ABBank tăng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng
Theo báo cáo tài chính quý 3-2024, ABBank ghi nhận thu nhập lãi thuần đạt hơn 737 tỉ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, các mảng khác trong kỳ của nhà băng này lại kém thuận lợi. Trong đó, hoạt động kinh doanh ngoại hối lỗ hơn 46 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ mang lại hơn 105 tỉ đồng.
Cả mua bán chứng khoán kinh doanh hay chứng khoán đầu tư của ABBank đều âm với mức lỗ lần lượt 3,7 tỉ đồng và 60,01 tỉ đồng.
Song đáng chú ý nhất là chi phí dự phòng rủi ro tín dụng trong quý 3 năm nay của ABBank lên tới 525 tỉ đồng, tức tăng hơn 2,23 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Bởi vậy, dù chi phí hoạt động đi ngang, tổng lợi nhuận trước thuế của ABBank vẫn âm 343 tỉ đồng. Sau trừ thuế, nhà băng báo lỗ ròng hơn 284 tỉ đồng so với mức lãi gần 24 tỉ đồng năm ngoái.
Giải trình gửi Ủy ban Chứng khoán, ông Nguyễn Duy Hiếu - tổng giám đốc ABBank - cho biết nguyên nhân chủ yếu do lỗ thuần từ kinh doanh ngoại hối và tăng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng 123% cùng kỳ.
Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, ABBank ghi nhận thu nhập lãi thuần đạt 2.192 tỉ đồng, giảm nhưng không đáng kể so với 3 quý đầu năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế đạt 180 tỉ đồng, giảm 68% so với cùng kỳ.
Tại thời điểm cuối tháng 9 năm nay, tổng tài sản ABBank ghi nhận 164.194 tỉ đồng, tăng hơn 1% so với đầu năm.
Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng đạt 98.767 tỉ đồng, chỉ tăng chưa đến 0,7%. Điều này cho thấy tăng trưởng tín dụng của ABBank đang chững lại so với mặt bằng chung của toàn hệ thống.
Theo số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 30-9, tín dụng toàn hệ thống tăng 9%.
Đáng chú ý, lượng tiền gửi khách hàng đã giảm từ mức hơn 100.034 tỉ đồng hồi đầu năm về còn 91.089 tỉ đồng cuối tháng 9.
Về chất lượng nợ vay, tính đến cuối quý 3-2024, tổng nợ xấu nội bảng của ABBank đã lên mức 3.156 tỉ đồng, tức tăng hơn 10% so với hồi đầu năm. Như vậy, tỉ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng đã lên gần 3,2%.
Ai nắm vốn ABBank?
Theo danh sách cổ đông được cập nhật đến ngày 31-7-2024, ABBank có 19 cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên.
Trong đó, Malayan Banking Berhad (Maybank) - cổ đông chiến lược của ABBank - đang nắm hơn 169,6 triệu cổ phần, tương ứng 16,39% vốn điều lệ.
Tiếp đến là Tập đoàn Geleximco nắm 132,2 triệu cổ phần ABBank, tương ứng tỉ lệ 12,78% cùng người liên quan đến tập đoàn nắm hơn 48 triệu cổ phần, tương ứng 4,65%.
Công ty Glexhomes cũng nắm 4,43% vốn ABBank và người liên quan nắm 0,03% vốn. Tập đoàn Geleximco chính là cổ đông sáng lập của Glexhomes.
Trong danh sách cổ đông nắm trên 1% vốn không có tên ông Vũ Văn Tiền - phó chủ tịch HĐQT của ABBank. Song ông Tiền lại là chủ tịch Tập đoàn Geleximco.
Ngoài ra, ông Vũ Văn Hậu, em ruột ông Vũ Văn Tiền và người liên quan nắm gần 180 triệu cổ phần, tương đương 17,41% vốn ABBank.
Ông Tiền từng giữ chức chủ tịch HĐQT ABBank từ năm 2005 - 2018.
Tuy nhiên, theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng, chủ tịch và tổng giám đốc ngân hàng không được phép đồng thời giữ vị trí lãnh đạo tương đương tại các doanh nghiệp khác.
Hiện chủ tịch kiêm người đại diện pháp luật của ABBank là ông Đào Mạnh Kháng, em rể của ông Vũ Văn Tiền. Bà Vũ Thị Hương, vợ ông Kháng và là em ruột ông Tiền đang làm trợ lý chủ tịch HĐQT kiêm trợ lý phó chủ tịch HĐQT.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận