14/02/2015 15:21 GMT+7

9X và 10.000 bức ảnh yêu thương

VŨ VIẾT TUÂN
VŨ VIẾT TUÂN

TTXuân - Dự án chụp, in tại chỗ 10.000 bức ảnh cho trẻ em nghèo miền núi Việt Nam (Vietnam Free Foto For Children) do chàng trai Đỗ Văn Hùng sáng lập cùng với những người bạn Bùi Thị Kim Phương, Nguyễn Quang Tuấn và Phùng Bá Hưng.

 Các em học sinh ở thôn Hợp Nhất, xã Túng Sán, Hoàng Su Phì, Hà Giang nhận ảnh. Đây là một trong những xã khó khăn bậc nhất huyện Hoàng Su Phì, nằm dưới chân núi Tây Côn Lĩnh cao vời vợi. Các em trong thôn là người dân tộc Clao, Tày, Dao
Các em học sinh ở thôn Hợp Nhất, xã Túng Sán, Hoàng Su Phì, Hà Giang nhận ảnh. Đây là một trong những xã khó khăn bậc nhất huyện Hoàng Su Phì, nằm dưới chân núi Tây Côn Lĩnh cao vời vợi. Các em trong thôn là người dân tộc Clao, Tày, Dao

Bốn thành viên trong nhóm đều sinh năm 1990, đến với dự án bằng niềm đam mê chụp ảnh và tình yêu những em nhỏ vùng cao. 

Chung sức

Với mong muốn các em nhỏ nơi bản làng xa xôi vùng núi cao Tây Bắc có được những bức ảnh chân dung của chính các em, một nhóm bạn trẻ 9X đã chụp và in ảnh tại chỗ cho trẻ em vùng cao. 

Từ khi còn là sinh viên khoa công tác xã hội Trường đại học KHXH&NV Hà Nội, Hùng đã yêu thích chụp ảnh và đi du lịch để ghi lại những khoảnh khắc đó đây trong cuộc sống. Tuy ước mơ có được một chiếc máy ảnh vẫn rất xa vời với những sinh viên từ quê lên Hà Nội học, nhưng Hùng đã tự mày mò, tìm hiểu về cách chụp ảnh.

Sau khi học xong đại học năm 2012, Hùng sang Singapore trong chương trình thực tập sinh Intership ba tháng. Ở đó, Hùng tranh thủ làm thêm giờ để tích cóp tiền mua được chiếc máy ảnh Canon 60D. 

Sau đó, Hùng sang Thái Lan làm giáo viên Asean dạy tiếng Việt cho học sinh Thái. Ở Thái Lan, Hùng nảy ra ý tưởng và bắt đầu viết kế hoạch thực hiện dự án “10.000 bức ảnh chân dung miễn phí cho trẻ em vùng cao”. Hùng cho biết đã lựa chọn con số 10.000 bức ảnh rất ngẫu nhiên, sau khi xem xong bộ phim Việt Nam - cuộc chiến tranh 10.000 ngày. Dù là một con số thật nhiều, nhưng ngay từ đầu chàng trai này đã xác định sẽ quyết tâm hoàn thành dự án.

“Thời sinh viên mình đi vùng cao thấy có nhiều em nhỏ, thậm chí người lớn chưa từng có một tấm ảnh nào. Lúc đó mình nghĩ muốn làm một điều gì đó cho trẻ em nơi này, ít nhất là về mặt tinh thần. Điều đầu tiên mình nghĩ đến là một tấm ảnh, vừa hợp kinh tế và mang lại nhiều niềm vui, vừa có tính sử dụng lâu dài đối với các em”.

Trước khi về nước, Hùng chia sẻ ý tưởng ấy với Phương và Hưng. Không ai bảo ai, cả ba đều chung ý nghĩ rằng đây là dự án rất có ý nghĩa và hoàn toàn có thể thực hiện được. “Khi nghe Hùng nói về dự án, thật kỳ lạ là lúc đó mình có một niềm tin rằng Hùng sẽ làm được vì đây không phải là dự án quá khó, có thể làm được, một mình hoặc một nhóm nhỏ với dụng cụ chủ yếu là máy ảnh và máy in nhỏ, việc mang theo thuận tiện, hơn nữa tôi thấy dự án có ý nghĩa với nhiều em nhỏ miền núi” - Phương nói.

Trước dự án 10.000 ảnh chân dung miễn phí cho trẻ em vùng cao, Hùng đã thực hiện chụp và in tặng miễn phí ảnh chân dung cho 450 trẻ em miền núi vào đầu năm 2013. “Hoạt động này chính là tiền đề của dự án. Nhưng lúc đó mình chưa có phương tiện mà phải vận động bạn bè in giúp và gửi lại các em. Điều đó thật bất tiện và giảm độ “nóng” của bức ảnh” - Hùng nhớ lại. Vậy là Hùng vừa dạy học vừa lên kế hoạch chi tiết, đánh dấu những địa bàn dự định đến chụp ảnh trên bản đồ Việt Nam và viết đề xuất để xin tài trợ giấy in ảnh. 

Tháng 3-2014, Hùng về nước cùng những người bạn đam mê nhiếp ảnh và giàu tình yêu trẻ em của mình thực hiện dự án. Hùng và Hưng đã lên Mèo Vạc, Hà Giang cách Hà Nội 500km, đường núi hiểm trở để khảo sát thực tế. Sau đó, nhóm kết nạp thêm Nguyễn Quang Tuấn - một bạn trẻ làm nghề chụp ảnh bán chuyên.

Cùng niềm yêu thích nhiếp ảnh và chung suy nghĩ như Hùng, Tuấn nói: “Mình thấy nhiều người đi vùng cao chụp ảnh lắm, được rất nhiều ảnh, nhưng rồi cuối cùng những bức ảnh đó chẳng bao giờ được đến tay các em nhỏ nơi miền núi xa xôi”. Biết dự án qua mạng Facebook, Tuấn đã tìm cách liên hệ với nhóm để cùng chung sức. 

Chưa bao giờ nghĩ chuyện bỏ cuộc

Dự án 10.000 bức ảnh chân dung miễn phí cho trẻ em vùng cao được thực hiện từ tháng 3 đến tháng 12-2014. Bốn thành viên tham gia dự án đều là những bạn trẻ 9X mới tốt nghiệp đại học.

Dự án đã mang đến 10.000 bức ảnh chân dung, trao tận tay những trẻ em vùng núi cao Tây Bắc Việt Nam. Dự án đã đi qua gần 30 xã vùng sâu vùng xa, khó khăn nhất của các tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hòa Bình, Sơn La…

Trước mỗi chuyến đi, Hùng và các bạn luôn phải chuẩn bị rất tỉ mỉ, từ những tập giấy in ảnh, máy in, mực in, máy ép, máy ảnh đến lương khô, đồ ăn nhẹ… để sao cho chuyến đi tiết kiệm thời gian nhất và chụp được nhiều ảnh cho các em nhỏ nhất. Mỗi lần từ Hà Nội đón xe lên các tỉnh miền núi, Hùng phải mang theo lỉnh kỉnh đủ thứ.

Một khó khăn mà hầu hết thành viên trong nhóm đều nói đến là đường núi hiểm trở, khó khăn và cả những nguy hiểm luôn rình rập. Hơn nữa, những địa phương nhóm chọn thường là những xã vùng cao, rất khó khăn trong việc đi lại.

Hùng kể một trong những địa hình khó đi nhất là tại xã Pà Vầy Sủ, huyện Xín Mần, nơi đây địa hình hiểm trở chẳng khác gì khu vực Mã Pì Lèng của huyện Mèo Vạc, nhưng đường đi thì rất xấu, đường nhỏ xíu, cheo leo và thường xuyên bị đá lở. Những hôm trời mưa thì giống như đi vào một cái bẫy, có thể bị đá lăn vào người bất cứ lúc nào.

Một lần vào bản Xi Cà Lá cách trung tâm xã hơn 10km, Hùng được một thầy giáo dùng xe máy đưa vào bản. Nhưng hai người cứ đi được chừng 500m thì phải xuống cạy bánh xe do đất bám chặt vào. Những đoạn dốc, dù xe Win100 đã về số 1 vẫn không lên được, Hùng và thầy giáo phải thay nhau đẩy xe lên, vừa đi vừa phải ngước lên núi xem có thấy “lợn rừng” - tên gọi vui của nhóm về những tảng đá lăn từ trên núi xuống - hay không. 

Nhờ những chuyến đi khó khăn và nguy hiểm ấy mà Hùng được biết thêm nhiều câu chuyện cảm động về những thầy cô giáo đang từng ngày vượt núi gieo con chữ cho trẻ em nơi đây. Trên con đường Hùng đi, mới năm trước có một cô giáo đã bị “lợn rừng” cướp đi sinh mạng. Hay đầu năm 2014, một cô giáo khác bị ngã xe trên đường, phải nghỉ mất 7 tháng.

Khi Hùng đến trường chụp ảnh cho các em cũng là ngày đầu tiên cô đi làm trở lại. Hay có những nơi đường đi chỉ rộng 0,5-1m, men theo vách đá chênh vênh, phía dưới là vực sâu, người đi qua phải khom lưng, ngả người vào vách đá, dò dẫm từng bước chân thật kỹ mới dám bước, nếu không sẽ trượt xuống vực.

Tuấn vẫn chưa quên được chuyến đi ở Bảo Lâm, Bảo Lạc của tỉnh Cao Bằng, vì đường ở đó xấu đến nỗi chỉ trong một lần đi mà nhóm phải dừng lại vá lốp đến bốn lần, rồi phải thay một chiếc lốp xe khác mới có thể tiếp tục hành trình. 

Ngay cả trong lúc khó khăn nhất, mình cũng chưa bao giờ nghĩ đến việc bỏ cuộc dang dở dự án này
ĐỖ VĂN HÙNG

Nhưng khó khăn nhất của cả nhóm, lúc nào cũng luôn thường trực, là kinh phí mua giấy và mực in ảnh. Với số lượng ảnh lớn nên việc huy động, xin tài trợ giấy in, mực in ảnh luôn gặp khó khăn. Sau mỗi chuyến đi dài trên miền núi, khi trở về Hà Nội, Hùng và các bạn luôn phải lo khắp nơi để có giấy in, mực in chuẩn bị chuyến đi sau. Hùng vừa lo viết đơn xin tài trợ giấy in của một số doanh nghiệp, nhà hảo tâm, vừa lo sửa lại máy in, máy ép ảnh.

“Nhiều lần, trong khi giấy in vẫn chưa biết tìm ở đâu ra thì máy in, máy ép ảnh đã hỏng. Đó là những lúc thật sự khó khăn với bọn mình. Nhưng ngay cả trong lúc khó khăn nhất, mình cũng chưa bao giờ nghĩ đến việc bỏ cuộc dang dở dự án này” - Hùng chia sẻ. 

Làm thợ chụp ảnh bán chuyên, nên Tuấn tranh thủ mọi lúc quảng bá về dự án để xin thêm từng khách hàng một vài hộp giấy in ảnh, tích cóp dần lại. Còn Phương vừa tận dụng công việc của mình vừa tranh thủ bán những món hàng nhỏ như quần áo, sổ, sách… để gây quỹ cho nhóm. Tháng 7-2014, để có kinh phí tiếp tục hoạt động, nhóm đã mở một triển lãm nhỏ ở Hà Nội trưng bày những bức ảnh các em nhỏ vùng cao. Sự quan tâm khắp nơi với dự án ngày một thêm đầy.

Những trải nghiệm vô giá

Khi sắp kết thúc dự án 10.000 bức ảnh chân dung miễn phí cho trẻ em vùng cao Tây Bắc Việt Nam, Hùng đã nghĩ đến việc sẽ tiếp tục thực hiện dự án ở miền Trung (tây Nghệ An, Quảng Bình), Tây nguyên và Nam bộ, tới những vùng xa xôi và trẻ em ít điều kiện tiếp xúc chụp ảnh. 

Theo sáng kiến của Tuấn, sắp tới nhóm sẽ thường xuyên tổ chức các triển lãm ảnh trẻ em vùng cao ở các trường tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn Hà Nội để học sinh Hà Nội hiểu biết thêm về những em nhỏ còn đang gặp khó khăn nơi miền núi, đồng thời cũng để cộng đồng biết và quan tâm đến dự án nhiều hơn nữa.

Trong hành trình những chuyến lên miền núi chụp ảnh cho các em nhỏ, mỗi thành viên của nhóm đều cảm nhận được nhiều niềm vui khác nhau. Nhưng tất cả thành viên đều cảm nhận được những giây phút xúc động của bản thân mình trong lúc in ảnh giữa vòng vây các em nhỏ lần đầu được thấy máy ảnh, máy in, lần đầu được cầm trên tay ngắm nhìn bức chân dung của chính mình.

“Các em lần đầu tiên thấy máy ảnh, máy in, chúng tò mò và vây kín khu vực in ảnh để đón chờ từng chiếc ảnh trôi ra khỏi máy in. Có em còn bỏ cả ngủ trưa chờ ảnh của mình” - Hùng kể. Còn Tuấn lại nhớ những ngày mua hè oi ả: “Nhiều lúc vào mùa hè ngồi in, các em quây xung quanh, có em đu lên cửa sổ, trên bàn, mình vừa cố gắng làm thật nhanh vừa luôn nhắc các em đứng giãn ra một chút… Đó là những lúc tụi mình thật sự vui và xúc động. Đó cũng là động lực để tụi mình không quản đường sá, đi lại trên miền núi khó khăn, nguy hiểm để đến với các em”.

Ở nhiều nơi đến chụp ảnh, Hùng và các bạn được bắt gặp nhiều cụ già miền núi tuy đã sắp gần đất xa trời nhưng từ nhỏ đến giờ chưa có một tấm ảnh nào của mình. Vì thế thấy các cháu nhỏ được chụp ảnh, các cụ cũng muốn xin một kiểu để sau này khuất núi còn để lại làm kỷ niệm cho con cháu. Hay có những cặp vợ chồng cưới nhau, sinh được hai người con nhưng đến khi gặp Hùng và các bạn, họ mới được cầm trên tay bức “ảnh cưới” của gia đình.

“Trên hành trình thực hiện dự án mình bắt gặp nhiều trường hợp như vậy, nhưng thấy rất vui và xứng đáng. Mình luôn dự tính khoảng 5-10% số lượng ảnh in lỗi, chụp thêm cho các gia đình, tập thể hay các thầy cô giáo và bà con dân bản” - Hùng cho biết.

Nếu bắt gặp các em khuyết tật nhà nghèo, không có tiền để chạy chữa, nhóm cũng ghi lại địa chỉ, tên tuổi để chia sẻ thông tin lên trang Facebook Vietnam Free Foto Children, kêu gọi những nhà hảo tâm giúp đỡ các em. 

 “Nhiều bạn bè khác ra trường mong muốn xin một công việc nào đó đi làm luôn để tích lũy về tài chính, nhưng mình đã dự định ngay từ thời sinh viên là sau khi tốt nghiệp đại học sẽ dành hẳn hai năm đi giao lưu, làm những việc mình thích, theo đam mê của mình.

Qua dự án này, tụi mình trải nghiệm được rất nhiều điều vô giá. Nhờ dự án mình đã có một kho ảnh lớn, rất đa dạng về thiên nhiên, con người vùng núi Tây Bắc nước ta. Hơn nữa, qua dự án mình được quen biết thêm nhiều người bạn mới, hiểu thêm nhiều cảnh đời, nhiều phận người” - Hùng chia sẻ. 

“Các trẻ em người Dao ở xã Làng Mô, Sìn Hồ, Lai Châu xúm xít lại xem ảnh. Ban đầu các em rất ngại nhưng sau khi cho xem ảnh trên LCD máy ảnh, các em đã rất thích thú và tạo dáng cho tôi chụp ảnh” - Hùng chia sẻ - Ảnh: Nguyễn Luyện
“Các trẻ em người Dao ở xã Làng Mô, Sìn Hồ, Lai Châu xúm xít lại xem ảnh. Ban đầu các em rất ngại nhưng sau khi cho xem ảnh trên LCD máy ảnh, các em đã rất thích thú và tạo dáng cho tôi chụp ảnh” - Hùng chia sẻ - Ảnh: Nguyễn Luyện
“Trong một lần chụp ảnh ở xã Nghĩa Thuận, Quản Bạ, Hà Giang mưa bão kéo đến bất chợt. Sợ hư hỏng máy móc nên tôi ghé vào nhà một em nhỏ in ảnh nhờ. Một lát sau các em hàng xóm kéo đến kín cả ngôi nhà trình tường bằng đất này” - Hùng kể
“Trong một lần chụp ảnh ở xã Nghĩa Thuận, Quản Bạ, Hà Giang mưa bão kéo đến bất chợt. Sợ hư hỏng máy móc nên tôi ghé vào nhà một em nhỏ in ảnh nhờ. Một lát sau các em hàng xóm kéo đến kín cả ngôi nhà trình tường bằng đất này” - Hùng kể
“Trên đường đi bản Lùng Cẩu về, tôi bắt gặp những trẻ em người La Chí đang bám đu những rễ đa cổ thụ ven đường. Tôi dừng xe lại và chụp khoảnh khắc vui chơi của các em. Các em này đã nhận được ảnh từ hôm trước nên rất thoải mái cho tôi chụp hình” -  Hùng chia sẻ
“Trên đường đi bản Lùng Cẩu về, tôi bắt gặp những trẻ em người La Chí đang bám đu những rễ đa cổ thụ ven đường. Tôi dừng xe lại và chụp khoảnh khắc vui chơi của các em. Các em này đã nhận được ảnh từ hôm trước nên rất thoải mái cho tôi chụp hình” - Hùng chia sẻ
VŨ VIẾT TUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp