Một góc của quán Xin Chào tại Nhật - Ảnh: T.Tâm. |
Tiệm bánh mì Xin Chào của hai anh em Bùi Thanh Duy (sinh 1986) và Bùi Thanh Tâm (sinh 1991) cũng được giới thiệu trên Chunichi - một trong những tờ báo hàng đầu tại Nhật Bản.
Qua Skype, Thanh Tâm chia sẻ với Tuổi Trẻ câu chuyện lập nghiệp trên đất khách.
Mọi chuyện bắt đầu vào tháng 6-2015, trong lần từ tỉnh Mie (nơi Tâm trọ học lúc đó) lên Tokyo chơi, Tâm đi vào một khu chợ và thấy hàng dài người xếp hàng trước một tiệm kebab để có được một chiếc bánh mì Thổ Nhĩ Kỳ này.
"Tôi mua một ổ để ăn và thấy cũng ngon, nhưng không thể sánh bằng bánh mì Việt. Huống hồ, bánh mì Việt những năm gần đây liên tục được xếp vào tốp 10 món ăn đường phố ngon nhất thế giới.
Từ những điểm đó, tôi suy nghĩ về việc mở tiệm kinh doanh bánh mì và ý tưởng này được anh trai tôi lẫn người trong gia đình ở VN ủng hộ. Hiện tôi vừa hoàn thành chương trình học tại ĐH Yokkaichi nên hai anh em dồn toàn bộ sức lực cho quán" - Tâm cho biết.
Chàng trai 8x Việt nhớ lại:
"Thử thách giai đoạn đầu vô cùng nhiều như tìm mặt bằng tốt, là người ngoại quốc thì phải chứng minh bản thân không phạm pháp, có vốn đủ mạnh để duy trì và trả nợ trong trường hợp kinh doanh không thuận lợi và quan trọng là phải có người bảo hộ là người Nhật. Chưa kể phải chứng minh an toàn vệ sinh thực phẩm…
Cuối cùng chúng tôi cũng tìm được địa điểm phù hợp. Mặt bằng của chúng tôi thuê chỉ 22m2 nhưng mỗi tháng phải trả gần 3.000USD. Chúng tôi rất may mắn khi có một người thầy người Nhật chấp nhận bảo hộ, lúc đầu thầy cũng lo lắng đủ điều nhưng về sau khi thấy quán xuất hiện trên báo chí, tivi thì thầy rất vui và tự hào".
Thanh Tâm cho biết người anh trai phải lấy tiền cưới ứng vào, sau đó mượn thêm tiền từ gia đình và sự góp vốn của hai người bạn để chi cho rất nhiều khoản ban đầu như: sửa chữa, xây dựng lại quán, mướn nhân công, mua nguyên vật liệu, điện nước, gas…
Tiệm Xin Chào nằm trên con phố có rất nhiều quán ăn Waseda Dori nhưng hiện bán khoảng 200 ổ bánh mì/ ngày, "vượt xa mong đợi ban đầu" của hai anh em Duy và Tâm.
"Ngày khai trương chúng tôi thậm chí bán được trên 500 ổ dù trước đó tiệm chỉ quảng bá chủ yếu trên cộng đồng mạng, đi phát tờ rơi… chứ không làm điều gì quá hoành tráng. Mọi thứ đang phát triển thuận lợi, chúng tôi có tham vọng sẽ sớm mở được chuỗi cửa hàng tại xứ sở hoa anh đào" - Thanh Tâm hồ hởi thông tin.
"Ở Nhật thì thường người ta làm bánh mì theo kiểu Pháp, dày vỏ và ít xốp như bánh mì Việt. Nhiều nơi sản xuất bánh mì lắc đầu trước đề nghị của chúng tôi. Nếu làm bánh mì theo kiểu Việt thì mỗi ngày họ phải bán được ít nhất 10.000 ổ do mọi thứ đều được tự động hóa, từ cái khuôn đến hương vị, kích cỡ… Cũng may là sau khi liên lạc khoảng 50 nơi sản xuất thì chúng tôi cũng kiếm được một nhà sản xuất bản xứ rất cầu thị, sẵn sàng nghe chúng tôi góp ý để bánh mì “đúng chuẩn” Việt nhất trong mức có thể. Thanh Tâm cho biết hiện ở Tokyo có khoảng 7 tiệm chuyên bán bánh mì Việt, trong đó đa phần có chủ là người Nhật. "Chúng tôi cố gắng làm bánh mì đúng chuẩn Hội An với đầy đủ thịt, chả, dưa leo, patê, bơ… khẩu hiệu của quán là “Taste banh mi, taste Vietnam” (tạm dịch: Nếm bánh mì, nếm cả Việt Nam)". |
Một góc của quán Xin Chào tại Nhật - Ảnh: T.Tâm. |
Thanh Tâm cũng chia sẻ thêm: "Ngày xưa khi còn đi học ở VN, tôi học tốt nhưng khá lười, ham chơi và có nhiều suy nghĩ chưa chín chắn… Chỉ đến khi có cơ hội qua nước Nhật học và thấy dân tộc họ dù nghèo tài nguyên thiên nhiên nhưng lại giàu “tài nguyên” con người, ý chí vươn lên mạnh mẽ… điều đó chợt thôi thúc tôi nhìn lại, từ đó thay đổi đáng kể ở bản thân.
Tôi không muốn chỉ sống cho chính mình mà còn cho cả quê hương, bằng mọi giá tôi phải giúp hình ảnh người Việt, nước Việt tươi đẹp đến với bạn bè quốc tế. Và tôi mong những ổ bánh mì Xin Chào sẽ phần nào giúp tôi hoàn thành điều đó".
Một ổ bánh mì tại quán Xin Chào - Ảnh: T.Tâm. |
Thanh Duy và Thanh Tâm trên báo Nhật Bản - Ảnh: NVCC. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận