21/06/2024 08:40 GMT+7

99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam: Giữ 'thương hiệu' để hấp dẫn bạn đọc

T.LONG
và 1 tác giả khác

Bạn đọc - người chi trả tiền mua báo, người đồng hành cùng làm báo và cũng là người phản biện báo chí. Nhân ngày 21-6, Tuổi Trẻ trân trọng cảm ơn quý bạn đọc luôn dõi theo từng tin bài mỗi ngày.

99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam: Giữ 'thương hiệu' để hấp dẫn bạn đọc- Ảnh 1.

"Ước mơ của Thúy" - một chương trình công tác xã hội của báo Tuổi Trẻ - luôn nhận được sự đồng hành chia sẻ từ bạn đọc. Trong ảnh: trao quà chương trình "Ước mơ của Thúy" cho các bệnh nhi ung thư tại Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TP.HCM vào dịp quốc tế thiếu nhi 2024 - Ảnh: T.T.D.

Trang báo này, Tuổi Trẻ trích đăng ý kiến từ những đại biểu Quốc hội và bạn đọc thân thiết, như đón nhận lời nhận xét, góp ý và sự chia sẻ quý giá.

Càng phát triển và càng có sự cạnh tranh cao thì tính thương hiệu sẽ giúp báo chí tồn tại và giữ chân được bạn đọc.

Bà PHAN THỊ THANH PHƯƠNG

Đại biểu Quốc hội Phan Thị Thanh Phương (Đoàn ĐBQH TP.HCM):

Đẩy mạnh tương tác để bạn đọc cùng làm báo

Đại biểu Quốc hội Phan Thị Thanh Phương

Đại biểu Quốc hội Phan Thị Thanh Phương

Trong thời đại phát triển như hiện nay, bên cạnh việc ứng dụng các công nghệ mới để thay đổi về phương thức thể hiện để thu hút bạn đọc thì việc khẳng định "thương hiệu" riêng của tờ báo rất quan trọng. Điều này như một sự hấp dẫn thu hút riêng mà bạn đọc sẽ gắn bó lâu dài với tờ báo.

Đặc biệt với người trẻ, bên cạnh thông tin, họ rất thích tính tương tác với thông tin và nội dung. Do đó, các cơ quan báo chí cần hướng đến tính tương tác về nội dung, khảo sát các vấn đề, ý kiến xã hội, các cuộc thi sáng tạo nội dung, sáng tạo thông tin... để bạn đọc không chỉ là bạn đọc mà là người cùng làm báo.

Các hoạt động sau mặt báo cũng là một thương hiệu hiệu quả, thông qua hoạt động mang tính giải pháp như các tọa đàm, hội thảo... để tập hợp các chuyên gia, ý kiến người dân cùng đóng góp cho các vấn đề xã hội.

Ngoài ra, các hoạt động mang tính định hướng lối sống đẹp, thói quen mới, thói quen tốt cho cộng đồng như các chương trình trao học bổng, an sinh xã hội, chạy bộ, bảo vệ môi trường, thói quen không sử dụng tiền mặt... để tập hợp cả lực lượng và nguồn lực hướng đến xã hội.

Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An (Đồng Nai):

Xem báo chí như mô hình doanh nghiệp

Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An

Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An

Báo chí hiện nay vừa hoạt động đúng tôn chỉ mục đích nhưng cũng đủ nguồn lực, động lực thực thi sứ mệnh của mình. Báo chí cũng phải cạnh tranh sòng phẳng với mạng xã hội, các trang thông tin ở góc độ nhanh hơn, nhiều thông tin hơn, chuẩn mực hơn.

Để có những cái hơn như vậy thì chính sách pháp luật phải đầy đủ. Cần quan tâm những giải pháp để báo chí có đủ nguồn lực vật chất.

Tính cách mạng trong Luật Báo chí còn phảng phất tư duy cũ, báo chí hiện phải một chân làm nhiệm vụ, chân kia phải lo tự nuôi mình. Nên chăng đối xử với báo chí như mô hình một doanh nghiệp thông tin có những ưu đãi nhất định liên quan đến thu nhập, chi phí, định mức…

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Sửu (Thừa Thiên Huế):

Báo chí phải phát huy tính chính xác, nhanh

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Sửu

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Sửu

Thời đại công nghệ phát triển đã giúp báo chí có thêm công cụ tác nghiệp nhưng cũng đồng thời đặt ra những áp lực cạnh tranh gay gắt. Áp lực ở đây không chỉ về mặt thông tin mà áp lực còn ở kinh tế báo chí, quảng cáo…

Thế mạnh của báo chí là tính chính xác của thông tin và sự sâu sắc, chất lượng của thông tin.

Mỗi tờ báo, mỗi nhà báo, mỗi phóng viên phải đổi mới không ngừng. Đồng thời phải phát huy cho được vai trò định hướng dư luận hướng đến giá trị có ích, tích cực.

Đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ (phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội):

Có chế độ, chính sách hỗ trợ phát triển các cơ quan báo chí

Đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ

Đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ

Trong bối cảnh hiện nay, báo chí phải phát huy sứ mệnh và vai trò định hướng, dẫn dắt dư luận. Phải là kênh thông tin quan trọng, chuẩn mực, tin cậy của nhân dân.

Ở góc độ quản lý, chúng ta cũng cần hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo hành lang pháp lý và môi trường thuận lợi, lành mạnh cho hoạt động, phát triển báo chí. Cần rà soát, quy hoạch có trọng tâm trọng điểm nhằm nâng cao chất lượng hệ thống báo chí cả nước. Có chế độ chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển các cơ quan báo chí.

Có chính sách ưu tiên đãi ngộ người làm báo để các cơ quan báo chí, người làm báo có thể "sống" và phát triển bằng chính nghề của mình. Và cơ quan báo chí, người làm báo cũng phải chủ động, tích cực đổi mới, sáng tạo phù hợp với tình hình và xu thế phát triển của công nghệ, của thời đại và hội nhập quốc tế.

Đừng "bỏ rơi" bạn đọc giữa vòng vây tin giả, lừa đảo

Khi viết những dòng này, tôi vừa xem xong một đoạn clip của các đối tượng lừa đảo online được đăng tải trên mạng xã hội Facebook. Trong clip đó, có hai điều khiến tôi chú ý: clip có logo của một cơ quan báo chí lớn và nội dung được chỉnh sửa rất khéo léo để lừa người xem.

Điều này khiến tôi trăn trở: Trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo (AI) lên ngôi, tin giả tràn lan và các dạng lừa đảo trực tuyến ngày càng nhiều, hơn cả việc đưa tin tức, báo chí cần có thông điệp nội dung kịp thời, hữu ích cho bạn đọc hơn. Nói cách khác, báo chí cần đi trước (hoặc ít nhất cũng đi… kịp) để bạn đọc không bị bỏ lại, hoang mang trong cơn sốt AI, tin giả, deepfake và những chiêu trò lừa đảo ngày càng tinh vi.

Thực tế thời gian qua chuyện lừa đảo ngày càng nóng. Những người dân nghèo mất hết tài sản tích góp trong tài khoản chỉ qua vài cuộc điện thoại.

Ngày nay ai cũng có tài khoản mạng xã hội nhưng không phải ai cũng có đủ kiến thức để phân biệt thật - giả trên không gian này. Đó là lý do mà nhiều người tin vào "trên mạng nói" hơn là tìm đến và tin vào truyền thông báo chí chính thống.

Đặc biệt, khi tin giả lan tràn, các tờ báo và đơn vị truyền thông phải khẳng định được uy tín thực sự của mình, giảm các kiểu "câu view" hời hợt khiến công chúng mất niềm tin.

Một khi công chúng không còn tin báo chí thì họ lại càng bấu víu vào thông tin "trên mạng". Lúc đó tin giả, lừa đảo… sẽ tiếp tục lên ngôi và quay ngược lại tấn công chính những người dân.

Giữa thời điểm AI có thể viết văn viết báo này, tôi nghĩ điều bạn đọc cần không phải là "biết bao nhiêu thông tin mới" nữa mà họ cần "những thông tin mang đến các thông điệp, bài học" cho chính họ. Báo chí ngoài việc tiếp cận, phản ánh thông tin hấp dẫn, bản sắc hơn, rất cần đưa ra những góc nhìn, quan điểm thú vị, có ích hơn… những điều "trên mạng nói".

Bạn đọc KHÁNH HƯNG

Lãnh đạo TP.HCM thăm cơ quan báo chí nhân Ngày báo chí cách mạng Việt NamLãnh đạo TP.HCM thăm cơ quan báo chí nhân Ngày báo chí cách mạng Việt Nam

TTO - Ngày 20-6, đoàn lãnh đạo TP.HCM do Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đã đến thăm, chúc mừng các cơ quan báo chí trên địa bàn TP nhân kỷ niệm 95 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21-6-1925 – 21-6-2020).

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp