gian Nhật - chiếm đoạt linh hồn.

Trailer phim Kappa: Ác linh dưới đáy hồ (tựa gốc: Bloat)

Ở khía cạnh ý tưởng, Kappa: Ác linh dưới đáy hồ không thiếu tham vọng. Ê kíp của phim cố gắng kết hợp chất u ám đặc trưng của J-horror (phim kinh dị Nhật) với tính thời sự của đời sống số như AI, những ứng dụng hiện đại có thể theo dõi từ cách nửa vòng trái đất. 

Những đoạn Jack điều tra Kappa hay việc anh dùng ứng dụng "Find My" để theo dõi từng bước chân gia đình từ căn cứ quân sự, vừa lạnh lẽo vừa phản ánh đúng tâm lý hiện đại: chúng ta chỉ đang sống gần nhau qua những chiếc màn hình.

Vấn đề là bộ phim dừng lại ở phần nổi của tảng băng. 

Dù được dán nhãn R, các tình tiết kinh dị trong phim khá nhạt với những ai từng quen thuộc với các phim như Ringu hay Noroi

Tính "quái dị" được xây dựng từ hành vi bất thường của trẻ nhỏ - vốn là đặc sản của J-horror - cũng không đủ mạnh để tạo ra cảm giác rùng mình thực sự. 

Sự hiện diện của truyền thuyết Kappa - lẽ ra là điểm nhấn văn hóa thú vị - cũng chỉ thoáng qua như một cái tên, không có chiều sâu hay mối liên kết chặt chẽ nào với bức tranh toàn cảnh.

Phim kinh dị - Ảnh 2.

Điểm sáng hiếm hoi của phim dành cho hai diễn viên nhí thủ vai cậu bé bị Kappa ám và anh trai, luôn tạo dấu ấn tốt mỗi khi xuất hiện - Ảnh: Prime

Kappa trong phim như một quái vật ngoài hành tinh có khả năng gây nhiễu chứ không phải loài vật đáng sợ trong truyền thuyết. Về khía cạnh này, phim thậm chí còn yếu hơn những tác phẩm kinh dị có yếu tố tâm linh, yêu quái như Ma da của Việt Nam hay Tee Yod của Thái Lan.

Điều đáng tiếc hơn là cách phim sử dụng định dạng screenlife, vốn từng có những tác phẩm xuất sắc tận dụng tối đa hiệu ứng tâm lý từ góc quay qua màn hình như Searching hay Host

Dù phần dựng phim của Kappa: Ác linh dưới đáy hồ tương đối mượt mà, cách kể chuyện qua các cửa sổ ứng dụng, tin nhắn hay đoạn ghi hình vẫn chưa đủ tinh tế để nâng tầm cảm xúc. 

Phim kinh dị - Ảnh 3.

Kappa trong phim chắc chỉ xuất hiện thông qua... giấy tờ, con quái vật trên hình giống một thực thể ngoài không gian hơn là yêu quái Nhật Bản - Ảnh: Prime

Việc người cha quá chú tâm vào việc theo dõi gia đình thay vì truy tìm Kappa - nguồn gốc của mọi tai họa trong phim - khiến cho tình tiết dần trở nên nhàm chán vì khán giả liên tục chờ đợi được thấy bóng dáng "yêu quái" rồi lại thất vọng.

Dàn diễn viên cũng không thể cứu vãn được sự hụt hơi trong phần kịch bản. Ben McKenzie cố gắng mang đến sự chân thật cho một người cha đau khổ nhưng không thể tạo ra chiều sâu cảm xúc như John Cho từng làm được trong Searching

Bojana Novakovic - trong vai người vợ - không có nhiều đất diễn, còn các con thì chỉ hiện lên như những biểu tượng thay vì nhân vật thật sự. Có chăng, chỉ Malcolm Fuller - con trai cả - là người mang lại vài khoảnh khắc cảm xúc thực sự.

Phim kinh dị - Ảnh 4.

Kappa: Ác linh dưới đáy hồ (tựa gốc: Bloat) vốn là dự án tham vọng của đạo diễn Pablo Absento nhưng lại bị cắt khá nhiều kinh phí để trở thành phim kinh dị ăn liền, phục vụ nền tảng phát sóng trực tuyến - Ảnh: Prime

Phần kết của phim cũng không tạo được sự bùng nổ cần thiết. Dù có một cảnh cao trào được dàn dựng khá căng thẳng, bộ phim kết thúc bằng một phiên tòa khô khan, với một câu thoại cuối cùng tưởng chừng sẽ gây ám ảnh - nhưng rồi trôi qua như một tiếng thở dài.

Trên các diễn đàn điện ảnh, Kappa: Ác linh dưới đáy hồ nhận phản hồi khá tiêu cực. Các nhà phê bình trên Rotten Tomatoes chỉ cho phim 1.5/5 điểm, IMDb ghi nhận điểm dưới trung bình 3.8/10 và Metacritic là 40/100.

Phim ra rạp Việt từ hôm nay, ngày 18-4.

Phim kinh dị về Kappa Nhật nhưng thua xa Ma da của Việt Nam - Ảnh 5.Drop: Phim kinh dị dành cho người dùng iPhone

Không phá cách cũng không quá đột phá, Drop (tựa Việt: Buổi hẹn hò kinh hoàng) là một ví dụ điển hình cho kiểu phim giật gân hiện đại: ngắn gọn, hồi hộp và vừa đủ để làm khán giả thót tim cho đến tận những phút cuối cùng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp