Theo báo cáo về tình hình thoát nước năm 2024 ở TP.HCM của Sở Xây dựng TP.HCM, qua tổng hợp tình hình mưa, ngập nước do mưa tính đến ngày 30-9, TP.HCM có 30 tuyến đường ngập trong mưa, thời gian nước rút trước 30 phút.
Cụ thể, quận 1 có 11 đường ngập trong mưa, gồm Calmette, Nguyễn Cư Trinh, Cống Quỳnh, Nguyễn Văn Cừ, Lê Lai, Lê Thánh Tôn, Trương Định, Lê Lợi, Phạm Ngũ Lão, Phạm Viết Chánh, Lê Thị Riêng.
Quận Bình Thạnh có 4 đường gồm Ung Văn Khiêm, Đinh Bộ Lĩnh, Bạch Đằng, Bình Quới.
Quận Gò Vấp có 4 đường gồm Phạm Văn Chiêu, Lê Văn Thọ, Lê Đức Thọ, Phan Huy Ích.
Quận Bình Tân có 3 đường gồm Tân Hòa Đông, Phan Anh, An Dương Vương.
Quận 12 có 2 đường là Phan Văn Hớn, Nguyễn Văn Quá. Huyện Hóc Môn có 2 đường là Song hành quốc lộ 22 và Bà Triệu.
Các đường Nguyễn Thiện Thuật (quận 3), 3 Tháng 2 (quận 10), Trường Sơn (quận Tân Bình) và quốc lộ 50 (huyện Bình Chánh) cũng ngập trong mưa.
Cùng kỳ năm 2023, số tuyến đường bị ngập trong mưa, thời gian rút nước trước 30 phút là 28 tuyến.
Ngoài 30 tuyến đường ngập trong mưa kể trên, TP.HCM còn 2 tuyến đường ngập theo tiêu chí (độ sâu, diện tích ngập, thời gian nước rút... - PV), gồm Nguyễn Văn Khối (quận Gò Vấp) và Võ Văn Kiệt - Hồ Học Lãm (quận Bình Tân).
Theo Sở Xây dựng TP.HCM, nguyên nhân gây ngập chủ yếu là cường độ mưa lớn trong thời gian ngắn kết hợp địa hình trũng thấp cục bộ; hệ thống cống hiện hữu thiếu đồng bộ do đầu tư qua nhiều giai đoạn làm giảm tốc độ dòng chảy từ thượng lưu đến hạ lưu.
Bên cạnh đó, tình trạng xả rác, chất thải rắn lấp bít miệng thu và xả thải dầu, mỡ chưa qua xử lý lắng, lọc cũng là nguyên nhân gây ngập.
Hiện các tuyến đường ngập đều đã có kế hoạch thực hiện dự án để giải quyết.
Trước mắt, Sở Xây dựng TP.HCM chỉ đạo Trung tâm Hạ tầng kỹ thuật thực hiện nạo vét các tuyến cống, cửa xả, kênh rạch bị bồi lắng, đặc biệt ưu tiên các vị trí thường xuyên bị ngập nhằm đảm bảo thông thoáng dòng chảy.
Đồng thời, việc vớt rác miệng thu hố ga, khơi thông các vị trí cống bị tắc nghẽn, sửa chữa các vị trí cống xuống cấp, thay thế các nắp bê tông bằng lưới sắt, mở rộng miệng thu nước... cũng được triển khai.
Ngoài ra, các đơn vị cần ứng dụng công cụ cảnh báo ngập trực tuyến và ra quyết định (FEDS) do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ.
Để giải quyết căn cơ, theo Sở Xây dựng TP.HCM, cần đẩy nhanh các dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp cầu đường, lắp đặt thay thế hệ thống thoát nước đầu tư đã lâu bị xuống cấp do các chủ đầu tư đang triển khai thực hiện.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận