17/03/2018 07:09 GMT+7

8 năm nay, tôi vẫn đi tìm người phụ nữ tên Dung

LÊ THẠCH
LÊ THẠCH

TTO - Hơn 8 năm nay, tôi vẫn cố gắng đi tìm một người phụ nữ tên Dung (quê Quảng Ngãi), người đã cưu mang tôi và dìu từng bước khi tôi mới đặt chân lên đất Sài Gòn học tập mưu sinh. Con mong gặp lại cô trong ngày tân hôn của con.

8 năm nay, tôi vẫn đi tìm người phụ nữ tên Dung - Ảnh 1.

Khi nhận được giấy báo trúng tuyển vào Đại học Luật TP.HCM vào năm 2008 một mình tôi đã đặt chân lên đất Sài Gòn để quyết tâm đi tìm tương lai qua con chữ.

Gia đình vô cùng khó khăn nên từ quê hương Dầu Tiếng (Bình Dương) tôi chỉ mang trong người 500.000 đồng với mong ước sẽ kiếm được việc làm để đi học.

Sáng ngày 31-5-2008 tôi bước xuống xe khách tại bến xe Miền Đông rồi lên chuyến xe Zu số 40 để về đường Lê Đức Thọ - Gò Vấp.

"Cô Dung ơi, nếu cô đọc được bài này thì hãy liên hệ với số điện thoại báo Tuổi Trẻ để lấy số điện thoại con qua thông tin tác giả nha cô. Con nhớ cô nhiều lắm và mong được gặp cô trong ngày tân hôn của con. Con của cô: Lê Thạch".

Lê Thạch

Trong tâm trí tôi lúc đó vô cùng trống rỗng, chỉ biết lên xe đi đến địa chỉ số 602 đường Lê Đức Thọ qua giới thiệu của một người quen trên Yahoo chat bảo rằng ở đó có tuyển nhân viên phụ quán cafe.

Đến nơi lúc trời vẫn chưa sáng hẳn, tôi ngồi bệt bên hiên trước cửa quán đợi quán mở cửa xin việc. Đúng 6 giờ sáng thì cánh cửa cuốn dần được mở ra, một người phụ nữ trạc 40 tuổi bước ra và chẳng để ý tới tôi.

Tôi vội đến hỏi xem có phải ở đây tuyển nhân viên không thì cô bảo đúng, nhưng hãy quay lại lúc 9 giờ vì quán phải dọn dẹp để bán.

Tôi lại lang thang trên con đường Lê Đức Thọ đợi tới đúng giờ quay lại. Người phụ nữ ấy mời tôi ly trà đá rồi bắt đầu hỏi chuyện với giọng Quảng Ngãi đặc sệt. Cô giới thiệu tên Dung và là quản lý của quán.

Qua lời tâm sự của tôi thì cô đồng ý nhận việc với mức lương 600.000 đồng/ ca 8 tiếng và đi làm từ ngày mai. 

Vì chưa chính thức nhập học nên tôi xin cô làm luôn 2 ca để đủ tiền đóng tiền học và trang trải cuộc sống. Xin ở ghép chung trong một ký túc xá gần đó, vậy là tôi bắt đầu công việc tại quán cafe 602 để kiếm tiền đi học.

Mỗi ngày, từ 6 giờ sáng đến 23 giờ tôi ở quán làm việc với cô Dung. Cô tâm sự vì phải nuôi hai con trai học đại học nên phải khăn gói từ Quảng Ngãi vào đây làm để gần con.

Xa chồng nhưng tình cảm của cô dành cho chú rất nhiều qua những lá thư cô viết vội cho chú mà tôi được đọc, nếu may mắn lắm thì cô được nghe tiếng chồng khi chú ra bưu điện gọi cho cô.

Cô thương tôi có lẽ vì cô thấy tôi giống hai con trai đang học xa quê nhưng may mắn hơn là được gần cô. Những ngày đầu đi làm chưa có lương, cô cháu chúng tôi qua bữa bằng gói mì tôm hay bún trộn nước tương.

Mỗi lần tôi vô ý làm vỡ ly cô đều bỏ tiền ra đền cho quán hoặc lấy cớ khách vô tình làm vỡ để tôi khỏi bị trừ tiền.

Tháng lương đầu tiên cô cháu tôi chơi sang bằng cái lẩu 75.000 đồng và 2 lon coca. Hôm ấy tôi xin được mời cô như món quà lãnh lương nhưng cô không đồng ý, vậy là cho đến tận bây giờ tôi vẫn chưa mời cô được bữa nào.

Khi tôi vào học, biết quãng đường từ Gò Vấp qua quận 4 xa và kẹt xe do đi xe buýt nên cô cho tôi làm ca muộn hơn vào buổi tối để có tiền. Dù rằng những đồng lương không đủ để lo hết cho cuộc sống đắt đỏ ở Sài Gòn nhưng nó đã giúp tôi vượt qua quãng thời gian đầu đời sinh viên kéo dài 2 năm.

Ngày tôi và cô nhận được thông tin chủ quán đi định cư Mỹ và bán lại thì cả tôi và cô đều nặng trĩu một nỗi buồn mà không ai nói với ai. Ngày chia tay cô và quán chỉ vài trứng vịt lộn vỉa hè nhưng cái kỷ niệm ấy làm sao tôi quên được.

Không biết từ bao giờ tôi đã xem cô như người mẹ dìu dắt dạy bảo tôi khi mới chập chững vào đời. Nhiều khi cô giận lúc tôi sai và mắng như một người mẹ dạy con khiến lòng tôi sung sướng chứ không hề buồn lòng.

Khi quán 602 đóng cửa năm 2010 cũng là lúc cô về quê với chú vì con cô cũng đã ra trường, và cũng kể từ đó tôi mất liên lạc với cô. Tôi chỉ còn nhớ địa chỉ cô qua những bức thư gửi chú là ở Mộ Đức - Quảng Ngãi.

Đã gần 10 năm nay tôi vẫn cố gắng tìm cô nhưng vô vọng. Tôi gọi điện về ủy ban huyện Mộ Đức nhờ giúp đỡ nhưng cái tên Dung quá nhiều nên không thể tìm được.

Trong cuộc đời mỗi người hay với tôi chắc chắn sẽ có rất nhiều kỷ niệm nhưng kỷ niệm về cô Dung và đi tìm cô chưa bao giờ vơi trong suy nghĩ.

Làm sao tôi quên được cái buổi sáng đầu tiên gặp cô, làm sao tôi quên được những bữa mì gói, bún nước tương, làm sao tôi quên được những ngày khách đông mệt rã rời khi dọn dẹp xong lúc đã bước qua ngày mới, làm sao tôi quên được... quá nhiều ký ức và tình cảm với cô.

Cô Dung như người mẹ đỡ đầu những ngày tôi mới đặt chân lên Sài Gòn xa hoa này.

Còn hơn một tháng nữa tôi kết hôn, hơn bao giờ hết tôi thèm được sự hiện diện của cô Dung trong ngày trọng đại cuộc đời.

Tôi muốn cô chúc phúc cho tôi và thấy "đứa con bất đắt dĩ" ngày nào đã trưởng thành. Tôi muốn vợ tôi gặp cô và cùng kể cho cô ấy quãng thời gian cô giúp đỡ tôi lúc xưa.

Cũng qua báo Tuổi Trẻ, tôi hy vọng cô hoặc ai đó biết cô đọc được rồi báo cho cô biết để tôi và cô gặp lại nhau, tôi hứa sẽ không để mất liên lạc với cô nữa.

Thông tin sơ của cô là: Cô tên Dung, quê Mộ Đức và có 2 con trai. Cô Dung từng bán sương sáo tại Gò Vấp đến năm 2010 quay về quê.

Mời bạn tham gia viết bài 'Những ký ức đẹp'

Điều gì đã đọng lại trong bạn để trở thành ký ức không thể quên? Gợi nhớ ký ức không phải là khơi lại đống tro tàn. Ký ức đôi khi là hành trang, là chiêm nghiệm... để ta bước tiếp với đôi chân vững chãi. Có những ký ức rất đẹp, cũng có những ký ức khi hồi tưởng lại, ít nhiều trong chúng ta vẫn còn cảm thấy "nợ" người trong cuộc.

Nhằm ghi lại những câu chuyện của chính bạn hoặc của người khác nhưng gây nhiều xúc động trong bạn, Tuổi Trẻ Online kính mời bạn viết bài với chủ đề 'Những ký ức đẹp' cho chuyên mục Bạn đọc làm báo.

Bài viết không giới hạn về thể loại bao gồm: văn xuôi, văn vần, thơ, vè... dài tối đa 1200 từ (có thể kèm clip, hình ảnh). Những bài viết khi đăng sẽ được trả nhuận bút.

Mọi thư từ, bài viết xin vui lòng gởi về: [email protected] hoặc [email protected]. Thông tin bạn đọc, tài khoản... xin ghi rõ dưới bài viết. Chân thành cảm ơn!

TUỔI TRẺ ONLINE

Mời bạn đọc viết bài chuyên mục

TTO - Câu chuyện nào đã đọng lại trong bạn để trở thành quá khứ không thể quên? Nhằm ghi lại những câu chuyện của chính bạn hoặc của người khác nhưng gây nhiều xúc động trong bạn, Tuổi Trẻ Online kính mời bạn viết bài với chủ đề 'Những ký ức đẹp'.

LÊ THẠCH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp