21/07/2015 09:04 GMT+7

Công tác quy hoạch: 8.000 tỉ đồng không mang lại hiệu quả

CẦM VĂN KÌNH
CẦM VĂN KÌNH

TT - Đó là ý kiến của ông Vũ Quang Các, vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch (Bộ Kế hoạch - đầu tư), khi trao đổi với Tuổi Trẻ về công tác quy hoạch...

Cả nước đều cần quy hoạch tốt để phát triển. Ảnh minh họa.

Ông VŨ QUANG CÁC cho biết:

- Theo dự thảo Luật quy hoạch, tới đây sẽ chỉ có 21 lĩnh vực được xây dựng quy hoạch và do Hội đồng quy hoạch quốc gia thực hiện chứ không phải các bộ, ngành tự ngồi làm.

Hội đồng này sẽ giúp Chính phủ xử lý các vấn đề xung đột lợi ích, xung đột mang tính liên ngành, xung đột giữa các địa phương, từ đó phá bỏ tình trạng phát triển tự phát, kém hiệu quả do bị chi phối bởi nhóm lợi ích, tình trạng cục bộ ngành và tính cát cứ địa phương.

Đặc biệt, luật mới sẽ xóa bỏ tất cả loại quy hoạch sản phẩm, ngành nghề cụ thể để chuyển sang quản lý bằng điều kiện kinh doanh một cách công khai minh bạch, đúng thông lệ quốc tế.

* Dư luận cho rằng chi phí làm quy hoạch riêng giai đoạn 2011-2020 đã lên tới gần 8.000 tỉ đồng (Tuổi Trẻ 11-7) là quá tốn kém, thưa ông?

- Nếu thật sự cần thiết, chúng ta không đặt vấn đề tốn kém. Vấn đề là 8.000 tỉ đồng không mang lại hiệu quả. Khi làm việc với chúng tôi, nhiều tỉnh cho biết có quy hoạch cấp huyện, từ khi ra đời đến khi hết kỳ quy hoạch mới được giở ra... một lần.

Có nghĩa không ai dùng cả vì không sát với thực tế. Nó chỉ nêu vấn đề chung chung, người ta không cần.

Kinh tế hiện nay biến đổi rất nhanh, đưa ra các chỉ tiêu có khi tháng trước, tháng sau đã phải thay đổi rồi nên không cần tốn chi phí nhiều cho làm quy hoạch, thay vào đó là xây dựng những chương trình phát triển, điều chỉnh thường xuyên sẽ phù hợp hơn.

* Một số bộ ngành cho rằng nếu không quy hoạch sẽ lấy công cụ gì để quản lý?

- Tôi cho rằng với những sản phẩm hay ngành cụ thể không nên làm quy hoạch mà có thể đưa ra đề án, chương trình phát triển. Có thể định hướng sự phát triển một số sản phẩm hay ngành nghề bằng cách quy định điều kiện kinh doanh.

Chẳng hạn muốn mở trường dạy nghề phải đáp ứng các điều kiện về quỹ đất, giáo viên, năng lực đào tạo... Doanh nghiệp căn cứ trên nhu cầu, đáp ứng các điều kiện thì được mở.

Tương tự với cây xăng ở đô thị, thay vì quy hoạch cứng có thể đưa ra điều kiện bao nhiêu kilômet đường có một cây xăng. Ai muốn kinh doanh phải đảm bảo các điều kiện, rồi có thể đấu giá địa điểm.

Có một thực tế là phải 5 - 10 năm mới điều chỉnh quy hoạch, trong khi thị trường thay đổi rất nhanh và liên tục. Hậu quả là muốn mở một trường nào đó phải điều chỉnh cả một bản quy hoạch, vừa mất chi phí, quan trọng hơn là thời gian...

* Nhưng nếu không có quy hoạch, chẳng hạn với một số sản phẩm nông nghiệp, người dân làm ồ ạt dẫn đến dư thừa, rớt giá?

- Thật ra, bản thân các quy hoạch khó đảm bảo được bớt thiệt hại cho dân bởi không thể tính được chắc chắn cung - cầu thị trường thế giới. Làm việc với chúng tôi, lãnh đạo một viện thiết kế về nông nghiệp cho biết rất “khổ tâm” khi làm quy hoạch.

Nếu được mùa, được giá thì không ai nói gì. Đến khi thừa sản phẩm, giá hàng hóa giảm liền bị phê phán. Do đó, theo tôi, các cơ quan chức năng nên tập trung sang dự báo và làm tốt công tác thông tin cho người dân. Còn lại nên để thị trường quyết định. Nên công khai các điều kiện để ai đạt được có thể tham gia.

Thay vì làm thật nhiều quy hoạch, có thể cung cấp thông tin tốt hơn để các ngành nghề, sản phẩm cần quản lý có thể phát triển bền vững...

Ngoài ra, cơ quan nhà nước có thể ban hành các điều kiện để gia nhập thị trường chứ không thể để tự phát. Ví dụ với dịch vụ bán cà phê, các nước họ yêu cầu chỗ để xe, thiết bị đảm bảo an toàn, trình độ nhân viên, cả lối thoát hiểm...

Nếu số lượng tăng mạnh quá, cơ quan chức năng có thể nâng yêu cầu về điều kiện lên tự nhiên sẽ hạn chế được số lượng.

Không đáp ứng nổi nhu cầu vốn làm quy hoạch

Theo Bộ Kế hoạch - đầu tư, trước nhu cầu làm quy hoạch của các bộ ngành địa phương quá lớn, nguồn vốn sự nghiệp kinh tế không đáp ứng nổi nên Bộ Tài chính đã phải trình Thủ tướng Chính phủ quyết định hỗ trợ kinh phí lập quy hoạch cho các địa phương.

Số vốn hỗ trợ năm 2010 là 478 tỉ đồng, năm 2011 là 272 tỉ đồng, năm 2012 là 253 tỉ đồng. Tuy nhiên, số vốn trên vẫn chưa đáp ứng nhu cầu.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch - đầu tư cho biết theo quy định của các văn bản quy phạm pháp luật, số lượng quy hoạch còn thiếu lên tới 6.425 cái phải làm vào năm 2015 và các năm tiếp theo.

CẦM VĂN KÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp