Để giải thích cho sự lãng phí đó, chắc chỉ có vài khả năng: hoặc người làm quy hoạch không biết cách làm, hoặc họ bận rộn cả ngày làm những thứ không cần làm, hoặc đúng hay sai, tiết kiệm hay hoang phí, cuối cùng hòa cả làng chẳng ai truy trách nhiệm của họ.
Nước ta đang háo hức gia nhập TPP, luật lệ ấy sẽ đòi hỏi Nhà nước, cả các doanh nghiệp quốc nội phải nỗ lực nhiều hơn để không thua thiệt ngay trên sân nhà - một thị trường 90 triệu dân.
Thị trường đã mở toang, Internet, Facebook và điện thoại thông minh cũng đã mở toang hiểu biết của dân chúng với tri thức của thế giới bên ngoài.
Nếu hàng vạn công chức vẫn loay hoay, làm những việc không hiệu quả như vụ tốn 8.000 tỉ đồng làm quy hoạch, thì chúng ta sẽ tụt hậu, chạy đua vô vọng theo thị trường và xã hội đang lao đi vun vút.
Không chỉ bị hụt hơi bởi thị trường và sức ép xã hội, chuyện làm không đúng việc hay làm những việc không hiệu quả đôi khi lại cản trở công bằng, gây hại cho người dân và doanh nghiệp trong nước.
Ba mươi năm mở cửa đón ngày càng nhiều hơn vốn đầu tư nước ngoài, chúng ta mời nước ngoài khai thác tài nguyên và nhân công giá rẻ, trong khi chưa làm được gì nhiều để khuếch trương kỹ nghệ quốc gia.
Quy hoạch để làm gì, nếu nền kinh tế vẫn bán tài nguyên để đổi lấy những con số tăng trưởng. Quy hoạch để làm gì, nếu nói mà không làm, sau mỗi quy hoạch “treo” là vô khối phiền toái cho nhân dân.
Sóng lớn và sóng dữ, không chỉ ở Biển Đông, đang hiển hiện. Nếu không dũng cảm dẹp những việc không cần làm và ráo riết buộc công chức nhà nước phải nỗ lực hết mức để ứng xử xứng tầm hơn với sự phát triển nhanh chóng của thị trường và nhận thức ngày càng cao của người dân, chúng ta tự trói tay, cột mình vào lạc hậu và đói nghèo.
Chuyện tốn ngàn tỉ làm quy hoạch, tuy lớn mà cũng chỉ là chuyện nhỏ so với vô vàn thách thức buộc Nhà nước phải gọn hơn, làm đúng việc hơn, hiệu quả hơn, xứng tầm với mong đợi của nhân dân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận