02/10/2023 08:20 GMT+7

80 tuổi, tự bỏ tiền túi tặng 30 cầu dân sinh

Từ lời gửi gắm của người bạn quá cố, một cán bộ về hưu tại TP Tam Kỳ (Quảng Nam) suốt bảy năm qua đã miệt mài đi xây những cây cầu dân sinh để người dân tiện đi lại. Tên ông hiện diện ở khắp nơi tới mức trở thành người thân thuộc của bà con xứ Quảng.

Một cây cầu được thi công trong hành trình xây cầu dân sinh tặng người dân Quảng Nam của ông Phùng - Ảnh: Đ.P.

Một cây cầu được thi công trong hành trình xây cầu dân sinh tặng người dân Quảng Nam của ông Phùng - Ảnh: Đ.P.

Một ngày cuối tháng 8, ông Nguyễn Đình Phùng (80 tuổi, phường An Xuân, TP Tam Kỳ, Quảng Nam) ngồi lần giở cuốn sổ nhật ký xây cầu của mình và đặt bút ghi cây cầu thứ 30.

Ông Phùng nói rằng đó là cây cầu vừa được xây tặng bà con một làng quê tại huyện Thăng Bình. "Cầu nhỏ thôi, chỉ dăm bảy chục triệu đồng nhưng là đem lại cho bà con niềm vui lớn, thấy họ vui tui càng phấn chấn".

80 tuổi, tự bỏ tiền túi tặng 30 cầu dân sinh - Ảnh 2.

Những cây cầu mang tên Phùng - Hiệp

Cuốn sổ ghi chép nhật ký làm cầu của ông Phùng đóng từ tập vở ô ly học sinh. Bảy năm qua, cuốn sổ ấy được ông giắt bên hông xe máy và ghi trọn mọi mốc thời gian, lịch trình, chi phí, đội thầu thi công 30 cây cầu trên khắp tỉnh Quảng Nam.

Ông Phùng bắt đầu đi làm cầu từ năm 2016, tới nay ông tròn 80 tuổi và nơi xa nhất mà cầu ông "bắc" tới là huyện Tiên Phước - cách nhà ông tầm 40km. Để lên được công trình, ông phải di chuyển bằng chiếc xe máy già nua, một tay của ông không còn lành lặn do thương tích từ chiến tranh.

Nhà của ông nằm lặng lẽ ở góc phố nhỏ. Trong phòng khách treo nhiều ảnh ông chụp các cây cầu, những bức ảnh bà con được tặng cầu vui quá thì ôm chầm lấy ông và cười móm mém. Ông bảo rằng cứ mỗi lần làm cầu xong lại thấy mình "khỏe ra, trẻ thêm một ít tuổi".

Ông Phùng từng là lính đặc công, một phần cánh tay của ông đã để lại chiến trường tới tay phần còn lại không thể cầm nắm như người bình thường. Sau chiến tranh ông chuyển ngành qua làm cán bộ tòa án tại thị xã Tam Kỳ (nay là TP Tam Kỳ) và sau đó về nghỉ hưu.

Chuyện đi xây cầu của cựu cán bộ tòa án này bắt đầu từ câu chuyện của một người bạn cũ tên là Hiệp.

Ông Phùng nói khi còn sống, ông Hiệp thường kể với ông về niềm vui rong ruổi khắp vùng sông nước ở miền Tây để tặng cầu cho bà con.

Thấy bạn vui nên đôi khi ông Phùng ở Quảng Nam cũng tìm cách đóng góp, gửi tiền cho bạn làm việc nghĩa. Mấy năm trước, người bạn của ông Phùng qua đời đột ngột và có nhắn lại ông rằng: "Phải ráng xây cho được ít nhất 50 cây cầu".

"Thú thực lúc đó tui cũng nghĩ là câu nói đùa, vì tiền lương hưu, các khoản mỗi tháng cả hai vợ chồng tui lãnh 15 triệu đồng. Con cái cho thì cũng có giới hạn, lấy đâu ra 50 cây cầu. Vậy mà làm lần lần tới nay cũng đã 30 cây cầu rồi, chính tôi cũng không tin mình làm được ngần ấy", ông Phùng nói.

Ông Phùng cười vang kể lại chuyện khi ông đi xây cầu, nhiều người thấy cầu xây liên tiếp mà ông thì chẳng hết tiền nên râm ran rằng "chắc cựu cán bộ tòa án nhiều tiền lắm nên xây cầu tặng lại cho bà con".

"Thời tui làm đất nước còn khó khăn, nói thật chứ một điếu thuốc của dân cũng không dám nhận, giờ thấy tiêu cực ở nhiều nơi trong lòng cũng buồn lắm nhưng chẳng biết làm sao.

Thôi mình phận thấp bé, cứ làm được gì thì ráng làm, vì như tôi thì 80 tuổi rồi, vui sướng giàu sang cũng chẳng còn ý nghĩa gì nữa, không mang đi được lúc nhắm mắt nên tui gắng để lại cái ơn cho mọi người còn nhớ tới mình", ông Phùng nói.

Người dân đi lại trên cây cầu do ông Phùng xây tặng - Ảnh: B.D.

Người dân đi lại trên cây cầu do ông Phùng xây tặng - Ảnh: B.D.

Tất cả trong một

Chúng tôi đi vào các làng quê nằm bình yên sau những rặng tre ngà, bao quanh là đồng lúa chín vàng mênh mông ở ven TP Tam Kỳ, huyện Thăng Bình, Phú Ninh...

Nhiều nơi đi qua có những cây cầu nhỏ xíu, nối qua một mương nước nhỏ, dài đôi khi chỉ dăm bảy bước chân nhưng có cái bảng tên rất dễ nhớ: cầu Phùng - Hiệp, đi liền phía sau là mốc thời gian khánh thành, đi vào phục vụ bà con.

Ông Phùng kể cây cầu đầu tiên mà ông làm là năm 2016, ở phường Trường Xuân, cách TP Tam Kỳ chừng 7km.

Sau khi người bạn thân qua đời và nhắn gửi mong ước, ông Phùng kế thừa lại di nguyện cùng một phần chi phí để tiếp tục xây cầu. Ông cũng đắn đo trước việc đặt tên mỗi cây cầu xây được theo tên địa danh hay người dân chọn, nhưng nhận thấy cái tên Phùng - Hiệp sẽ nhận diện tốt những công trình nhỏ mà ý nghĩa của ông cùng người bạn quá cố nên ông lấy tên này khởi đầu cho loạt 30 cây cầu dân sinh nối đôi bờ những vùng quê.

Giờ đây đi nhiều nơi mà dấu chân ông đã đi qua dễ thấy những cây cầu bê tông nhỏ được gắn tên cầu Phùng - Hiệp, ông nói rằng cái tên Hiệp cũng có thể hiểu đó là sự nghĩa hiệp, cho đi của ông với bà con quê mình.

Cựu cán bộ tòa án Tam Kỳ nói với chúng tôi rằng 30 cây cầu ở một nơi khác nhau nhưng một "bản thiết kế" đều giống nhau. Nền đổ bằng bê tông cốt thép, trụ đúc bê tông chịu lực và bề mặt làm bằng tấm đanh kiên cố.

Cây cầu nhiều tiền nhất mà ông làm tới nay là 90 triệu đồng, mức thấp nhất là 60 triệu đồng. Để có công trình, ông Phùng nói hằng ngày ông đều tranh thủ đi xe máy vào các ngôi làng vùng quê vừa ngắm quang cảnh bình yên, vừa hỏi thăm ở đâu bà con có nhu cầu làm cầu cống thì ông làm việc với địa phương rồi đặt vấn đề.

"Tôi đi đâu cũng được bà con, địa phương họ giúp đỡ nhiệt tình vì mình đem lại món quà ý nghĩa cho họ. Khi có kế hoạch xây dựng, bàn bạc quy mô, cách thức làm rồi thì mình "ướm bản thiết kế trong đầu" rồi tổ chức kêu thợ xuống thi công.

Bà con ở đó họ thấy làm thì cũng ra phụ giúp. Cầu quy mô cũng nhỏ, kết cấu không có gì phức tạp nên mình tự tính toán và hạch toán chi phí được. Cái nào làm xong cũng vừa đẹp, vừa tiết kiệm mà lại sử dụng rất hiệu quả", ông Phùng nói.

Khi nghe đến việc một cán bộ về hưu tự đi tìm nơi cần rồi đặt vấn đề tặng cầu cống, câu hỏi mà bất kỳ ai cũng tự bật ra là: Tiền ở đâu mà làm?

Ông Phùng nói gần như ai gặp ông cũng đều hỏi câu đó. Ông nói mình có ba người con, một người con trai làm doanh nghiệp ở TP.HCM khá thành đạt và từ khi biết cha có ý định làm cầu tặng bà con quê hương, người con này đã nhận lời đồng hành.

Mỗi khi có dự án, ông Phùng lên hạch toán chi tiết, tự mình thuê thợ, tự mình lên bản thiết kế rồi tổ chức giám sát. Đứng sau lưng là cậu con trai của ông. "Tôi thật hạnh phúc vì có con mình đồng hành cống hiến cho quê hương. Nếu không có con thì chắc chắn tôi không làm được, vì tiền mình lấy đâu ra vài ba tỉ bạc mà làm 30 cây cầu?", ông nói.

Nhưng không chỉ làm cầu, mỗi công trình làm xong lại đem đến những cơ duyên để ông Phùng giúp đỡ nhiều người ở nơi đó còn gặp khó khăn.

Bà con thấy ông tốt bụng nên có sinh viên đại học nào đi học mà không có tiền, hoặc có trẻ mồ côi, người neo đơn thì đều gửi gắm và được ông nhận đỡ đầu.

Mục tiêu là cây cầu số 50

Người cựu binh 80 tuổi lật cuốn album ảnh ghi lại hình ông đứng trước công trình, những khoảnh khắc bà con ôm ông nở nụ cười vui vẻ khi đi trên cầu mới.

Ông nói: "Mỗi người có một cách hưởng thụ tuổi già khác nhau, với tôi đi làm cầu chính là niềm vui. Giờ thấy thân thể mình ọp ẹp, đi không vững nữa rồi nhưng mục tiêu của tôi vẫn là cây cầu số 50".

Một con người "kỳ lạ"

Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường An Xuân (TP Tam Kỳ), nơi ông Phùng sinh sống, nói rằng ông Phùng là "một câu chuyện về một con người kỳ lạ".

"Ổng đi đến đâu thấy cầu cống không có, con em địa phương đi lại nguy hiểm thì đề xuất làm cầu. Tiền bạc một phần từ ông, thiếu thì gọi con gửi về. Nhưng không chỉ cầu, Tết nào ông cũng đứng ra bỏ tiền túi tặng quà Tết cho bà con. Tôi nghĩ làm được như ông Phùng thì không có nhiều".

"Ông" tiến sĩ của đồng ruộng'Ông' tiến sĩ của đồng ruộng

Gia đình làm nông, Đoàn Văn Công từng phải nhờ đến khoản vay hỗ trợ sinh viên nghèo để có thể đi hết quãng đường đại học.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp