Cụ thể, Sở Giao thông vận tải TP.HCM vừa ra hướng dẫn thực hiện quản lý và sử dụng tạm thời một phần lòng đường, vỉa hè. Theo đó, Sở Giao thông vận tải TP.HCM và UBND các quận, huyện sẽ lên danh mục, tổ chức sử dụng tạm lòng đường, vỉa hè (thu phí đối với những tuyến đủ điều kiện).
Theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM, có 6 trường hợp được tạm dùng vỉa hè và đóng phí gồm: Điểm tổ chức kinh doanh dịch vụ, mua, bán hàng hóa; điểm trông, giữ xe có thu tiền dịch vụ trông giữ xe, tổ chức hoạt động văn hóa; điểm giữ xe phục vụ hoạt động văn hóa; điểm bố trí công trình, tiện ích phục vụ giao thông công cộng có thu tiền sử dụng; lắp đặt các công trình tạm; điểm trung chuyển vật liệu, phế thải xây dựng để phục vụ thi công công trình.
Ngoài ra có 3 trường hợp được sử dụng tạm thời một phần lòng đường và đóng phí, gồm: Tổ chức sự kiện văn hóa và trông, giữ xe ô tô phục vụ sự kiện; điểm trung chuyển rác thải sinh hoạt của doanh nghiệp vệ sinh môi trường đô thị; điểm trông giữ xe có thu tiền dịch vụ.
Mức phí được TP.HCM áp dụng dựa trên giá đất bình quân tại 5 khu vực, ở nội thành sẽ cao hơn ngoại thành. Trong đó, mức thấp nhất cho hoạt động giữ xe là 50.000 đồng/m2, cao nhất 350.000 đồng/m2 mỗi tháng. Các hoạt động khác sẽ áp dụng 20.000-100.000 đồng/m2.
Công thức tính là: Mức phí của tuyến đường x diện tích sử dụng x thời gian sử dụng.
Cùng với đó, Sở Giao thông vận tải TP.HCM cũng ban hành danh sách gần 900 tuyến đường thuộc 5 khu vực để các quận, huyện làm căn cứ tính phí (nếu đủ điều kiện thu phí).
Sở Giao thông vận tải TP.HCM được giao tổ chức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường (bao gồm dải phân cách, đảo giao thông) trên các tuyến đường do sở quản lý. Còn UBND cấp huyện tổ chức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố đối với các tuyến đường do UBND cấp huyện quản lý.
Quá trình thực hiện thu phí phải đảm bảo công khai, minh bạch, tạo điều kiện để người dân tham gia, kiểm tra, giám sát.
Đường đủ điều kiện mới thu phí
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, một cán bộ Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết danh sách gần 900 tuyến đường mà sở vừa ban hành nói trên chỉ là căn cứ cho các quận, huyện xác định rõ những tuyến thuộc khu vực trung tâm để tính phí chính xác.
Dựa vào danh sách này, các quận, huyện rà soát rồi mới chọn ra danh mục tuyến nào đủ điều kiện thu phí theo nguyên tắc, tiêu chí sở đã hướng dẫn. Từ đó, các địa phương tiến hành thuyết minh cụ thể phương án quản lý, sử dụng phù hợp thì mới có thể thu phí, tiến tới đánh giá và nhân rộng.
Đặc biệt, vỉa hè muốn triển khai thu phí kinh doanh dịch vụ, mua bán hàng hóa... phải rộng ít nhất 3m, trong đó 1,5m dành cho người đi bộ. Đối với lòng đường, sau khi chừa lại ít nhất hai làn ô tô cho một chiều đi, phần còn lại nếu đủ điều kiện mới tổ chức các hoạt động khác ngoài mục đích giao thông.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận