Các nhà khoa học nghiên cứu bệnh sốt xuất huyết Lassa. Ảnh: guardian.ng
Ngày 9/3, Cơ quan Y tế Nigeria thông báo dịch sốt xuất huyết Lassa đã khiến 93 người thiệt mạng kể từ khi căn bệnh cấp tính này bắt đầu bùng phát trở lại hồi tháng 1 vừa qua.
Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Nigeria (NCDC) cho biết hiện dịch Lassa đã lan tới 21/23 tỉnh thành của nước này với 1.447 người nghi nhiễm bệnh.
Đặc biệt, chỉ trong vòng 1 tuần qua, NCDC xác nhận có 36 ca dương tính với virus Lassa mới, trong đó có cả người bệnh cư trú tại thủ đô Abuja của Nigeria.
Trong khi đó, theo người đứng đầu NCDC, ít nhất 15 nhân viên y tế nước này cũng đã bị nhiễm virus Lassa cùng khoảng 4.700 người khác được cho là có tiếp xúc trực tiếp với những bệnh nhân bị mắc chứng sốt xuất huyết cấp tính này. Hiện tỷ lệ tử vong trong số người nhiễm bệnh chiếm khoảng 22,1%.
Trước đó, trong năm 2018, dịch sốt Lassa đã khiến 171 người tử vong ở 23 bang của Nigeria, trong đó 633 trường hợp được xác nhận dương tính với Lassa và gần 3.500 trường hợp nghi nhiễm bệnh.
Tuy nhiên, cơ quan y tế Nigeria đã ngăn chặn kịp thời dịch bệnh này. Dịch sốt này thường gia tăng nhanh và bùng phát ở Nigeria vào mùa khô, giữa tháng 1 và tháng 4 hằng năm.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), sốt Lassa là căn bệnh nhiễm một loại virus cùng họ với các virus như Marburg và Ebola. Tên gọi Lassa được đặt theo tên một địa phương ở miền Bắc Nigeria, nơi dịch sốt này được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1969.
Sự lây lan dịch này thường thông qua sự bài tiết của loài gặm nhấm hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với máu, chất bài tiết hoặc các chất dịch cơ thể khác của người bệnh.
Khoảng 80% số người bị nhiễm virus Lassa không có triệu chứng, số còn lại có triệu chứng không điển hình. Thời gian ủ bệnh dao động vào khoảng 2-21 ngày, sau đó bắt đầu khởi phát triệu chứng thường là sốt, suy nhược cơ thể và khó chịu.
Vài ngày sau, bệnh nhân sẽ bắt đầu đau đầu, đau họng, đau cơ vùng ngực, bụng, nôn hoặc buồn nôn, tiêu chảy. Nặng hơn nữa, bệnh nhân có thể bị phù nề mặt, tràn dịch màng phổi, xuất huyết từ miệng, mũi, âm đạo hoặc đường tiêu hóa và có thể dẫn đến sốc, tử vong.
Ngoài ra, bệnh nhân Lassa có thể sốt kéo dài thành từng cơn kiểu sốt rét. Khoảng 25% trường hợp có biến chứng điếc do tổn thương dây thần kinh số 8, một nửa số đó có thể hồi phục thính giác một phần sau khoảng 1-3 tháng.
Do các triệu chứng của bệnh Lassa thường không điển hình nên việc chẩn đoán sớm bệnh rất khó khăn cũng như rất khó phân biệt với các bệnh sốt khác như sốt xuất huyết do Ebola, sốt rét, sốt thương hàn, sốt vàng./.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận