14/04/2015 09:12 GMT+7

​A lô... cứu thương!

THÚY HẰNG
THÚY HẰNG

TT - Khu vực chợ Phước Yên được xem là điểm nóng giao thông vì tập trung hơn 10.000 công nhân của Khu công nghiệp Hòa Phú và hàng ngàn sinh viên của trường đại học và trung cấp nghề.

Các thành viên trong đội thực hành băng bó vết thương nâng cao tay nghề khi ứng cứu người bị tai nạn - Ảnh: Thúy Hằng

Đi trên quốc lộ 1, đoạn qua chợ Phước Yên (đối diện Khu công nghiệp Hòa Phú, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) sẽ không khó để tìm thấy trụ sở của đội thanh niên tình nguyện đảm bảo an toàn giao thông xã Phú Quới.

Đó là một chốt dân phòng cũ, được trao lại cho các thanh niên tình nguyện. Mỗi ngày những chiếc áo xanh tình nguyện xuất hiện ở đây quan sát mọi người tham gia giao thông và “đi tuần tra” trên đường để kịp thời ứng cứu trong trường hợp tai nạn bất ngờ xảy ra.

“Gọi điện thoại chừng 3-4 phút là mấy anh em tới rồi. Các em được đào tạo, có kiến thức sơ cứu nên làm chắc ăn hơn, chứ tụi tui là dân tay ngang, không biết mà cứ rớ vô nhiều khi càng nặng hơn” - ông Huỳnh Văn Minh (người dân xã Phú Quới, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) nói.

Khu vực chợ này trước nay vẫn được xem là điểm nóng giao thông vì tập trung hơn 10.000 công nhân của Khu công nghiệp Hòa Phú và hàng ngàn sinh viên của trường đại học và trung cấp nghề.

Chị Trần Lê Nhã Khanh (đội trưởng) kể mỗi khi công nhân đến giờ tan ca hay sinh viên hết giờ học thì dòng người thi nhau qua đường, bất kể những đợt xe vẫn chạy với tốc độ khá cao. Từ ngày số điện thoại (0919099854, 0982556628 và 0977784477) được trưng bày làm đường dây nóng ở chốt này, các thành viên của đội nhận được những cuộc gọi “ứng cứu”, ngay cả lúc đêm khuya.

“Lúc đó đội phải nhanh chóng có mặt để giúp người bị nạn và hỗ trợ đảm bảo giao thông. Hồi đầu ra hiện trường thấy máu me sợ lắm nhưng riết rồi quen hết sợ. Thỉnh thoảng cũng có trường hợp anh em đến giúp nhưng gặp người say rượu hay người ở nơi xa đi ngang bị tai nạn, họ sợ mình lợi dụng lấy đồ nên xô ra hay la mắng. Ban đầu cũng hơi ngại nhưng rồi giải thích, trấn an xong, họ cũng hiểu ra” - chị Khanh tâm sự.

Đội được thành lập từ tháng 10-2014 với 10 thành viên. Trường hợp nào chỉ xây xát nhẹ thì đội tự xử lý, nặng hơn thì các thành viên sơ cứu rồi hỗ trợ đưa nạn nhân đến bệnh viện điều trị.

Anh Trần Thanh Khanh (thành viên đội) chia sẻ: “Anh em đều có công việc riêng nhưng luôn tranh thủ có mặt ở chốt trực. Giờ rảnh chúng tôi trao đổi thêm các kỹ năng sơ cấp cứu. Còn buổi tối thì bất kể giờ giấc, hễ có người gọi báo tai nạn là các thành viên có mặt”.

Ông Bùi Văn Chiều, phó bí thư Tỉnh đoàn Vĩnh Long, cho biết: “Điều hay ở đội là các thành viên đủ mọi thành phần từ đoàn viên, công an xã đến nhân viên y tế... xử lý tình huống rất linh hoạt. Sắp tới chúng tôi sẽ nhân rộng mô hình này, sẽ tăng cường tập huấn, trang bị thêm kỹ năng sơ cứu, xử lý nhanh, đảm bảo sức khỏe và tài sản của người bị tai nạn giao thông”.

 

THÚY HẰNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp