Cuốn tiểu thuyết A man called Ove (Người đàn ông mang tên Ove), tác phẩm đầu tay của nhà văn - nhà báo người Thụy Điển Frederick Backman, ra mắt cách đây khoảng một thập niên và nhanh chóng trở thành hiện tượng xuất bản toàn cầu.
Nhân vật chính, lão già gàn dở Ove, có hẳn những câu lạc bộ hâm mộ ở Hàn Quốc và Mỹ.
Năm 2016, bộ phim cùng tên của đạo diễn Thụy Điển Hannes Holm chuyển thể từ tiểu thuyết trở thành phim ăn khách nhất Thụy Điển, phim nước ngoài có doanh thu cao nhất tại Mỹ, đoạt giải Phim hài châu Âu và nhận được hai đề cử Oscar 2017 cho phim quốc tế và hóa trang xuất sắc nhất.
A MAN CALLED OTTO - Official Trailer (HD)
Và đầu năm nay, phiên bản làm lại của Hollywood có tên A man called Otto với Tom Hanks đóng vai chính và giữ vai trò sản xuất (cùng với vợ Rita Wilson) cũng trở thành một bộ phim thành công về doanh thu và được khán giả yêu thích.
Những cải biên và sáng tạo của phiên bản Hollywood qua diễn xuất của Tom Hanks trở nên đáng tin cậy và thuyết phục hơn với khán giả đại chúng có lẽ vì phần nào đó Hanks cũng có nhiều điểm chung như ông Otto, đặc biệt là những giá trị sống vì cộng đồng và tình yêu dành cho vợ.
Giá trị của một đồng xu
Trong phiên bản làm lại, Tom Hanks đóng vai Otto Anderson, một ông già góa vợ, tính tình gàn dở, cáu kỉnh, sống ở vùng ngoại ô Pittsburgh, Pennsylvania.
Sau khi nghỉ việc tại một công ty thép, ông ta lên kế hoạch tự tử để đoàn tụ với người vợ là lẽ sống của đời ông - Sonya, vốn là một giáo viên đã qua đời sáu tháng trước đó vì bệnh ung thư.
Vì nóng lòng được "gặp" vợ, Otto lên kế hoạch tự tử, nhưng năm lần bảy lượt những nỗ lực từ giã cõi đời của lão ta thường xuyên bị phá sản bởi những lý do ngoại cảnh. Có lẽ chưa có nỗ lực tự sát nào trong phim ảnh lại mang nhiều tiếng cười như thế cho khán giả.
Những kẻ cản trở Otto tự sát đôi khi là một cái dây mua ở siêu thị "dỏm" bị đứt giữa chừng lúc lão đang sắp thăng thiên, đôi khi là vì cặp vợ chồng nhập cư người Mexico phiền toái phá đám vì những lý do ngớ ngẩn.
Có lần lão định lao đầu vào xe lửa sắp chạy tới thì một ông già nào đó lăn ra ngất và rơi xuống đường ray, khiến lão lại trở thành người hùng bất đắc dĩ. Một lần khác lão tự sát bằng khí độc trong hầm để xe thì bị cô nhà báo phá đám vì muốn đến viết bài tuyên dương về lão...
Ngoài những lúc tự sát bất thành do những lý do ngớ ngẩn ấy, Otto là một lão già khó chịu và gắt gỏng.
Từ cửa miệng của lão là "đồ ngu" nhắm thẳng vào những kẻ vi phạm những luật lệ về an toàn giao thông trong khu phố, những kẻ lợi dụng quyền lực để ức hiếp người yếu thế trong xã hội và đôi khi là một anh hề phục vụ từ thiện trong bệnh viện chỉ vì anh ta dám tráo đổi đồng xu của lão.
Chi tiết lão già Otto đánh anh hề sưng mặt chỉ vì một đồng xu mang lại nhiều tiếng cười nhưng đồng thời cũng là một chi tiết đắt để mở ra phần hồi tưởng xúc động về quá khứ của lão và lý giải tại sao lão là con người của hiện tại.
Đồng xu tưởng như vô giá trị đó là món quà vô giá đối với lão, là mở đầu cho tình yêu vừa vụng về vừa lãng mạn giữa chàng trai Otto cô độc và yếm thế (do chính con trai của Hanks là Truman Hanks đóng) với Sonya, cô gái trẻ tràn đầy sức sống mà anh ta tình cờ gặp trên một chuyến tàu.
Đồng xu vô giá trị ấy được Otto nâng niu như báu vật và cất giữ trong ví suốt mấy chục năm trời, như kỷ vật tình yêu của lão dành cho vợ.
Ấy thế mà anh hề mượn của lão để bày trò "ảo thuật" mua vui cho bọn trẻ con trong bệnh viện và trả lại cho lão một đồng xu hoàn toàn khác. Và sau khi "đòi" không được đồng xu của mình, lão Otto nổi cơn thịnh nộ và dạy cho anh hề một "bài học" về việc tôn trọng kỷ vật của người khác...
Bởi với Otto, cuộc đời của lão chỉ thực sự có ý nghĩa, chỉ thực sự được sống kể từ khi được gặp và sống chung với vợ lão - Sonya.
Một bộ phim đẹp về tình yêu và sự cho đi
Khi phần hồi ức quá khứ từ chiếc đồng xu được mở ra, ta dần dần đồng cảm với lão Otto, thấy trân trọng những giá trị tuyệt đẹp về tình yêu lẫn những nguyên tắc có vẻ cứng nhắc và gàn dở của lão.
Với một cuộc đời nhiều bất trắc và hạnh phúc quá ngắn ngủi, những bi kịch mà Otto và Sonya phải gánh chịu sau một tai nạn do bất cẩn của người lái xe khiến lão trở thành con người nguyên tắc và luôn đặt sự an toàn cho vợ lên hàng đầu trong cuộc sống nhiều khó khăn sau đó.
Lão luôn đấu tranh với những chính sách bất công, đặc biệt cho những người yếu thế trong xã hội, cũng từ tình yêu mà lão dành cho người vợ của mình.
Và ở nửa sau bộ phim, ta hiểu tại sao lão lại mở lòng giúp đỡ những người yếu thế trong cộng đồng, từ gia đình vợ chồng nhập cư người Mexico luôn gây phiền toái, chàng thanh niên chuyển giới bị bố đẻ kỳ thị và đuổi khỏi nhà, một cặp vợ chồng già từng là bạn của lão đang đối mặt với bệnh tật tuổi già và thậm chí cả một con mèo hoang không ai chăm sóc...
Điều cuối cùng mà tôi nhận được từ bộ phim này có lẽ là tình yêu thuần khiết và sự cho đi. Đó cũng là lúc ta nhận thấy được vẻ đẹp nội tâm của Otto, một lão già gàn dở khiến ta yêu.
Trong lời đề từ của cuốn tiểu thuyết, nhà văn Frederick Backman viết lời đề tặng cuốn sách này cho vợ của anh rằng: "Tặng Neda. Vì câu chuyện này là để em cười. Luôn như vậy".
Còn trong phiên bản điện ảnh của Hollywood, Tom Hanks và vợ ông (Rita Wilson) mua bản quyền để làm lại tác phẩm gốc của Thụy Điển có lẽ cũng xuất phát từ những giá trị về tình yêu và sự hy sinh mà họ dành cho nhau.
Cặp vợ chồng quyền lực của Hollywood này đã ở bên nhau gần 30 năm và Hanks cũng từng sát cánh bên cạnh Rita Wilson trong những ngày tháng đen tối khi cô phải chống chọi với căn bệnh ung thư...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận