Sáng 1-11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Một trong những quy định được đại biểu quan tâm là điều kiện phòng cháy chữa cháy đối với nhà ở, nhất là nhà ở chuyển công năng sang sản xuất, kinh doanh.
Đại biểu Tô Ái Vang (Sóc Trằng) đề nghị dự luật cần bổ sung một khoản trong trường hợp công trình nhà ở chuyển sang công năng sản xuất, kinh doanh để đảm bảo cơ sở cho các cơ quan chuyên môn thực thi theo pháp luật.
Theo bà Vang, những năm gần đây các vụ hỏa hoạn gây thiệt hại về người và tài sản rất nghiêm trọng. Trong đó nhiều vụ cháy thương tâm xảy ra tại các công trình nhà ở chuyển công năng sang sản xuất, kinh doanh.
Việc này đòi hỏi phải có quy định chặt chẽ hơn đối với công trình đã chuyển đổi công năng sang kết hợp ở với sản xuất, kinh doanh để tránh những vụ việc đáng tiếc xảy ra. Điển hình như các vụ cháy quán karaoke, dịch vụ vũ trường ở những năm trước gây thiệt hại nặng nề về người và của.
"Nhận định của các chuyên gia cho thấy trong số các cơ sở karaoke, vũ trường hoạt động có đến 90% địa điểm hoạt động trên cơ sở các công trình cải tạo từ nhà ở riêng lẻ. Theo quy định của Luật Xây dựng, việc cải tạo và làm thay đổi công năng xây dựng, an toàn công trình, kết cấu chịu lực... phải được cấp phép cải tạo, sửa chữa.
Tuy nhiên nhiều công trình nhà ở cải tạo làm quán bar, nhà hàng, vũ trường, quán karaoke lại không xin phép cải tạo. Do không xin phép nên bỏ qua các yêu cầu về phòng cháy chưa cháy.
Việc có quy định cụ thể về giấy phép sửa chữa, cải tạo và các điều kiện, quy chuẩn về phòng cháy chữa cháy nhằm đảm bảo cơ sở cho các cơ quan chuyên môn thực thi nhiệm vụ.
Đại biểu Đỗ Văn Yên (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết hiện nay nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh, lưu trú không đáp ứng về tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy nhưng vẫn hoạt động. Chỉ khi có sự cố mới phát hiện ra những vi phạm.
Theo ông Yên, cần có quy định cụ thể chế tài kiểm tra định kỳ về phòng cháy chữa cháy của các cơ sở. Trong đó bổ sung quy định chi tiết hơn về kiểm tra định kỳ và công khai kết quả kiểm tra phòng cháy chữa cháy tại các cơ sở sản xuất kinh doanh.
"Kết quả kiểm tra phòng cháy chữa cháy hằng năm phải được công khai trên trang doanh nghiệp và trang web của các cơ quan chức năng. Trong đó dự luật cần bổ sung thêm quy định các cơ sở phải kiểm tra định kỳ 6 tháng một lần về tình trạng của các trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy", ông Yên kiến nghị.
Ông cũng nêu thực trạng hiện nhiều khu dân cư, khu đô thị, khu công nghiệp đang thiếu thiết bị cơ bản về phòng cháy chữa cháy, trụ nước chữa cháy, lối thoát hiểm hoặc thiết bị chữa cháy tự động...
Ông đề nghị cần bổ sung vào dự luật quy định bắt buộc các khu dân cư, khu đô thị, khu công nghiệp phải bố trí các thiết bị, phương tiện bắt buộc chữa cháy, đặc biệt là các khu dân cư, các khu công nghiệp.
Quy định lắp đặt trang thiết bị phòng cháy chữa cháy trong khu dân cư đối với toàn bộ các địa phương
Đại biểu Trần Đình Chung (Đà Nẵng) cho hay trong dự luật quy định phòng cháy chữa cháy đối với nhà ở có viết là "nhà ở tại thành phố trực thuộc trung ương".
Ông Chung đề nghị thay cụm từ đó thành "đối với nhà ở tại các địa phương mà thuộc khu vực không đảm bảo khoảng cách an toàn ngăn cháy, chống cháy lan, hạ tầng giao thông, nguồn nước...".
Theo ông, không riêng gì các thành phố trực thuộc trung ương, tại nhiều địa phương có tình trạng các khu dân cư, tổ dân phố... không đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy, nguy cơ cháy nổ rất cao.
Do đó việc phải trang bị bình chữa cháy, thiết bị truyền tin báo cháy kết nối với hệ thống cơ sở dữ liệu cứu nạn cứu hộ và truyền tin báo cháy theo lộ trình của Chính phủ là cần thiết, đảm bảo an toàn cháy nổ trong toàn bộ các khu dân cư trên cả nước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận