10/06/2021 15:04 GMT+7

8 ngày đưa Mỹ trở lại châu Âu của ông Biden

BẢO ANH
BẢO ANH

TTO - Trước chuyến công du dài 8 ngày, chính Tổng thống Biden tiết lộ mục tiêu của ông là "củng cố liên minh, cho Nga và Trung Quốc thấy rõ (quan hệ giữa) Mỹ và châu Âu bền chặt". Tuy nhiên, thách thức đang chờ ông phía trước.

8 ngày đưa Mỹ trở lại châu Âu của ông Biden - Ảnh 1.

Vợ chồng Tổng thống Mỹ Joe Biden vẫy tay chào trên chiếc Không Lực Một (Air Force One) ngày 9-6 - Ảnh: REUTERS

Ngày 9-6, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã lên đường tới Anh, bắt đầu chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông kể từ lúc nhậm chức.

Tại mỗi điểm đến dọc đường đi, chúng tôi sẽ nói rõ rằng nước Mỹ đã quay trở lại và các nền dân chủ trên thế giới đang sát cánh với nhau để giải quyết những thách thức khó khăn nhất cùng những vấn đề quan trọng nhất với tương lai chúng ta.

Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu trước các quân nhân thuộc Không quân Mỹ tại căn cứ RAF Mildenhall ngay sau khi đáp xuống đây ngày 9-6

Dưới thời cựu tổng thống Mỹ Donald Trump, động thái rút khỏi các hiệp ước và những đòn thuế quan của Mỹ đã khiến quan hệ giữa Washington với các đồng minh của họ trở nên căng thẳng.

Do vậy, chuyến công du để tái xây dựng các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương giữa Mỹ và châu Âu của ông Biden được cho là gặp nhiều thách thức. 

Trước khi bắt đầu chuyến công du, chính ông Biden cũng tiết lộ một trong những mục tiêu của chuyến đi này là: "Củng cố liên minh, cho Nga và Trung Quốc thấy rõ (quan hệ giữa) Mỹ và châu Âu bền chặt".

Ông Biden sẽ tham gia một loạt hoạt động, từ Hội nghị thượng đỉnh G7, gặp các nhà lãnh đạo trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cho tới Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Khi được hỏi Tổng thống Biden đã chuẩn bị gì cho chuyến đi, Nhà Trắng đã chỉ ra sự nghiệp chính trị lâu dài của ông: "Ông ấy đã sẵn sàng 50 năm. Ông đã có mặt trên vũ đài thế giới".

8 ngày đưa Mỹ trở lại châu Âu của ông Biden - Ảnh 3.

Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu trước các quân nhân Mỹ và người thân của họ tại căn cứ RAF Mildenhall gần Mildenhall, Anh ngày 9-6 - Ảnh: REUTERS

Thách thức mà ông Biden đối mặt là việc các nhà lãnh đạo châu Âu đang cảnh giác với Mỹ theo cách mà họ chưa từng có kể từ năm 1945, cũng như việc họ thắc mắc về hướng đi của nước Mỹ, sau những gì đã chứng kiến dưới thời ông Trump, theo báo New York Times.

Các nhà lãnh đạo châu Âu biết rằng nước Mỹ có thể sẽ có một tổng thống khác vào năm 2024. Các quan chức Nhà Trắng nói rằng ngoại giao ổn định của Mỹ đã quay lại mãi mãi, nhưng dĩ nhiên họ không thể đảm bảo chắc chắn điều đó sau tháng 1-2025.

Ngoài ra, theo trang Axios, sự lạc quan của ông Biden về châu Âu vốn "xung đột" với thực tế, khi những tuyên bố của ông liên quan tới mục tiêu chung của các đồng minh lại không được những đồng minh này ủng hộ, cả trong lời nói và hành động.

Chẳng hạn hai cường quốc châu Âu là Đức và Pháp dường như không sẵn sàng tham gia khi nói tới việc tạo ra một mặt trận thống nhất chống lại Nga và Trung Quốc. Hồi tháng 2, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron từng công khai cảnh báo chống lại ý tưởng để Liên minh châu Âu (EU) gia nhập Mỹ đối đầu Trung Quốc.

Ông Biden sẽ phải xử lý những bất đồng khó tìm tiếng nói chung như về thương mại, vấn đề hạn chế đầu tư và mua hàng hóa từ Trung Quốc, lập trường của ông về dự án đường ống dẫn khí đốt tự nhiên từ Nga sang châu Âu...

Còn về cuộc gặp giữa ông Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin, cả hai phía đều thừa nhận khó đạt được bước đột phá. Sẽ cần thêm nhiều thời gian để cải thiện quan hệ giữa Nga và Mỹ, sau khi quan hệ hai nước xấu đi đáng kể từ vụ sáp nhập Crimea vào lãnh thổ Nga năm 2014.

Ngay khi bắt đầu chuyến công du dài 8 ngày, Tổng thống Biden cho biết: "Chúng tôi không tìm kiếm xung đột với Nga". Dẫu vậy, nhà lãnh đạo Mỹ nhấn mạnh: "Chúng tôi muốn một mối quan hệ ổn định và có thể đoán trước. Nhưng chúng tôi muốn nói rõ rằng nước Mỹ sẽ phản ứng theo cách mạnh mẽ và có ý nghĩa, nếu Chính phủ Nga có các hoạt động gây hại".

Lịch trình 8 ngày của Tổng thống Biden:

- Ngày 9-6: Ông Biden và Đệ nhất phu nhân Mỹ Jill Biden khởi hành từ Washington D.C. Điểm dừng chân đầu tiên của ông ở Anh là căn cứ RAF Mildenhall của Không quân Hoàng gia Anh tại Suffolk. Ông gặp mặt các quân nhân thuộc Không quân Mỹ đóng tại đây.

- Ngày 10-6: Tổng thống Biden gặp Thủ tướng Anh Boris Johnson ở Cornwall, Anh. Đây là cuộc gặp mà Nhà Trắng hy vọng sẽ tạo cơ hội để tái xác nhận mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước.

- Ngày 11 tới 13-6: Ông Biden cùng lãnh đạo các nước dự Hội nghị thượng đỉnh G7 (nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới) trong 3 ngày. Họ sẽ thảo luận nhiều vấn đề như đại dịch COVID-19, mức thuế toàn cầu... Ông cũng có những cuộc gặp song phương với các lãnh đạo G7.

- Ngày 13-6: Ông Biden và Đệ nhất phu nhân Mỹ Jill Biden gặp Nữ hoàng Anh Elizabeth II tại lâu đài Windsor. Sau đó, ông Biden lên đường tới Brussels (Bỉ).

- Ngày 14-6: Ông Biden đến dự cuộc gặp đầu tiên của ông với các lãnh đạo NATO, với kỳ vọng tái xây dựng những mối quan hệ đã căng thẳng dưới thời cựu tổng thống Mỹ Donald Trump. Ông cũng có cuộc gặp riêng với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan.

- Ngày 15-6: Ông Biden tiếp tục dự các cuộc gặp của NATO và sau đó bay tới Geneva (Thụy Sĩ).

- Ngày 16-6: Ông Biden gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Geneva, Thụy Sĩ trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Nga đang ngày càng căng thẳng.

Biệt thự cổ ven hồ ở Geneva là Biệt thự cổ ven hồ ở Geneva là 'điểm hẹn' của Thượng đỉnh Biden - Putin

TTO - Hãng tin Reuters dẫn các nguồn tin cho biết hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa hai Tổng thống Biden - Putin sẽ được tổ chức tại biệt thự Villa La Grange bên hồ Geneva, "một khung cảnh êm dịu cho cuộc trao đổi sôi nổi".

BẢO ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp