Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn (thứ hai từ phải sang) nghe lãnh đạo tỉnh Bình Dương báo cáo về hoạt động của hai khu điều trị dã chiến vừa được đưa vào hoạt động từ sáng 3-8 - Ảnh: B.S.
Ngày 3-8, tại Bình Dương, lãnh đạo Bộ Y tế cùng lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Dương đã cùng chứng kiến đưa vào hoạt động khu điều trị dã chiến Thới Hòa (là cơ sở 2 của Bệnh viện dã chiến số 1) và Bệnh viện dã chiến số 3 tỉnh Bình Dương (đặt tại khuôn viên Trường đại học Việt - Đức).
Hai khu điều trị cho bệnh nhân F0 nói trên có công suất rất lớn và được triển khai xây dựng gấp trong khoảng một tuần.
Khu điều trị dã chiến Thới Hòa đặt tại khu nhà xưởng của Công ty cổ phần phát triển công nghiệp BW (BWID) tại thị xã Bến Cát với quy mô 5.300 giường và các khu chức năng phụ trợ, trong đó có 2.200 giường có trợ thở oxy cố định bằng hệ thống oxy trung tâm.
Bệnh viện dã chiến số 3 tỉnh Bình Dương đặt tại khuôn viên của Trường đại học Việt - Đức, cũng thuộc thị xã Bến Cát, có quy mô 3.000 giường. Khuôn viên trường đại học này vừa được xây dựng, đang chuẩn bị đi vào hoạt động nhưng được ưu tiên trước để sử dụng làm bệnh viện dã chiến.
Ông Mai Hùng Dũng - phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Dương - cho biết số ca nhiễm tại Bình Dương tăng cao một phần do kết quả của việc "bóc tách" F0 trong cộng đồng đạt kết quả. Tới sáng 3-8, toàn tỉnh đã có 18.326 ca nhiễm trong cộng đồng (nóng thứ hai cả nước sau TP.HCM).
Khu điều trị dã chiến Thới Hòa có quy mô tới 5.300 giường sẽ có 2.200 giường có hệ thống trợ thở oxy trung tâm - Ảnh: B.S.
Việc đóng góp của các bệnh viện dã chiến rất quan trọng cho công tác phòng chống dịch tại Bình Dương thời điểm hiện tại. Chỉ tính riêng cơ sở 1 của Bệnh viện dã chiến số 1 (đặt tại Trung tâm triển lãm quốc tế thành phố mới Bình Dương, quy mô 1.500 giường), sau 10 ngày đi vào hoạt động đã tiếp nhận 1.300 bệnh nhân, trong đó đã có 140 người được xuất viện.
Trong số các ca mắc COVID-19 tại Bình Dương có 321 ca diễn biến nặng, là một con số khá đau lòng và mang đến cho ban chỉ đạo tỉnh nhiều trăn trở, đòi hỏi phải nỗ lực hơn nữa trong việc thực hiện các biện pháp quyết liệt nhằm ngăn ngừa dịch bệnh và khẩn trương hình thành các khu thu dung điều trị, làm vơi đi nỗi đau của hàng ngàn bệnh nhân...
Ông Mai Hùng Dũng - phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Dương
Tỉnh Bình Dương đang chuẩn bị mở thêm một số khu điều trị dã chiến khác, sẵn sàng cho trường hợp tỉnh có thêm 20.000 ca bệnh COVID-19. Việc xây dựng các bệnh viện dã chiến được thực hiện nhanh, một phần do sự đóng góp của doanh nghiệp.
Trong đó khu điều trị Thới Hòa do Tổng công ty Becamex IDC (vốn chi phối thuộc UBND tỉnh Bình Dương) triển khai, còn bệnh viện dã chiến tại Trường đại học Việt - Đức do Công ty TNHH MTV Đầu tư và quản lý dự án (trực thuộc Tỉnh ủy Bình Dương) xây dựng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận