Đây là điều chưa bao giờ xảy ra trong ngành dược từ trước đến nay.
Phóng to |
Đơn tố cáo gửi các cơ quan thẩm quyền của tám công ty kinh doanh dược phẩm - Ảnh: T.T.D. |
Tám doanh nghiệp ký tên trong đơn là: Công ty Imexpharm, Công ty Agimexpharm, Công ty S.Pharm, Công ty Minh Hải, Công ty Tipharco, Công ty liên doanh Stada - Việt Nam, Công ty Pymepharco và Công ty Dược phẩm Khánh Hòa. Người ký tên trong các đơn thư gửi lên cấp thẩm quyền đều là tổng giám đốc, giám đốc hoặc phó giám đốc doanh nghiệp.
Doanh nghiệp “tố” gì?
Trong đơn tố cáo, các doanh nghiệp trên dẫn chứng việc ông Cường đã ký rất nhiều đơn hàng không có số đăng ký cho một số công ty không đúng nguyên tắc và ngăn chặn không duyệt đơn hàng cho các công ty khác...
Các doanh nghiệp này còn “tố” rằng ông Cường đã ưu tiên cho các công ty “sân sau” trong cấp hạn ngạch nhập khẩu, cấp phép nhập chuyến, cấp số đăng ký lưu hành thuốc, cho phép sản xuất gia công. Ngoài ra, đơn thư còn nêu rõ việc ông Cường ưu ái cho Công ty CP dược phẩm BV Pharma nhập khẩu nhiều tấn tiền chất ma túy pseudoephedrine (PSE) để sản xuất thuốc cảm cúm.
Các doanh nghiệp còn phản ảnh ông Cường có nhiều biểu hiện làm sai quy định. Cụ thể, khi Bộ Y tế đã chỉ đạo Cục Quản lý dược ngưng ngay việc cấp số đăng ký, ngưng cho nhập khẩu, ngưng không cho nhập nguyên liệu, dừng sản xuất thuốc có chứa sabutramine gây nhiều phản ứng có hại để bảo vệ sức khỏe người dân theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, nhưng ông Cường lại “làm sai quy định là cho phép các thuốc sản xuất trong nước và nhập khẩu có chứa sabutramine được lưu hành đến hết hạn dùng của thuốc”.
Doanh nghiệp dẫn chứng công văn ngày 8-6-2010 do ông Cường ký đã giúp các công ty Ấn Độ, Pakistan, Hàn Quốc, Bangladesh... tiếp tục bán hết các lô thuốc có chứa sabutramine. Ngoài ra, các doanh nghiệp này còn cho rằng ông Cường đã cấp nhiều số đăng ký nhập khẩu thuốc từ các nước lân cận, châu Á vào Việt Nam, trong khi phần lớn những thuốc này doanh nghiệp trong nước đã sản xuất được với chất lượng cao, giá thành rẻ.
Chấp nhận hi sinh
Ngày 22-9, PV Tuổi Trẻ đã trao đổi trực tiếp với các doanh nghiệp dược phẩm đứng đơn tố cáo cục trưởng Cục Quản lý dược để làm rõ những nội dung mà họ phản ảnh trong đơn.
Bà Trần Thị Đào - tổng giám đốc Công ty CP dược phẩm Imexpharm, đại diện các doanh nghiệp - khẳng định họ xác định đây là cuộc đấu tranh vô cùng khó khăn nhưng vẫn phải đấu tranh. Những phản ảnh, kiến nghị của các doanh nghiệp không xuất phát từ bất kỳ mâu thuẫn cá nhân nào đối với ông Cường. Mục đích và động cơ mà các doanh nghiệp kiến nghị là do sự trì trệ quá mức của ngành dược trong thời gian qua.
Theo các doanh nghiệp, sự trì trệ này xuất phát từ những tiêu cực của cục trưởng, làm ảnh hưởng đến uy tín và sự phát triển chung của ngành, gây thiệt hại trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của cả ngành dược.
“Từ trước đến nay chưa có tiền lệ doanh nghiệp dược nào dám công khai nói lên chính kiến và sự bất bình của mình với cơ quan quản lý nhà nước, ở đây là Cục Quản lý dược. Chúng tôi dám viết đơn là đã xác định doanh nghiệp có khi phải chấp nhận hi sinh, chấp nhận mọi điều rủi ro có thể xảy ra sau này. Chúng tôi ký tên đóng dấu tố cáo với trách nhiệm là người đứng đầu doanh nghiệp, phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước mấy ngàn cán bộ, công nhân, viên chức và trước toàn thể các nhà đầu tư, các cổ đông” - bà Đào nói.
Các doanh nghiệp cũng khẳng định họ chịu trách nhiệm về những gì phản ảnh trong đơn tố cáo và sẵn sàng cung cấp thêm các chứng cứ, thông tin liên quan cho các cơ quan chức năng. Họ chỉ muốn những khuất tất, bất thường của Cục Quản lý dược được đưa ra ánh sáng, điển hình là vụ cấp phép mua tiền chất PSE, cấp số đăng ký gia công thuốc chứa tiền chất này nhanh chóng chỉ trong 1-2 ngày, nửa tháng cho một số công ty. Trong khi theo quy trình cấp phép bình thường sáu tháng là nhanh nhất, một năm là bình thường và chậm nhất là 2-3 năm doanh nghiệp mới được duyệt.
Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng đang xử lý đơn tố cáo
Để khách quan, chúng tôi đã nhiều lần liên hệ qua điện thoại, kể cả nhắn tin cho ông Trương Quốc Cường và ông Trần Quang Trung - chánh thanh tra Bộ Y tế - để lắng nghe ý kiến về việc các doanh nghiệp “tố” ông Cường như trên. Tuy nhiên ông Cường không trả lời tin nhắn, không nghe điện thoại. Còn ông Trung thì nói việc này cấp trên đang xem xét, giải quyết nên ông chưa thể có ý kiến.
Trong khi đó, trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện văn phòng Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng cho rằng họ đã có kế hoạch làm việc với Cục Quản lý dược, thanh tra Bộ Y tế và các doanh nghiệp đã đứng đơn tố cáo nghi vấn liên quan đến đường đi của tiền chất gây nghiện PSE.
Có hay không chuyện tiêu cực và những khuất tất như các doanh nghiệp phản ảnh thì phải đợi kết luận của cơ quan chức năng, nhưng rõ ràng là ngoài thị trường, từ lâu nay đã có những diễn biến cho thấy có sự lạm dụng PSE trong thuốc trị cảm cúm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận