Vận động người dân phân loại rác tại nguồn và tham gia đổi rác lấy nhu yếu phẩm - Ảnh: L.P.
Mô hình này đã vào nề nếp, thói quen của người dân được nâng lên và dự kiến sẽ được tiếp tục nhân rộng trong thời gian tới.
Tuyên truyền ròng rã nhiều năm
Theo thông lệ cứ tầm 18h30 mỗi ngày, tốp 5 công nhân môi trường đến các căn hộ thuộc khu chung cư Tây Thạnh để thu gom các loại rác có thể tái chế.
Có hộ dân nghe tiếng rao thì mang rác ra ngoài để giao, có hộ vắng nhà thì để sẵn rác trước cửa để công nhân tiện thu gom. Rác thải bao gồm chai nhựa, lon nước, thùng giấy... được gom lại và kiểm đếm, ghi chép lại trong sổ theo dõi.
"Số rác trên được chúng tôi phân loại lần nữa rồi cử đại diện mang đi bán, số tiền thu được sẽ nộp về quỹ công ty. Mỗi quý, khi số tiền đủ lớn, chúng tôi sẽ đến nhà các hộ dân để hỏi xem họ muốn đổi lấy nước mắm, dầu ăn, bột ngọt hay phiếu mua hàng thì được đáp ứng" - anh Nguyễn Thành Lợi, tổ phó đội thu gom rác thuộc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP, cho biết.
Khu chung cư Tây Thạnh gồm 9 lô được các công nhân xoay tua thu gom các ngày trong tuần. Mỗi ngày sẽ thực hiện thu gom rác tái chế cho 1 - 2 lô tùy theo số lượng, hoạt động này được các công nhân thực hiện sau khi hoàn thành công việc chính là thu dọn rác sinh hoạt và dọn dẹp đường phố.
Quy trình nghe có vẻ đơn giản, nhưng để hình thành nên thói quen phân loại rác đổi quà là cả quá trình kéo dài và duy trì từ năm 2013 đến nay.
Chị Nguyễn Nguyên Trinh, công nhân thuộc nhóm thu gom, cho biết thời gian đầu nhóm công nhân mất ròng rã 6 tháng để tuyên truyền, vận động người dân thay đổi thói quen.
Nhiều người lúc đầu tỏ ra cáu gắt khi bị gõ cửa làm phiền và phải mất thời gian khi phân loại nên làm một vài hôm lại bỏ chung tất cả rác thành một bọc. "Nhờ tuyên truyền mưa dầm thấm lâu mà đến nay người dân đã tạo được thói quen phân loại rác", chị Trinh chia sẻ.
Mở rộng mạng lưới thu gom rác tái chế
Với mục tiêu tăng cường thu gom rác tái chế, giảm lượng rác thải ra môi trường, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM đã hợp tác với Liên minh tái chế bao bì Việt Nam mở rộng việc thu rác tái chế từ chương trình phân loại rác sinh hoạt tại nguồn ở trạm trung chuyển Quang Trung (quận Gò Vấp), Tống Văn Trân (quận 11).
Rác thải tái chế sẽ được thu lại từ các chủ nguồn thải như công ty dịch vụ công ích quận huyện, rác dân lập, lực lượng ve chai, cơ sở phế liệu, khu dân cư (hộ gia đình, cơ sở kinh doanh nhỏ), cơ quan, bệnh viện, trường học, trung tâm thương mại, chợ, khu chế xuất, khu công nghiệp, công trình xây dựng, cơ sở sản xuất, rác công cộng...
Ngoài ra, ông Cao Văn Tuấn, trưởng phòng công nghệ môi trường và kiểm tra chất lượng Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM, cho biết đơn vị này đã xây dựng đề án "Mạng lưới thu gom và xử lý chất thải tái chế" với 5 loại rác tái chế gồm: nhựa, giấy, kim loại, thủy tinh và nilông.
Mục tiêu đề án nhằm tạo giá trị kinh tế cho cá nhân, đơn vị thu gom rác, phân loại rác tại nguồn, giảm tỉ lệ chôn lấp. Khi nguồn rác tái chế đủ lớn, các bên liên quan có giải pháp biến rác thải thành nguyên liệu tái sử dụng.
"Trong 3 năm thí điểm, nếu đề án phát huy hiệu quả thì chúng tôi đề xuất thành lập trung tâm xử lý rác tái chế quy mô lớn ở công trường Gò Cát đáp ứng khối lượng rác thải tái chế thu gom được", ông Tuấn nói.
Có thể đổi rác lấy tiền
Mô hình đổi rác lấy quà cũng được linh động thành "đổi rác lấy tiền" theo nguyên tắc ngang giá. Chủ trương này đã được UBND TP chấp thuận, người dân hào hứng hơn với công tác bảo vệ môi trường. Từ tháng 12 năm nay, mô hình này sẽ được dần đưa vào hoạt động sau đó mở rộng ra toàn TP.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận