PSG.TS phân tích về vấn đề “khởi nghiệp với sinh viên” - Ảnh: Ý NHUNG
Vậy nên hay không, chuyện khi đang còn ngồi trên ghế nhà trường?
Đây cũng chính là chủ đề của buổi hội thảo dành cho các bạn sinh viên đam mê khởi nghiệp do PGS.TS Nguyễn Anh Thi (Giám đốc Khu Công nghệ phần mềm ĐHQG TP.HCM) dẫn dắt vào sáng ngày 29-11.
Khởi nghiệp tràn lan
Chưa bao giờ cụm từ "" được nhắc đến nhiều như hiện nay. Theo một nghiên cứu của tập đoàn Amway phối hợp cùng trường đại học Technische Universitat Munchen (TUM) và công ty nghiên cứu thị trường Gesellschaft fuer Konsumforschung (GfK), Việt Nam là đất nước có tinh thần khởi nghiệp cao bậc nhất thế giới.
91% người Việt được khảo sát cho biết họ xem chuyện bắt đầu một công việc kinh doanh mới như một cơ hội nghề nghiệp đáng ao ước. 95% có thái độ tích cực với tinh thần khởi nghiệp, làm chủ. Tỷ lệ này cao hơn mức trung bình thế giới, vốn chỉ dừng lại ở 77%.
Quả thực, không quá khó để bạn tìm thấy một "startup" khi bước chân ra ngõ. Từ những quán cà phê, những ứng dụng công nghệ đến những công ty, kinh doanh mua bán... Tất cả đều là dự án khởi nghiệp của những bạn trẻ. Trong số đó, không ít người là sinh viên đang theo học tại trường đại học. Thậm chí, có người quyết định ngừng học để khởi nghiệp.
Đỗ Hữu Thăng từng là sinh viên ngành cơ khí (trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật) TP.HCM. Sau 4 năm đại học, anh quyết định chọn con đường khởi nghiệp, mở công ty cho thuê các thiết bị sự kiện và truyền thông. Thăng chia sẻ: "Mình đã từng đi làm cho một công ty và nhận ra công việc không hợp với mình. Khi khởi nghiệp, bạn không chỉ thể hiện được hết khả năng, đam mê mà còn được làm chủ, độc lập tài chính và quan trọng là mang lại việc làm cho người khác".
Thế nhưng, cứ 10 doanh nghiệp được thành lập thì có đến 9 doanh nghiệp thất bại. Lí giải cho vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Anh Thi cho rằng, có nhiều yếu tố để quyết định đến một startup thành công hay không.
PSG.TS Nguyễn Anh Thi phân tích về vấn đề khởi nghiệp với sinh viên - Ảnh: Ý NHUNG
Đam mê thôi chưa đủ
Tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Anh Thi chia sẻ, để khởi nghiệp, thứ đầu tiên cần có chính là đam mê. Tuy nhiên, chỉ đam mê thì chưa đủ. Bạn phải nhận thức được khả năng, tố chất của mình có phù hợp để trở thành một doanh nhân. Sinh viên khởi nghiệp cũng cần có kỹ năng bán hàng, kiến thức rộng về các lĩnh vực tài chính, đầu tư, kế toán,…
"Làm chủ chẳng qua cũng là một nghề, nhưng nghề này không phải ai làm cũng được. Để trở thành doanh nhân, bạn cần có tầm nhìn, thấy được tương lai mà người khác không thể thấy", ông chia sẻ.
PGS.TS cũng khẳng định, các trường đại học nói chung và ĐHQG TP.HCM nói riêng không cổ xúy cho sinh viên khởi nghiệp. Đứng trước nhận định này, bạn Hoàng Ly (sinh viên ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM) lại cho rằng: "Những đất nước tiên tiến đều tạo điều kiện để sinh viên được khởi nghiệp.Vậy tại sao các trường đại học ở Việt Nam lại không ủng hộ, đó có phải là một sự thụt lùi?".
Trả lời cho vấn đề này, ông Nguyễn Anh Thi cho rằng, trách nhiệm của trường đại học là tạo môi trường cho sinh viên khởi nghiệp và đào tạo về tư duy khởi nghiệp cho sinh viên. Rất nhiều cuộc thi khởi nghiệp từ cấp trường, thành phố và bộ được tổ chức chính là sự ủng hộ.Tuy nhiên, nhiệm vụ chính của sinh viên vẫn là việc học.
Người khởi nghiệp giống như đánh một trận lớn, ngoài việc quân trang đầy đủ thì nắm bắt tình hình, xác định điểm yếu đối thủ vô cùng quan trọng.
"Facebook không phải mạng xã hội đầu tiên trên thế giới, nhưng giờ là mạng xã hội nhiều người dùng nhất. Nếu Mark Zuckerberg sinh ra cách đây 100 năm, anh ta sẽ chẳng thể nào thành công như hiện nay. Và lí do tại sao Yahoo biến mất, Nokia không thể đánh bại SamSung, Apple. Đó chính là yếu tố về thời cuộc. Phải nhạy bén với thời cuộc, và đương nhiên làm gì cũng sẽ cần một chút may mắn", PGS cho hay.
Các bạn sinh viên tham gia phản biện tại hội thảo - Ảnh: Ý NHUNG
Dấn thân để trải nghiệm
Việc các trường đại học tạo môi trường chính là để sinh viên trải nghiệm và xác định có thực sự phù hợp hay không. Nếu không phù hợp, đương nhiên không nên theo đuổi, bởi sẽ mất thời gian, công sức và tiền bạc của chính các bạn.
Thế nhưng, làm thế nào để sinh viên khởi nghiệp thành công khi trong tay không có gì ngoài ý tưởng. Làm sao để tìm thấy những cộng sự và cả mentor (cố vấn hướng dẫn) để giúp các bạn định hướng tốt là thắc mắc của đa số sinh viên tham gia hội thảo.
Lời khuyên chính là sự chủ động: phải chủ động tìm hiểu bản thân muốn gì, chủ động tích lũy kiến thức, kỹ năng cần có, chủ động tìm đến các nhà đầu tư, nhà đồng sáng lập. Ông Nguyễn Anh Thi cũng khuyến khích các sinh viên nên tham gia các cuộc thi, sự kiện, diễn đàn liên quan đến khởi nghiệp.
"Khi tham gia thi, các bạn không chỉ khám phá bản thân, nhận ra được điểm mạnh, điểm yếu mà còn học hỏi nhiều dự án, mô hình khởi nghiệp từ đối thủ. Các bạn còn có thể kết nối với các chuyên gia, những người có khả năng giải quyết vấn đề. Mọi sợi dây liên kết với nguồn vốn, cộng sự cũng nằm ở đấy".
Không ai khẳng định mình có thể thành công ngay lần đầu khởi nghiệp, và con số về khởi nghiệp thất bại cũng gây hoang mang cho các bạn trẻ. Tuy nhiên, người có đam mê vẫn nên thử.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận