Khám cho trẻ mắc bệnh sởi ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương (Hà Nội) - Ảnh: THÚY ANH
Thống kê riêng ở Hà Nội năm nay 90% các cháu mắc sởi chưa được tiêm ngừa.
Chưa tiêm ngừa đã bệnh
Chị Phạm Thị Lành ở Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội vài ngày nay phải chăm con hơn 9 tháng tuổi điều trị sởi ở Bệnh viện E. Chị cho hay theo lịch cách đây 15 ngày chị phải đưa con đi tiêm ngừa sởi, nhưng đúng dịp đó cháu lại sốt mọc răng nên gia đình lùi lại.
"Sau lịch tiêm ngừa, thời gian ngắn gia đình thấy cháu có vài nốt đỏ dưới da, ho, sốt, chảy nước mũi, đưa vào bệnh viện khám thì được chẩn đoán là cháu mắc bệnh sởi" - chị Lành cho hay.
Bác sĩ Trương Văn Quý, trưởng khoa nội nhi tổng hợp Bệnh viện E, cho hay hầu hết bệnh nhi mắc sởi nhập viện thời gian qua chưa tiêm ngừa hoặc tiêm chưa đủ mũi, một tỉ lệ bệnh nhi là các cháu chưa đến tuổi tiêm ngừa mũi văcxin sởi, lại không có kháng thể từ mẹ truyền cho (do mẹ cũng chưa được tiêm ngừa) và khi có nguồn lây, bé dễ có nguy cơ mắc bệnh.
BS Đỗ Thiện Hải, phó trưởng khoa truyền nhiễm Bệnh viện Nhi T.Ư, cho hay hiện tại khoa này có khoảng 10 bệnh nhi mắc sởi đang điều trị, bé nặng nhất trong số này đang phải hỗ trợ thở oxy do bị biến chứng viêm đường hô hấp.
Thống kê chung của Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho thấy số mắc sởi đã tăng từ tháng 5 và đặc biệt từ tháng 7 đến nay, việc gia tăng bệnh sởi trong mùa hè cũng là điểm bất thường.
Tuy may mắn là chưa có bệnh nhi mắc sởi tử vong trong mùa dịch này, nhưng cũng đã có những dấu hiệu ban đầu tương tự vụ dịch sởi nặng nhất trong nhiều năm gần đây (năm 2014), khi đã có một số trường hợp song sinh cùng mắc bệnh và cùng có diễn tiến bệnh rất nặng.
Mùa dịch năm 2014 đã có hàng chục cặp song sinh cùng mắc sởi, cùng diễn biến nặng và một số bé đã tử vong.
Dấu hiệu mắc sởi
Theo BS Hải, sởi là bệnh dễ chẩn đoán do có nhiều dấu hiệu đặc thù như bé ốm, sốt kèm phát ban tuần tự từ sau tai, ngực, lưng và lan ra chân tay, kèm theo là chứng viêm kết mạc và ho khan.
Trong mùa dịch như thế này, cách phòng sởi tốt nhất là tiêm ngừa cho các bé.
BS Hải cho biết hiện đã có tiêm văcxin ngừa sởi khi trẻ từ tháng tuổi thứ 6, trong khi thông thường theo lịch là tiêm chủng mũi sởi đơn khi trẻ 9 tháng tuổi, trẻ 18 tháng tuổi sẽ tiêm mũi sởi- rubella.
Tuy nhiên nếu tỉ lệ tiêm chủng chỉ đạt 95%, năm nào cũng còn khoảng 5% trẻ chưa được tiêm ngừa và khi số đó tích lũy đủ lớn thì rất dễ bùng phát dịch sởi.
"Ngay cả khi trẻ đang điều trị ở bệnh viện, một phòng 3-4 trẻ mà có một bé mắc sởi nguy cơ lây lan cũng rất lớn. Nếu trẻ ốm vào thời điểm tiêm ngừa, cha mẹ hãy cho trẻ tiêm vào thời điểm gần đó nhất chứ không để trẻ liên tục bỏ sót mũi tiêm vì ốm. Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ cũng cần tiêm ngừa mũi sởi - rubella để phòng bệnh cho bản thân và cho con" - BS Hải khuyến cáo.
TP.HCM ngừa bệnh
Tại TP.HCM, theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng, tuần qua bệnh nhân mắc sởi không tăng. Tuy vậy, trước thông tin bệnh sởi ở Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc đang có xu hướng gia tăng, nhiều bà mẹ cũng lo lắng, dự kiến đưa trẻ đi chích ngừa sởi.
Chị N.H.T. (34 tuổi, Q.Phú Nhuận) chia sẻ theo lịch chích ngừa, lúc 18 tháng tuổi con trai chị sẽ phải đi chích ngừa mũi sởi - rubella nhưng giờ con trai đã được gần 3 tuổi chị vẫn chưa sắp xếp đưa con đi chích ngừa được. Nay đọc thấy thông tin bệnh sởi tăng ở Hà Nội, chị T. tính sẽ cho con đi chích ngừa sởi.
Còn chị P.T.B.T. (30 tuổi, Q. Bình Thạnh) kể con chị giờ đã 23 tháng tuổi nhưng chị cũng quên mất mũi sởi nhắc lại lúc con 18 tháng tuổi. Ngay sau khi đọc thấy thông tin bệnh sởi ở Hà Nội gia tăng, chị đã đưa con đi chích ngừa sởi - quai bị - rubella.
Theo Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, bệnh sởi là một trong những bệnh nguy hiểm, có tính lây truyền có thể gây dịch lớn. Bệnh sởi nguy hiểm nhất đối với trẻ em dưới 3 tuổi. Bệnh làm suy yếu sức đề kháng của cơ thể nên thường kèm theo biến chứng như viêm phổi, viêm tai, tiêu chảy…
Bệnh sởi lây qua đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp với các chất tiết của mũi họng bệnh nhân, có thể lây gián tiếp qua những đồ vật mới bị nhiễm các chất tiết đường mũi họng của bệnh nhân.
Cứ 10 người tiếp xúc mật thiết với bệnh nhân sởi thì sẽ có 9 người có thể bị lây bệnh nếu họ chưa từng mắc bệnh sởi hay chưa được tiêm văcxin sởi trước đó.
Những người chưa bị mắc bệnh hoặc chưa được tiêm chủng đều có nguy cơ mắc bệnh sởi. Cách phòng bệnh sởi tốt nhất là tiêm chủng cho trẻ em theo lịch tiêm chủng quốc gia.
Lịch tiêm chủng hiện hành cho các bé sẽ tiêm mũi sởi đơn lúc 9 tháng tuổi, bé 18 tháng tuổi tiêm mũi văcxin sởi - rubella.
Trường hợp gia đình chỉ muốn tiêm sởi đơn khi bé 18 tháng tuổi, gia đình sẽ phải chi trả phí như tiêm văcxin dịch vụ.
Tuy nhiên Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia khuyến cáo các bé nên được tiêm mũi văcxin sởi - rubella phối hợp, một mũi văcxin phòng được hai bệnh là sởi và rubella. Cả hai văcxin này đều sản xuất tại VN, trên dây chuyền và công nghệ Nhật Bản.
Theo ông Đặng Quang Tấn, phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế, có 27-28% trẻ mắc sởi trong các tháng đầu năm 2018 dưới 9 tháng tuổi, tức chưa đến tuổi tiêm chủng văcxin sởi theo lịch hiện hành, 12% trẻ 9-12 tháng tuổi, 16% trên 14 tuổi.
L.ANH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận