Mối liên hệ giữa béo phì và buồng trứng đa nang
Chị H. (30 tuổi, Hà Nội) đã lập gia đình 3 năm nhưng vẫn chưa có con. Chị cao 1m57 và nặng 70kg (chỉ số BMI ở mức độ béo phì). Sau khi thăm khám, chị H. được bác sĩ chẩn đoán bị buồng trứng đa nang.
Theo bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn - trưởng khoa phẫu thuật tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, béo phì có mối liên quan với bệnh buồng trứng đa nang ở phụ nữ.
Buồng trứng đa nang là một bệnh lý nội tiết tố ảnh hưởng đến sự phát triển của các bào tử trong buồng trứng, gây ra các triệu chứng như kinh nguyệt không đều, tăng sản xuất hormone nam, tăng sản xuất insulin và suy giảm sức khỏe sinh sản.
"Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng béo phì là một yếu tố nguy cơ tăng buồng trứng đa nang. Theo đó, nữ giới bị béo phì có nguy cơ cao hơn mắc buồng trứng đa nang so với những người không bị béo phì.
Bên cạnh đó, hội chứng buồng trứng đa nang cũng có thể gây ra béo phì do tăng sản xuất insulin và ảnh hưởng đến sự kiểm soát đường huyết.
Do đó, việc điều trị và kiểm soát buồng trứng đa nang và béo phì cùng nhau là rất quan trọng đối với sức khỏe sinh sản của phụ nữ", bác sĩ Tuấn lý giải.
Theo bác sĩ Tuấn, buồng trứng đa nang được xem là một hội chứng còn bao gồm các rối loạn về chuyển hóa và nội tiết toàn thân. Nếu không được quản lý tốt, bệnh có thể dẫn đến các biến chứng lâu dài nghiêm trọng như ung thư nội mạc tử cung, bệnh tim, tiểu đường và hội chứng chuyển hóa.
"Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng tỉ lệ buồng trứng đa nang ở phụ nữ béo phì là rất cao, lên tới 80-90% trong số những phụ nữ bị béo phì. Do đó, việc duy trì cân nặng ở mức bình thường và thực hiện các biện pháp để giảm béo phì có thể là một phương pháp hữu hiệu để giảm nguy cơ mắc buồng trứng đa nang", bác sĩ Tuấn thông tin.
Giảm thiểu nguy cơ biến chứng từ buồng trứng đa nang
Theo bác sĩ Tuấn, để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh và biến chứng buồng trứng đa nang cần áp dụng những phương pháp sau:
Thay đổi lối sống: Một trong những điều dễ dàng nhất để cải thiện buồng trứng đa nang là ăn uống đầy đủ và tập thể dục thường xuyên.
Chỉ cần giảm 5-10% trọng lượng cơ thể, bạn đã có thể giảm bớt một số triệu chứng của bệnh và giúp kinh nguyệt đều đặn hơn, điều này cũng giúp kiểm soát các vấn đề về lượng đường trong máu và quá trình rụng trứng.
Bạn có thể hạn chế một số thực phẩm giàu tinh bột hoặc đường, thay vào đó là thực phẩm giàu chất xơ, thực phẩm tự nhiên chưa qua chế biến.
Ngoài ra, việc duy trì hoạt động thể chất cũng giúp bạn giảm cân và kiểm soát được thể trạng của bản thân, tập thể dục cũng mang lại năng lượng tích cực giúp bạn giảm cân hiệu quả.
Giảm stress và ngủ đủ giấc: Thường xuyên bị áp lực sẽ làm tình trạng béo phì nặng hơn. Khi bị stress cơ thể sẽ dễ tích tụ chất béo hơn là khi giữ trạng thái cân bằng. Nên giữ tinh thần thoải mái, tránh lo âu kéo dài.
Giấc ngủ rất quan trọng, đặc biệt là đối với người bị thừa cân, béo phì. Nếu ngủ không đủ hoặc không đúng giấc sẽ ảnh hưởng đến việc gia tăng đường huyết.
Theo dõi tình trạng bệnh: Bên cạnh việc thay đổi lối sống, nhiều phụ nữ cần kết hợp sử dụng thuốc để điều trị buồng trứng đa nang, trao đổi với bác sĩ để được lập một kế hoạch điều trị phù hợp.
"Ngoài ra, với bệnh nhân béo phì cần giảm cân trước khi có kế hoạch sinh sản để đảm bảo an toàn sức khỏe. Trong trường hợp có chỉ số BMI quá cao, cần có những biện pháp giảm cân hiệu quả để đảm bảo an toàn cho sản phụ trong quá trình mang thai, sinh con", bác sĩ Tuấn khuyến cáo.
Bạn đọc có những thắc mắc về sức khỏe người lớn và trẻ em, dinh dưỡng, tiêm ngừa, chấn thương... mời gửi email đến hộp thư [email protected] (để chính xác nội dung, bạn đọc vui lòng gõ tiếng Việt có dấu). Chuyên mục Hỏi đáp cùng thầy thuốc sẽ chọn lọc và giúp bạn giải đáp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận