Từ thịt xá xíu, rau đến thịt gà đều tìm thấy vi khuẩn Salmonella spp
Điểm chung các vụ ngộ độc là có số lượng bệnh nhân lớn, đa phần là những cơ sở buôn bán được cấp giấy phép kinh doanh, thế nhưng khi vụ việc xảy ra nhiều cơ sở không chứng minh được nguồn nguyên liệu đầu vào.
Tháng 9-2023 đã có 313 người bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh mì tại hộ kinh doanh bánh mì Phượng 2, địa chỉ 02B Phan Châu Trinh, phường Minh An, TP Hội An (Quảng Nam). Cơ sở có giấy chứng nhận về an toàn thực phẩm.
Kết quả kiểm nghiệm cho thấy các mẫu thịt heo xá xíu, rau xà lách, rau răm, hành, dưa leo chế biến đều dương tính vi khuẩn Salmonella spp.
Hộ kinh doanh trên đã thực hiện không đúng quy định về lưu mẫu thức ăn, không có dụng cụ thu gom, chứa đựng rác thải, chất thải bảo đảm vệ sinh.
Bên cạnh đó cơ sở còn vi phạm các quy định khác về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật trong kinh doanh dịch vụ ăn uống.
Đến tháng 3-2024 đã có 368 người và du khách bị ngộ độc sau khi ăn cơm gà Trâm Anh tại địa chỉ số 10 Bà Triệu, TP Nha Trang (Khánh Hòa).
Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Khánh Hòa nhận định về vụ ngộ độc thức ăn từ quán cơm gà Trâm Anh "không đủ cơ sở khoa học để xác định cụ thể thức ăn nào là nguyên nhân", mà chỉ có thể nhận định chung nguyên nhân gây ra ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn (Salmonella spp, Bacillus cereus, Staphylococcus aureus) trong các món: cơm, gà xé, gà nướng, mắm, xốt trứng, rau dưa chua, hành phi, xúp canh…
Cơ quan chức năng kiểm tra cho thấy quán cơm gà Trâm Anh có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, nhưng không xuất trình được hợp đồng mua bán và các giấy tờ liên quan đến nguyên liệu thực phẩm.
Cần kiểm soát quyết liệt hơn
Mới đây nhất, đã có gần 500 ca ngộ độc ở tiệm bánh mì Cô Băng (do bà Nguyễn Thị Khánh Băng làm chủ) tại TP Long Khánh (Đồng Nai), tiệm trung bình mỗi ngày bán hơn 1.000 ổ bánh mì.
Sở Y tế Đồng Nai cho biết tiệm bánh mì Cô Băng không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, không có giấy xác nhận tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm, giấy khám sức khỏe.
Nguyên liệu, thực phẩm do tiệm tự chế biến từ nguồn nguyên liệu mua ở các cửa hàng nhỏ lẻ, không có hợp đồng mua nguyên liệu đầu vào.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, PGS Nguyễn Duy Thịnh - nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội - nhận định các vụ ngộ độc lớn xảy ra gần đây là hồi chuông báo động về an toàn thực phẩm.
Đối với các cơ sở kinh doanh ngoài việc đã được cấp phép, có chứng nhận an toàn thực phẩm cần phải có trách nhiệm bảo quản, chế biến, đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào tốt thể hiện được trách nhiệm với sức khỏe người dùng.
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần phải giáo dục tuyên truyền nâng cao ý thức của cả người bán lẫn người mua.
Đồng thời tăng cường kiểm soát quyết liệt các cơ sở cung cấp thực phẩm, nguyên liệu, hạn chế thấp nhất những nơi bán nhỏ, lẻ ở vỉa hè và cần quy định khu vực buôn bán riêng đã được thẩm định an toàn thực phẩm.
Với người mua, để thể hiện được trách nhiệm với sức khỏe của mình nên chọn cơ sở có thương hiệu, cửa hàng uy tín, được đăng ký, có kiểm soát...
Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm vi phạm an toàn thực phẩm
Phó thủ tướng Trần Lưu Quang đã ký công điện số 44 ngày 3-5 của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương triển khai các biện pháp ngăn ngừa, xử lý ngộ độc thực phẩm.
Theo đó, riêng năm 2023 toàn quốc đã ghi nhận 125 vụ làm trên 2.100 người mắc và làm 28 người tử vong, có xu hướng gia tăng so với năm 2022.
Thủ tướng yêu cầu các địa phương được giao chịu trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn; có biện pháp phù hợp nâng cao năng lực, hiệu quả, hiệu lực quản lý điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, thức ăn đường phố.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm trên địa bàn quản lý.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận