Phóng to |
Cô bé út Hoàng Thị Ngân vẫn thường theo cha bủa lưới trên sông - Ảnh: L.Giang |
Những ngày sau đó, con gái đầu của chị Mai là Hoàng Thị Sen vẫn bế em út là Hoàng Thị Ngân ra bến sông Hậu Thành ngóng mẹ về. Hai bé út sinh đôi là Thủy và Ngân thỉnh thoảng nhớ mẹ lại đòi bố dắt đi tìm. Anh Hoàng Văn Ái, cha lũ trẻ, phải bế lên chỉ vào tấm ảnh chị Mai trên bàn thờ dỗ dành con: “Mạ đi rồi”.
Chị Mai cứ yên lòng
Ông Trần Thanh Tâm, phó chủ tịch UBND xã Phù Hóa, cho biết: “Hiện các cháu đang đi học và vẫn hưởng chế độ tiền tuất liệt sĩ của mẹ. Rất mừng là hiện nay gia đình anh Ái đã vượt qua được ngưỡng hộ nghèo, cũng nhờ sự giúp đỡ tận tình của mọi người và sự cần cù làm ăn của cả gia đình. Xã rất quan tâm đến gia đình, mỗi khi trời mưa bão xã vẫn cử cán bộ đến nhà anh Ái động viên anh lo cho các cháu được an toàn khi đi học... Các chính sách xã hội khác cũng được xã và đoàn thể quan tâm thường xuyên”. |
Ngày ấy, anh Hoàng Văn Thái - anh ruột anh Ái - cứ nhìn vào lũ trẻ mất mẹ mà thở dài: “Nhà dù có nghèo đến mấy nhưng bọn trẻ cũng có mẹ lo cho nồi rau chén cháo qua ngày. Tới đây biết mần răng?”. Chị Tuyết, láng giềng với chị Mai, kể: “Tối hôm trước khi Mai mất, nó có qua nhà tôi chơi và tỉ tê nói là con đông quá không biết phải xoay xở cách răng để nuôi chúng đây. Ai ngờ đến mờ sáng thì Mai bị rứa”. Biết bao người khi đến thăm nhà chị Mai đã nức nở trước bầy trẻ quần áo cũ sờn, thơ thẩn trên mảnh sân ướt sũng nước lũ, hay bồng bế nhau lụi cụi trước bến sông. Chị Hoàng Thị Thu, một trong bảy người được chị Mai và bà con xã Phù Hóa cứu sống trong cơn lũ dữ ngày ấy, vẫn chưa quên được cảnh tượng: “Mỗi lần qua thắp hương cảm ơn chị Mai, nhìn thấy mấy đứa nhỏ dắt díu nhau là tui khóc”.
Nhưng rồi mọi người đã có chung ý nghĩ: xin chị Mai cứ yên lòng ra đi, cực mấy xóm làng và bà con cũng góp sắn, góp khoai nuôi chúng. Những ngày sau, người ở gần thì ghé thôn Hậu Thành tự tay chăm chút bầy trẻ, người ở nơi xa góp tiền gửi đến. Vậy là “dòng” tiền, từ chỉ vài chục ngàn đồng của bà má bán trái cây ở chợ Bà Chiểu (TP.HCM), vài trăm ngàn đồng của chị viên chức ở Hà Nội cho đến số tiền hàng chục triệu đồng của các cơ quan, doanh nghiệp khắp nơi trên cả nước “chảy” về lo cho bảy đứa con côi cút của chị Mai.
Tôi còn nhớ nét mặt rầu rầu của ông Lê Huy Ngọ - trưởng Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão trung ương, nguyên bộ trưởng Bộ NN&PTNT - khi nhìn thấy lũ trẻ nheo nhóc lúc ông đến thăm gia đình chị Mai ngày 8-12-2004. Khi biết tôi ra gặp gia đình chị Mai bàn về việc lập sổ tiết kiệm từ tiền của bạn đọc báo Tuổi Trẻ cả nước đóng góp dành cho các cháu, ông Ngọ rất xúc động. Ông dặn dò anh Ái: “Tiền này là tiền nghĩa tiền tình của đồng bào cả nước, cháu sử dụng thật tốt cho các con, vì sau này các cháu còn phải ăn học cho đàng hoàng”.
Mới đây, hôm 12-11-2013, anh Hoàng Văn Ái cho biết: “Số tiền mà báo làm sổ tiết kiệm cho các cháu năm đó là 235 triệu đồng, đến nay vẫn nằm nguyên vẹn trong ngân hàng. Hằng tháng chỉ lấy tiền lãi ra lo thêm cho chúng ăn học. Tui quyết chỉ khi mô các cháu cần để mở nghề mần ăn hay đi học nghề thì mới dùng đến. Mình cũng phải bươn chải nuôi con nữa chớ”.
Không thể kể hết nghĩa tình của đồng bào cả nước đã dồn về cho những đứa con của chị Mai. Trong đó bà Nguyễn Thị Gạt, tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng - thương mại Đại Hải ở TP.HCM, đã đích thân ra xã Phù Hóa rước sáu đứa con của chị Mai vào TP.HCM nuôi dưỡng (bé Sen lúc đó đã được nhạc sĩ An Thuyên đưa ra Hà Nội) cho đến khi trưởng thành. Vậy nhưng ở được hơn một tháng thì anh Ái dẫn đàn con về lại Phù Hóa. Anh bảo: “Ngày nào các cháu cũng đòi về với mẹ nên tui đành trốn bà Gạt mà đưa chúng về”.
Ngôi nhà khang trang này là của cha con anh Hoàng Văn Ái - Ảnh: L.Giang |
Noi gương mẹ mà sống
Tháng 11 năm nay, tôi trở lại thôn Hậu Thành, căn nhà nhỏ của chị Mai ngày nào gần bên bến sông nơi chị ra đi trong lũ bây giờ đã có chủ khác. Bảy cha con anh Ái mua đất mới và dựng lên căn nhà một tầng lầu khang trang trên đường liên xã mới đổ bêtông. Anh Ái cho biết: “Nhà mần năm 2010 hết 650 triệu đồng. Trong đó tiền vay 100 triệu đồng, còn lại là tiền của bà con cả nước cho trong những năm qua gom góp lại. Bây giờ các cháu đã lớn lên nhiều rồi nên tui cũng muốn có căn nhà đàng hoàng cho các cháu ở”.
Trên tường phòng khách treo tấm ảnh cưới của con gái đầu Hoàng Thị Sen. Đó là bé Sen 13 tuổi ngày chị Mai mới mất, vẫn dắt đàn em trứng gà trứng vịt ngóng mẹ trên bến sông. Bây giờ Sen là nhân viên văn phòng của Công ty Thiên Đường Bảo Sơn ở Hà Nội, thu nhập mỗi tháng hơn 4 triệu đồng. Chồng Sen là người cùng thôn Hậu Thành. Qua điện thoại Sen báo tin vui: “Cháu đã mang thai được ba tháng rồi bác ạ. Cuộc sống của vợ chồng cháu tạm ổn nhờ cả hai đều có thu nhập”. Năm 2004, sau khi theo nhạc sĩ An Thuyên ra Hà Nội, Sen được nhạc sĩ cho học lớp đàn piano và organ trong Trường đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội. Học xong Sen đi biểu diễn và làm với Công ty Thiên Đường Bảo Sơn cho đến nay. Nhắc lại ngày mẹ mất, Sen xúc động: “Cháu không biết nói chi thêm nữa để cảm ơn tất cả các bác, các dì... đã giúp nhà cháu có được cuộc sống như bây giờ”.
Bé út - người ngày nào đã lấy đi không biết bao nhiêu nước mắt của các mẹ, các dì khắp cả nước, và luôn khóc ngằn ngặt trên tay chị Sen vì nhớ mẹ - là Hoàng Thị Ngân, và chị sinh đôi là Hoàng Thị Thủy nay là học trò lớp 7 Trường THCS Phù Hóa. Trên nét mặt Ngân dường như vẫn còn phảng phất điều gì đó thăm thẳm hơn so với các chị và anh. Trong sáu đứa con đang ở với anh Ái ở làng, Ngân rất hay theo ba đi làm cá trên sông.
Anh Ái nói: “Không hiểu vì răng mà nó rất thích đi với tui trên sông. Lắm khi tui không cho đi nhưng hắn vẫn cố leo lên thuyền cho bằng được. Nhiều khi tui để ý chộ hắn thần người ra, mắt nhìn chăm chăm xuống nước như đang nghĩ điều chi. Khi mạ hắn còn hay đưa đi theo trên thuyền, có khi hắn bị rơi xuống nước, hai vợ chồng hụp theo cuống cuồng”. Hỏi, Ngân bẽn lẽn không nói gì. Ăn cơm, Ngân cũng thường lặng lẽ cho đến hết bữa. “Chắc nó vẫn chưa quên được mẹ” - cô chị thứ hai Hoàng Thị Hương đoán vậy. Hương đã học xong lớp 12 từ hai năm trước, thi trượt đại học, nay ngày ngày lo cơm nước cho các em và phụ giúp ba chài lưới. Hương cho biết: “Cháu sẽ kiếm việc làm ở địa phương cho gần nhà. Trước mắt chưa có việc thì cháu giúp ba chăm sóc các em để chúng ăn học”.
Cô bé thứ ba là Hoàng Thị Lan, học lớp 12 ở Trường THPT Lê Trực. Nhắc lại cảnh Lan và chị Sen lụi cụi ngồi rọc lá chuối gói bánh chưng đón Tết Ất Dậu (2005) khi không còn mẹ, Lan nhớ: “Lúc đó bác chờ chụp ảnh cháu vớt nếp ngâm từ chậu ra rổ, và cháu vừa làm vừa khóc vì bé Ngân và bé Thủy cứ bấu lấy ba đòi mẹ”. Cô bé thứ tư là Hoàng Thị Hồng, nay đã học lớp 11 ở Trường THPT Lê Trực. Hồng học rất giỏi, năm nào cũng có giấy khen của trường và là niềm tự hào của anh Ái mỗi khi có người hỏi về các con. Trên tường nhà dán dài hai dãy giấy khen của Hồng. Sau Hồng là Công, mới học lớp 8 đã ước muốn đi bộ đội. Công nói: “Sau này học xong lớp 12, có thi đại học cháu cũng thi vô trường quân sự”. Anh Ái bảo: “Sẽ cho nó toại nguyện, vì mẹ là liệt sĩ thì con phải noi gương mẹ mà sống”.
Để tiếp tục chăm lo cho con cái trưởng thành, ngày ngày anh Ái vẫn cùng chiếc thuyền nhỏ bủa lưới trên sông. Mấy đứa lớn đã đủ sức theo anh lên rừng Quảng Liên lấy củi, bủa lưới đánh cá hay đưa cá ra chợ xã bán. Phía dưới nhà anh bây giờ chừng 200m là đập ngăn nước Hậu Thành, nơi chị Mai đã quên thân cứu người. Chia tay tôi đầu đường, anh Ái nói: “Bây chừ tui đã nói được với mạ mấy đứa là: Mạ nó cứ yên lòng an nghỉ, các con giờ đã lớn khôn rồi”.
Phóng to |
Bài báo viết về sự hi sinh của chị Mai trên Tuổi Trẻ ngày 1-12-2004 |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận