Cổ phiếu dòng thép tiếp tục "dò đáy" trong phiên đầu tuần, trong khi cổ phiếu đầu cơ tiếp tục bị bán mạnh - Ảnh: BÔNG MAI
Phiên giao dịch đầu tuần 24-1 diễn ra trong cảnh thị trường chứng khoán đỏ lửa, càng gần về cuối phiên mức giảm càng sâu.
Áp lực giảm giá đè nặng lên hàng loạt cổ phiếu vốn hóa lớn như VHM (Vinhomes), VIC (Vingroup), GVR (Công nghiệp cao su Việt Nam), MSN (Masan), BCM (Đầu tư và phát triển công nghiệp), VPB (VPBank)...
Trong thời gian gần đây, DIG (Đầu tư phát triển xây dựng) gây chú ý khi lập đỉnh 119.800 điểm (11-1), nhưng sau đó trải qua nhiều phiên nằm sàn. Đến phiên hôm nay ở giá 82.900 đồng/cổ phiếu, tương đương giảm gần 31% chỉ trong vòng chưa đầy nửa tháng.
Tình hình không mấy khả quan cũng diễn ra trên nhiều cổ phiếu dòng thép khi bị nhà đầu tư tiếp tục bán ra, rơi xuống giá sát sàn hoặc chạm sàn, chưa biết đâu là đáy.
Trong đó cổ phiếu HPG (Tập đoàn Hòa Phát) giảm xuống giá 40.700 đồng/cổ phiếu, tương đương sụt gần 30% so với mốc đỉnh 58.000 đồng. Cổ phiếu HSG (Tập đoàn Hoa Sen) giảm sàn xuống 30.050 đồng/cổ phiếu, rớt 37% so với đỉnh 48.050 đồng. Cả cổ phiếu NKG (Thép Nam Kim), THL (Thép Tiến Lên), HSV (Gang thép Hà Nội), TIS (Gang thép Thái Nguyên) cũng chịu chung cảnh rớt giá mạnh.
Ngược dòng thị trường, nhiều cổ phiếu khác vẫn nhận được lực mua khá tốt như VCB (Vietcombank), TCB (Techcombank), SCS (Dịch vụ hàng hóa Sài Gòn), HVN (Vietnam Airlines), MBB, ACB, SHB, PNJ...
Top 5 cổ phiếu được nhà đầu tư ngoại mua ròng trong phiên là VND (VNDirect), CTG (Vietinbank), VHM (Vinhomes), SSI (Chứng khoán SSI), VCB. Top 5 bị bán ròng lần lượt rơi vào VIC (Vingroup), DGW (Thế giới số), HPG (Tập đoàn Hòa Phát), VCI (Chứng khoán Bản Việt), MSN (Masan).
Tính chung cả phiên khối ngoại bán ròng gần 190 tỉ đồng, đồng thời bán ròng lũy kế hơn 4.800 tỉ đồng từ đầu tháng 1-2022 đến nay.
Hôm nay chỉ số của tất cả các nhóm ngành đều bị giảm mạnh. Trong đó chỉ số cổ phiếu của nhóm nguyên vật liệu giảm mạnh nhất (-5,84%), xếp sau là nhóm công nghiệp (4,61%). Chỉ số của lĩnh vực bất động sản, công nghệ thông tin, chăm sóc sức khỏe, hàng tiêu dùng thiết yếu, năng lượng... giảm từ 2-4%.
Trải qua gần như toàn bộ thời gian giao dịch trong sắc đỏ, có lúc VN-Index giảm gần 40 điểm, nhưng sau đó đã nhận lực đẩy của dòng tiền mua vào.
Dù vậy cung vẫn chiếm áp đảo so với cầu, chỉ số VN-Index chốt phiên với việc giảm 33,18 điểm (-2,25%) xuống 1.439,71 điểm. Thanh khoản sàn HoSE đạt hơn 24.787 tỉ đồng. Rổ VN30 cũng bị giảm 30,85 điểm (-2,05%) xuống 1.471,31 điểm, có tới 24/30 thành viên bị rớt giá.
Ở sàn HNX và rổ HNX30 lần lượt giảm 17,08 điểm (-4,09%) xuống 400,79 điểm và 45,16 điểm (-6,02%) lùi về mốc 704,48 điểm. Phần sàn UPCoM cũng bị rớt 2,97 điểm (-2,71%) xuống 106,71 điểm. Như vậy chỉ số của rổ HNX30 bị giảm mạnh nhất.
Tổng giá trị giao dịch trên toàn thị trường đạt xấp xỉ 29.146 tỉ đồng (gần 2,9 tỉ USD).
Bám sát diễn biến phiên giao dịch, ông Huỳnh Minh Tuấn - giám đốc môi giới hội sở chứng khoán Mirae Asset - cho biết cộng hưởng đà giảm ở phiên sáng, sang phiên chiều các cổ phiếu đầu cơ quen thuộc bị bán mạnh bởi tâm lý kỳ vọng yếu. Thị trường cũng gặp áp lực về tâm lý khi nhiều cổ phiếu trụ ngành ngân hàng không tăng dứt khoát.
Phía môi giới chứng khoán SSI cho biết giai đoạn tuần cuối năm - cận kỳ nghỉ lễ Tết Nguyên đán, nhà đầu tư thường có tâm lý chốt lời và giữ tiền mặt.
Trong các nhóm ngành, cổ phiếu ngành ngân hàng và chứng khoán vẫn có điểm sáng. Riêng dòng thép liên tục đang dò đáy chưa có dấu hiệu nào tích cực.
Hiện tại nghiêng về kịch bản VN-Index tiếp tục điều chỉnh về vùng 1.380-1.390 điểm, quan sát vùng phản ứng giá này tích lũy các cổ phiếu cho mục tiêu dài hạn.
Thời điểm này nhà đầu tư được khuyến nghị hạ tỉ trọng đòn bẩy tài chính (vay ký quỹ - margin) để ưu tiên quản trị rủi ro tài khoản.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận