Việc thu hút được nhóm khách là người đi làm sử dụng xe buýt góp phần giảm xe cá nhân và giảm ùn tắc giao thông.
Khách đi làm tăng dùng xe buýt điện
Tại hội thảo về chuyển đổi xanh, tài chính xanh do Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các cơ quan khác tổ chức mới đây, ông Nguyễn Công Nhật - tổng giám đốc Công ty TNHH dịch vụ vận tải sinh thái Vinbus - có chia sẻ về xu hướng khách sử dụng xe buýt điện tăng mạnh.
Trước đây xe buýt được coi là phương tiện chỉ dành cho người già và sinh viên. Thế nhưng, theo dõi số liệu thống kê khách hàng sử dụng thẻ tháng của Vinbus, Tổng giám đốc Nguyễn Công Nhật cho hay tỉ lệ người đi làm chiếm đến 89%.
Trong khi trước đây, tỉ lệ người đi làm bằng xe buýt chỉ ở mức 25-30%. Khi xe điện Vinbus vận hành, tỉ lệ này tăng lên. Điều này cho thấy rằng khi dịch vụ tiện lợi, khách hàng sẽ chọn lựa. Xu hướng khách chọn đi xe xanh ngày càng nhiều, nên Vinbus sẽ tập trung đầu tư, thu hút khách đi làm, phần lớn nhóm khách này đang sử dụng xe cá nhân.
Đi xe buýt có thể chậm hơn 1-2 phút nhưng giá trị không chỉ là một chuyến đi, khi cùng chung tay mang lại bầu không khí sạch hơn cho môi trường khi dùng xe sử dụng nhiên liệu sạch.
Thực tế, nhiều khách hàng sử dụng xe buýt điện, càng đi càng thích. Có người sau khi đi "thử cho biết" đã chuyển sang việc cất xe máy để đi xe điện cho thoải mái, giảm chi phí.
Trường hợp chị Nguyễn Lan (TP Thủ Đức, TP.HCM) là điển hình. Chị ở TPThủ Đức nhưng làm việc tại quận 1. Trong bối cảnh giá xăng dầu tăng cao, đi lại bằng xe buýt điện với giá vé 7.000 - 9.000 đồng/lượt giúp người dân tiết kiệm túi tiền. Tuy vậy, để hút khách, chị Lan cho rằng cần mở rộng thêm nhiều tuyến buýt điện ở các khu vực khác để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
"Xe rất hiện đại và đầy đủ tiện ích, giá vé hợp lý, nhất là đối với học sinh, sinh viên, nhưng chỉ có một tuyến thì ít quá. Cần xem xét mở thêm, phục vụ đa dạng đối tượng hành khách, nhất là các tuyến đường khu vực trung tâm" - chị Lan góp ý.
Xe "xanh" đón khách tận cửa
Để khuyến khích hành khách di chuyển "xanh", app VinBus cũng hiển thị kết quả đo đếm giảm phát thải CO2 của khách hàng khi sử dụng VinBus thay vì phương tiện khác.
Tính đến thời điểm 31-3-2024, VinBus góp phần giảm hơn 31.000 tấn CO2 thải ra môi trường, tương đương trồng 1,45 triệu cây xanh.
Ông Nhật cho biết VinBus đang hướng tới bước tiếp theo cung ứng phương thức di chuyển Door-to-Door.
Cụ thể, thay vì chỉ đón, trả khách tại các điểm dừng xe buýt, VinBus hướng tới việc kết hợp cùng Xanh SM đón, trả khách tận nhà. Chương trình này hướng tới việc tất cả người dân có thể đo lường được lượng giảm phát thải trên từng chuyến đi, mà 100% chuyến đều bằng các phương tiện xanh.
"Xe buýt không thể di chuyển từ điểm A đến điểm B, nên chúng tôi muốn kết hợp với các đơn vị khác như xe điện Xanh SM để tạo ra chuỗi cung ứng cho khách hàng", ông Nhật nói.
Theo thống kê của World Bank và PPIAF, tỉ lệ xe buýt tại các thành phố vào khoảng 0,5% đến 1,2% xe buýt/1.000 dân. Tỉ lệ xe buýt ở Hà Nội và TP.HCM đang dưới 0,2% là rất thấp, dẫn đến ùn tắc giao thông thường xuyên. Để đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách công cộng, theo tính toán, với tỉ lệ 0,8 xe buýt/1.000 dân, Hà Nội và TP.HCM cần thêm 5.000 - 6.000 xe.
Hiện Việt Nam có 8.746 xe buýt, 89% trong số đó là xe buýt diesel. Toàn bộ buýt điện do VinBus cung ứng, chiếm 3%. Trong khi xe "xanh" như VinBus hiện có 286 xe, hoạt động chủ yếu tại Hà Nội (202 xe), Phú Quốc (51 xe), và TP.HCM (33 xe).
Xe điện không có chuyện hết thời, đây là xu thế bền vững không đảo ngược
Tại đại hội cổ đông ngày 25-4, Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng cũng nói với cổ đông "không có chuyện xe điện hết thời, đây là xu thế bền vững không đảo ngược". Đặc biệt chi phí pin ngày càng rẻ đi, xe điện cạnh tranh ngang với xe xăng. Xe điện góp phần quan trọng giúp thành phố sạch hơn.
Quyết định số 876/QĐ-TTg chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các bon và khí mê tan của ngành giao thông vận tải hướng tới mục tiêu phát triển hệ thống giao thông vận tải xanh, hướng tới phát thải ròng khí nhà kính về 0 vào năm 2050.
Theo lộ trình đặt ra, đến năm 2025, 100% xe buýt thay thế/mới sử dụng điện và năng lượng xanh. Đến năm 2030, taxi thay thế/mới sử dụng điện và năng lượng xanh. Đến 2050, 100% xe buýt và taxi sử dụng điện, năng lượng xanh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận