Corey Ascaloni kể lại câu chuyện sống sót của mình - Ảnh: laprovence.com |
Khu du lịch leo núi làng Langtang trước… - Ảnh: pprune.org |
… và sau trận động đất - Ảnh: ladmedia.fr |
Các nhóm leo núi này đã mắc kẹt nhiều ngày liền ở Nepal và đã phải chứng kiến những trận lở đất dữ dội, các tảng đất đá “kích thước bằng một chiếc xe tải nhỏ” cứ ào ào phá tan nhà cửa ở một khu du lịch - leo núi nổi tiếng, theo lời nhân chứng Corey Ascaloni nói với Hãng tin AFP.
Ascolani, một người Mỹ nói họ đã phải sử dụng các kỹ năng học được trong chương trình truyền hình thực tế Mỹ “Survivor” (Người sống sót) để sinh tồn.
Ascolani và những người leo núi khác đã trải qua năm ngày kinh hoàng ở khu du lịch - leo núi hẻo lánh tại làng Langtang sau trận động đất ngày 25-4 khiến hàng trăm khách mắc kẹt tại Nepal.
“Không tài nào ngủ được, người tôi giờ vẫn còn cảm giác rung chuyển cùng với mặt đất… thần kinh căng thẳng cực độ, đêm đầu có lẽ tôi chỉ ngủ được một tiếng” - Ascolani nói ở Kathmandu sau khi được đưa về đó an toàn bằng máy bay.
Trận động đất 7,8 độ Richter diễn ra đúng mùa cao điểm leo núi và những trận lở đất đã quét sạch ngôi làng Langtang. Theo các tin tức chưa đầy đủ ở vùng hẻo lánh này, nhà chức trách đã tìm thấy 60 thi thể, bao gồm 13 người nước ngoài.
Họ ước tính có hơn 150 người Nepal và 100 du khách bị chôn vùi ở làng Langtang, nơi có tất cả khoảng 400 người vào lúc trận động đất xảy ra.
Ascolani đang dừng lại để uống cà phê tại một cửa tiệm ngoài trời ở làng Bamboo, điểm khởi đầu cho cuộc leo núi, thì mặt đất bắt đầu rung chuyển, đất đá rơi xuống dữ dội từ các sườn núi.
Ascolani, cùng 60 du khách khác và 20 người Nepal, bị tách biệt hoàn toàn ở một vùng gần Tây Tạng chỉ có thể tới được bằng máy bay trực thăng hoặc đi bộ. Họ cũng không dám di chuyển nhiều vì các trận lở đất.
Anh kể lại mọi người đã tìm chỗ trú ẩn dưới những vách đá lớn và dùng cây cối làm cột dựng lều bạt qua đêm ra sao. Để có nước uống, họ phải lấy nước đục ngầu từ dưới sông lên, đun sôi rồi lọc lại. Mọi người cũng phải tự đốt lửa, giống các kỹ năng mà Ascolani nói anh học được qua chương trình “Survivor.”
“Tôi leo núi rất nhiều và đã xem rất nhiều chương trình “Survivor” nên tôi biết phải đốt lửa, tìm thức ăn và chỗ trú ẩn ra sao”, anh nói.
Hơn 7.500 người chết Theo thống kê do Chính phủ Nepal công bố ngày 5-5, tổng số người thiệt mạng trong trận động đất mạnh 7,8 độ Richter tại quốc gia này đã tăng lên 7.566 và số người bị thương là hơn 14.500. Người phát ngôn Bộ Nội vụ ở Nepal, ông Prasad Dhakal, nhận định số người thiệt mạng còn tiếp tục tăng sau khi các lực lượng cứu hộ tiếp cận được những khu vực hẻo lánh, nơi toàn bộ các ngôi nhà bị phá hủy trong khi tiếp tục xảy ra dư chấn. |
Một người leo núi Israel trong nhóm có thiết bị nhắn tin qua vệ tinh, giúp họ vẫn có thể liên lạc với bên ngoài và người thân. Họ thậm chí còn tổ chức một tiệc sinh nhật đơn sơ cho một người bạn Pháp.
Một sinh viên y khoa người Hà Lan đã sơ cứu cho hai người Nepal bị thương và đã dùng các hòn đá, lá cây tạo ra một vòng tròn lớn viết chữ “H” để lôi cuốn sự chú ý từ các đội cứu hộ.
Vào ngày thứ ba sau trận động đất, một chiếc máy bay trực thăng đáp xuống, nhưng họ lại nói chỉ tới để cứu người quốc tịch Nhật Bản.
Vài giờ sau hai chiếc trực thăng nữa tới, lần này với lệnh chỉ cứu người Israel, dù họ cũng đồng ý mang hai người Nepal bị thương đi khi những người leo núi khác có ý kiến quyết liệt.
Sau khoảng 36 giờ không có chiếc trực thăng nào xuất hiện, rồi Ascolani nhìn thấy một chiếc trực thăng Mỹ tới, bay nhiều chuyến đi về để đưa tất cả trở lại Kathmandu.
Theo cơ quan du lịch Nepal, hơn 550 du khách leo núi đã đăng ký ở Langtang từ giữa tháng 4 trở đi. Hiện vẫn còn rất nhiều người nước ngoài và Nepal chưa rõ tung tích.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận