Chuyến trở về quê hương của người tiểu đoàn trưởng là kết quả của tám năm đằng đẵng tìm chồng của vợ anh. “Giấy báo tử gửi về sau ngày anh hi sinh tận ba năm, tôi phải đi đòi thì người ta mới đưa. Nhiều người khuyên tôi đừng tin vì làm gì có kiểu hi sinh thời bình mà như thời chiến, mấy năm sau mới báo tin. Nhưng linh cảm cho tôi biết anh đã không trở về nữa” - chị Lưu Thị Lan, vợ liệt sĩ Thanh, nói.
Từ chuyến đi đó, chị Lưu Thị Lan làm được một việc lớn là kết nối những đồng đội cũ của chồng và cùng họ trở về Vị Xuyên. Giờ chị Lan trở thành một thành viên của sư đoàn 356. Ngày giỗ trận của sư đoàn 12-7 năm nay, chị lại về chiến trường xưa của chồng.
Theo chị Lan, anh hi sinh ngày 12-7-1984, con trai Nguyễn Hữu Long mới được 7 tháng tuổi. Anh chỉ kịp gặp con một lần khi cháu mới sinh. Có một lần anh gửi về 2kg đường, một gói mì chính, anh còn hẹn tháng 2-1984 anh sẽ về để chuyển nhà về Đồng Hới nhưng rồi không thấy anh về. “Đến tháng 8-1984, một người cùng quê viết thư về nhà báo anh hi sinh, tôi ngất xỉu, không còn biết gì nữa” - chị Lan nói.
Chị Lan cho biết từ năm 2004 chị đã bắt đầu đi tìm hài cốt của anh. Tháng 5-2006, chị lên Hà Giang tìm anh, lên tỉnh đội tìm không có, về nghĩa trang tìm đều không có tên. Năm 2008 và năm 2010, chị lại lên Hà Giang tìm nhưng vẫn chẳng có thông tin gì cả. Mọi thứ như thể mò kim đáy bể.
“Đến tháng 2-2012, tình cờ có người chỉ tôi cách gửi giấy báo tử lên đài truyền hình và lên mạng để tìm đồng đội của anh Thanh. Không ngờ con anh Đặng Việt Châu (chủ nhiệm chính trị sư đoàn 356) tình cờ đọc được và báo với anh Châu là giấy báo tử một người cùng họ cùng tên như bài viết về sư đoàn của anh trên mạng. Rồi từ anh Châu, tôi gặp được chú Khiêm, chú Tiến, chú Kim, Nhân, Chung, Tuấn. Đồng đội của anh vẫn nhớ rõ nơi anh hi sinh và cùng tôi trở về Vị Xuyên tìm anh. Nhưng phải qua nhiều thủ tục, không phải ai cũng dễ dàng thông cảm với những tha thiết của tôi. Có nơi còn bảo đợi họ ra phá bom mìn rồi hẵng tìm. Nhưng tôi chờ được đến bao giờ” - chị Lan kể.
Rồi chị vẫn đi tìm, bộ đội địa phương và người dân giúp chị tìm đến cao điểm 772. Phải lần theo dấu chân nhau để tránh vướng mìn. Có những dốc đứng mà đầu gối chạm vào cằm. Khiêm - đồng đội cũ của anh Thanh - chỉ đường cho chị tìm đúng chiến hào mà anh Thanh hi sinh, ở đó chỉ còn một ít xương vai, mấy chiếc răng, một lọ thuốc sốt rét và chiếc thắt lưng cùng một ngôi sao vàng. “Ngày đi chiến dịch, anh vẫn còn sốt rét nên lúc nào cũng mang lọ thuốc theo cùng. Chỗ này chẳng có ai lên, anh ở đây 28 năm buồn lắm. Tôi đưa anh về nghĩa trang Ba Dốc (Quảng Bình) để gần với bên nội, bên ngoại” - chị Lan tâm sự.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận