Hai ngôi nhà bị đất đá vùi đổ nát tại thôn Khanh, xã Phú Cường, huyện Tân Lạc, Hòa Bình - Ảnh: VIỆT DŨNG
Cụ thể, 60 người chết, gồm tỉnh Hoà Bình có 22 người chết, Thanh Hóa 15 người, Nghệ An 9 người, Sơn La 6 người, Yên Bái 6 người, Quảng Trị 1 người, Bắc Cạn 1 người.
Trong số 36 người còn mất tích, tỉnh Yên Bái còn số lượng người mất tích nhiều nhất, 16 người, tỉnh Hoà Bình vẫn còn 13 người mất tích. Các tỉnh Thanh Hoá còn mất tích 3 người, Sơn La còn mất tích 2 người, Nghệ An 1 người, Hà Nam 1 người.
Bên cạnh đó có 31 người bị thương: Yên Bái 10 người, Hòa Bình 5 người, Thái Bình 3 người, Nam Định 3 người, Sơn La 3 người, Hà Nam 2 người, Thanh Hóa 5 người.
Mưa lũ đã làm sập 328 căn nhà (Hòa Bình 44, Sơn La 194, Yên Bái 46, Thanh Hóa 39, Nghệ An 2, Hà Tĩnh 2, Thái Bình 1); hư hỏng, tốc mái 1.250 nhà; ngập 33.348 nhà; hư hại 86.790ha hoa màu, thủy sản; sập 26 cầu; chết 44.877 gia súc, gia cầm.
Các địa phương, cơ quan chức năng đã huy động 25.523 bộ đội, dân quân, các lực lượng khác cùng 325 phương tiện ứng phó, khắc phục hậu quả. Lực lượng đã di dời được 17.563 hộ dân, cứu được 10 người bị cô lập (Phú Thọ 4 người, Yên Bái 6 người), gia cố được 1.200m đê, vận chuyển được 17 tấn gạo, 1 tấn lương khô, 1 tấn mì gói.
Trong ngày 13-10, lực lượng cứu nạn 290 người tiếp tục tích tìm kiếm 2 cán bộ của đồn biên phòng Yên Khương, Thanh Hóa bị lũ cuốn trôi, mất tích lúc 18h45 ngày 10-10 nhưng chưa có kết quả.
Trong ngày 13-10, lực lượng cứu nạn với 764 người tích cực tổ chức tìm kiếm 9 người còn mất tích trong vụ sạt lở đất làm tại xóm Khanh, xã Phú Cường, huyện Tân Lạc, Hòa Bình. Kết quả đã tìm thêm được 1 thi thể. Như vậy, ngoài 10 thi thể nạn nhân được tìm thấy, đến 17h ngày 13-10 vẫn còn 8 người mất tích.
Còn 48 điểm bị ách tắc trên các quốc lộ do mưa lũ
Thống kê của Tổng cục Đường bộ Việt Nam đến 17h ngày 13-10, trên hệ thống quốc lộ còn 48 điểm tắc đường, trong đó có 7 điểm ngập nước. Riêng quốc lộ 16 thuộc địa bàn tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Nghệ An chưa thống kê được số liệu các điểm tắc đường do giao thông bị tê liệt.
Cụ thể, trên quốc lộ 6 còn điểm sụt lở taluy dương tại km141+300 qua huyện Mai Châu, Hòa Bình với khối lượng ước tính 2.000m3 và có nguy cơ tiếp tục sụt lở. Các lực lượng chức năng đã di dời 3 hộ dân khỏi vị trí nguy hiểm.
Còn tại km131+050 quốc lộ 6 qua huyện Mai Châu ngập nước mặt đường sâu 2m từ ngày 12-10, đến nay nước đã rút 10cm vẫn đang ách tắc giao thông.
Ngoài ra tại km133+470 quốc lộ 6 bị sụt lở taluy âm dài 30m.
Như vậy, tuyến quốc lộ 6 từ Hòa Bình đi Sơn La bị ách tắc bởi 3 điểm sạt lở, ngập nước tại huyện Mai Châu.
Quốc lộ 43 tại Sơn La bị sạt lở 115 điểm với 10.342m3, gây tắc đường tại 29 vị trí, dự kiến thông xe trong ngày 14-10.
Tại Cao Bằng, quốc lộ 34 bị sạt taluy dương tại 4 điểm với 200m3; quốc lộ 45 còn 2 đoạn ngập sâu từ 0,9m gây tắc giao thông;
Tại Thanh Hóa, quốc lộ 217B có 3 điểm bị nước ngập sâu từ 0,5-2m gây ách tắc giao thông; quốc lộ 217 sụt taluy âm tại 17 vị trí qua huyện Quan Sơn với tổng chiều dài khoảng 600m làm tắc đường; trên quốc lộ 47 sụt taluy dương gây tắc đường tại nhiều vị trí và sụt taluy âm hơn 50 vị trí qua huyện Thường Xuân với khối lượng khoảng 90.000m3; trên quốc lộ 47C nước ngập gây tắc đường tại 2 vị trí.
Tại Nghệ An, quốc lộ 48B bị ngập 0,5m; quốc lộ 48E ngập 1m tại tràn Hiếu phải đóng đường.
Ngoài ra, hàng loạt đường tỉnh tại nhiều địa phương miền Bắc bị sạt lở, chia cắt như: đường tỉnh 174 ở Yên Bái bị cắt đứt vì sập cầu Ngòi Thia cũ, xe được phân luồng theo tuyến tránh thị xã Nghĩa Lộ của quốc lộ 32; tại Hòa Bình đường tỉnh 433 từ Hòa Bình đi huyện Đà Bắc vẫn còn hàng chục điểm sạt lở, ngập nước sâu 2m gây ách tắc. Các tuyến đường tỉnh 438, 438B, 450, 432 ở Hòa Bình cũng bị ngập sâu, sạt lở làm ách tắc giao thông.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận