02/06/2017 19:37 GMT+7

​866.007 thí sinh tham gia kỳ thi THPT quốc gia

TRẦN HUỲNH
TRẦN HUỲNH

TTO - Ngày 2-6, đoàn công tác của Bộ GD-ĐT do Thứ trưởng Bùi Văn Ga dẫn đầu đã làm việc với UBND các tỉnh Đồng Nai và Bình Dương, cùng các sở, ban, ngành và các trường ĐH về công tác tổ chức thi THPT quốc gia năm 2017.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga (phải) kiểm tra địa điểm in, sao đề thi THPT quốc gia tại tỉnh Bình Dương chiều 2-6 - Ảnh: TRẦN HUỲNH
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga (phải) kiểm tra địa điểm in, sao đề thi THPT quốc gia tại tỉnh Bình Dương chiều 2-6 - Ảnh: TRẦN HUỲNH

Theo ông Ga, năm nay cả nước có 866.007 thí sinh tham gia kỳ thi THPT quốc gia (giảm nhẹ so với năm 2016), trong đó có khoảng 26% thí sinh dự thi chỉ để xét tốt nghiệp THPT.

“Đến nay công tác chuẩn bị cho kỳ thi đều được thực hiện theo đúng kế hoạch. Qua kiểm tra của đoàn công tác Bộ GD-ĐT cho thấy các địa phương đã chuẩn bị rất nghiêm túc cho kỳ thi” - ông Ga cho biết.

Thí sinh thi để xét tuyển ĐH tăng

Tại Bình Dương có hơn 10.100 thí sinh đăng ký dự thi (tăng 600 thí sinh so với năm ngoái), trong đó số thí sinh thi chỉ để xét tốt nghiệp THPT khá ít với 747 thí sinh (khoảng 6%).

Ở khu vực miền Đông Nam bộ, Đồng Nai là địa phương có số lượng thí sinh khá lớn (đứng thứ 2 sau TP.HCM) với 26.200 thí sinh (tăng hơn 2.000 thí sinh so với năm ngoái).

Tại Đồng Nai, số thí sinh đăng ký dự thi chỉ để xét tốt nghiệp THPT là 8.566 (chiếm khoảng 26%); số thí sinh thi để xét tuyển ĐH, CĐ tăng so với năm ngoái với hơn 17.600 thí sinh.

“Kỳ thi năm được tổ chức tại địa phương, thí sinh thi tại địa phương vẫn được xét tuyển ĐH nên tỉ lệ thí sinh đăng ký thi để xét tuyển ĐH cao hơn” - ông Ga nhận định.

Cũng theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, trung bình cả nước 1 thí sinh đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ 4-5 nguyện vọng, trong khi con số này của Đồng Nai và Bình Dương là 3 nguyện vọng/1 thí sinh.

“Điều này chứng tỏ thí sinh nghiên cứu, cân nhắc rất cẩn thận trước khi đăng ký xét tuyển. Bộ GD-ĐT đánh giá cao hai địa phương này về công tác hướng nghiệp, tư vấn ngành nghề cho học sinh. Việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển của thí sinh cho thấy các cháu quyết tâm theo ngành nghề đã xác định từ trước” - ông Ga đánh giá.

Lo khâu in, sao đề thi

Tại buổi làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai và Bình Dương dù các sở, ban, ngành của địa phương đều cho biết đã lên kế hoạch phối hợp hỗ trợ thí sinh về chỗ ở, đi lại... nhưng các thành viên trong đoàn công tác của Bộ GD-ĐT vẫn chưa yên tâm.

Ông Ga lưu ý: “Các địa phương nên tính toán hết các tình huống và cần phải nghĩ đến những sự cố không lường trước được để nếu xảy ra có thể giải quyết được ngay...”.

Báo cáo với đoàn công tác của Bộ GD-ĐT, bà Nguyễn Hồng Sáng, giám đốc Sở GD-ĐT Bình Dương, cho biết: “Năm 2017, năm đầu tiên thực hiện phương thức thi THPT quốc gia theo hình thức hoàn toàn mới, do đó sở GD-ĐT cũng gặp những khó khăn nhất định trong các khâu chuẩn bị cho kỳ thi như in, sao đề thi, chấm trắc nghiệm, sử dụng phần mềm quản lý thi…”

TS Nguyễn Đức Nghĩa, phó giám đốc ĐHQG TP.HCM, lưu ý các địa phương: “Công tác in sao đề thi năm nay rất phức tạp đề nghị ban chỉ đạo thi tỉnh hết sức lưu ý trong khâu in ấn, tuyệt đối không để xảy ra nhầm lẫn. Việc mở đề thi từng buổi do đã giao trọn gói nên phải tuyệt đối phải mở đúng đề thi, không để xảy ra nhầm lẫn ảnh hưởng kỳ thi cả nước”.

TS Hà Hữu Phúc, vụ trưởng, giám đốc cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT, cũng cho rằng công tác in sao đề thi cần phải tập huấn kỹ. Bộ GD-ĐT nhận định in, sao đề thi là khâu yếu nhất trong công tác tổ chức thi.

“Số lượng in sao đề thi trong kỳ thi năm nay cực lớn nên rất dễ xảy ra sai sót. Vì vậy các sở GD-ĐT cần phải phân công người có tinh thần trách nhiệm cao phụ trách nhiệm vụ này. Nếu đề in mờ mà vẫn cho vào túi đề thi, sau này thí sinh không đọc được sẽ rất nguy hiểm” - ông Phúc lưu ý.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết thêm ngày 31-5, ban đề thi của Bộ GD-ĐT đã bắt đầu triển khai công việc. Năm nay ban đề thi làm việc sớm hơn để giao đề thi cho các địa phương sớm hơn so với mọi năm để các sở có thời gian in sao.

Theo đó, ngày 10-6, Bộ GD-ĐT sẽ giao đề thi chính thức tất cả các môn và ngày 17-6 sẽ giao đề thi dự bị cho các sở GD-ĐT. Đề thi dự bị năm nay với đầy đủ các môn thi cũng được bảo quản chế độ mật như đề thi chính thức. Nếu địa phương không sử dụng phải giao lại cho Bộ GD-ĐT.

Các phần mềm phục vụ cho kỳ thi (xếp số báo danh, chấm thi) đều đã được giao cho các sở GD-ĐT. Bộ cũng đã tổ chức tập huấn phần mềm phục vụ công tác xét tuyển ĐH, CĐ. Tất cả đều đã sẵn sàng cho kỳ thi.

Ông Ga cho rằng năm nay là năm đầu tiên tất cả địa phương đảm nhận nhiệm vụ quan trọng kỳ thi THPT quốc gia với hai mục đích xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH, CĐ. Xã hội cũng như các trường ĐH, CĐ đang rất quan tâm đến tính nghiêm túc của kỳ thi này để đảm bảo việc dùng kết quả kỳ thi này xét tuyển ĐH, CĐ. Vì vậy vai trò của các địa phương rất quan trọng.

Để đảm bảo tính nghiêm túc, an toàn của kỳ thi, các trường sử dụng kết quả xét tuyển ĐH, CĐ về mặt kỹ thuật Bộ GD-ĐT bố trí mỗi thí sinh một mã đề thi riêng. Trong phòng thi có một cán bộ coi thi là giáo viên THPT và một giảng viên ĐH. Với thi trắc nghiệm, khâu chấm thi thực hiện bằng máy, đảm bảo khách quan.

Ông Ga đặc biệt lưu ý các địa phương công tác in sao, vận chuyển bảo quản đề thi, bài thi. “Bộ đã hướng dẫn chi tiết in sao đề thi, sở cần chú ý để tránh sai sót. Khi giao đề thi nhắc nhở giám thị coi thi qui trình mở đề phải theo đúng quy chế. Nếu xảy ra sai sót sẽ ảnh hưởng kỳ thi cả nước. Các địa phương phải đặc biệt lưu ý không được chủ quan. Việc tập huấn cán bộ coi thi phải thật kỹ. Việc thi môn tổ hợp, thu bài, thu giấy nháp…” – ông Ga nhấn mạnh.

TRẦN HUỲNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp