15/12/2013 07:21 GMT+7

77 việc phụ nữ không được làm

HOÀNG ĐIỆP - BẢO HÀ
HOÀNG ĐIỆP - BẢO HÀ

TT - Bắt đầu từ hôm nay (15-12), thông tư số 26/2013 của Bộ LĐ-TB&XH quy định danh mục 77 công việc phụ nữ không được làm chính thức có hiệu lực.

goUzYyqn.jpgPhóng to
Bà Nguyễn Thị Mai vác bao hàng trên 50kg ở chợ Đồng Xuân (Hà Nội). Theo quy định, từ hôm nay bà không được làm việc nặng này? - Ảnh: Ng.Khánh
65QP9NI5.jpgPhóng to
Bà Nguyễn Thị Thúy, 45 tuổi, làm việc tại chợ Bình Điền, Q.8, TP.HCM. Hằng ngày từ 21g-6g, ngoài việc kéo cá giao cho khách, bà Thúy cũng như nhiều chị em làm việc tại đây phải ngâm trong nước bẩn nhiều giờ - Ảnh: Quang Định

Đây không phải là lần đầu tiên có quy định không được sử dụng lao động nữ làm một số việc, mà từ gần 30 năm trước (năm 1986), liên bộ Lao động - Y tế đã ban hành thông tư nêu rõ 16 nhóm ngành nghề phụ nữ không được làm. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp, cá nhân thuê người lao động và chính những người lao động ngỡ ngàng vì “chưa từng biết chuyện này”.

Người lao động không biết

Danh mục 77 việc cấm sử dụng lao động nữ

Thông tư số 26/2013/TT - BLĐ-TB&XH có hiệu lực thi hành từ ngày 15-12-2013 quy định rõ sáu nhóm đối tượng không được sử dụng lao động nữ bao gồm các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân. Thông tư còn nhấn mạnh đặc biệt người sử dụng lao động không được sử dụng lao động nữ làm những công việc theo danh mục ban hành kèm theo thông tư này. Theo đó, sẽ có 77 công việc mà phụ nữ không được làm. Trong đó có 38 công việc mà tất cả lao động nữ không được làm. Phụ nữ có thai hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi không được làm 39 công việc.

Có những công việc vẫn bắt gặp phụ nữ làm thường ngày như: cạy bẩy đá trên núi, ngâm tẩm da, muối da, bốc dỡ da sống, chế biến lông vũ trong điều kiện hở, nạo vét cống ngầm, công việc phải ngâm mình thường xuyên dưới nước bẩn hôi thối, dễ bị nhiễm trùng, mang vác nặng trên 50kg (trên 20kg với phụ nữ có thai, nuôi con dưới 12 tháng tuổi)... nay họ sẽ không được làm nữa.

Được coi là người phụ nữ hiếm hoi của ngành y tế thực hiện công việc mổ tử thi, bà Đoàn Thị Thẩm, Trung tâm Giám định pháp y tỉnh Cao Bằng, cho biết đây là công việc quá sức của phụ nữ, vậy nhưng bà đã thực hiện công việc này rất nhiều năm rồi và bà thật sự gắn bó với công việc.

“Tôi không nhớ mình đã mổ bao nhiêu tử thi trong hơn chục năm qua, dù có không ít những lúc cảm thấy rất tủi thân, nhưng chưa bao giờ nghĩ mình sẽ thôi không làm công việc này nữa” - bà nói. Bà Thẩm cũng cho biết bà chưa biết gì về thông tư mới này, nhưng “nếu cơ quan sắp xếp một công việc khác thì tôi cũng sẵn lòng làm”.

Khác với bà Thẩm, những nữ nhân công đang làm công việc nặng nhọc tại chợ đầu mối nông sản Bình Điền (nằm trên đường Nguyễn Văn Linh, Q.8, TP.HCM) - một trong những chợ đầu mối nông sản lớn nhất cả nước - đều cảm thấy rất khó tin khi được hỏi về thông tư mới của Bộ LĐ-TB&XH.

Hoàng Thị Vân (18 tuổi, quê Diễn Châu, Nghệ An) làm công việc kéo cá ở khu nhà lồng F, chợ Bình Điền. Hằng ngày, cứ 1g sáng, Vân bắt đầu vào chợ kéo cá. Tiền công cho mỗi khay cá nặng từ 11-15kg Vân kéo được là 3.000 đồng. Vân kể: “Mỗi chuyến em phải cố chất lấy 4-6 khay để được 12.000-15.000 đồng. Chuyến nhẹ chừng 50kg, còn phải kéo khoảng 70-80kg/chuyến cũng là chuyện bình thường. Kéo đến chừng 6g sáng được 150.000-200.000 đồng”.

Khi hỏi nếu không được kéo cá nữa, em sẽ làm gì? Vân buồn buồn nói: “Nếu vậy chắc chỉ có đường về quê làm ruộng thôi. Làm việc khác nhẹ nhàng hơn nhưng tiền công kiếm được chỉ đủ mình em ăn, không còn để gửi về quê cho bố mẹ và bốn đứa em nữa”.

Quản lý lúng túng

Mỗi đêm vựa cá của bà Năm Mọi (từ ô F7 đến F12, khu nhà lồng F) phải thuê đến gần 30 lao động nữ để bốc dỡ, xử lý sơ chế hải sản. Có những công việc như kéo cá từ xe vào kho có thể thay phụ nữ bằng đàn ông nhưng những việc sơ chế, xử lý hải sản thì không thể thay thế.

Bà Hiền, chủ vựa hải sản Cúc Yến, khu nhà lồng F, chia sẻ: “Hầu hết các công việc đều bắt đầu từ chập tối và kết thúc vào khoảng gần trưa ngày hôm sau. Mỗi đêm, vựa nhỏ cũng phải mướn 5-10 người, vựa lớn thì mướn cả mấy chục người. Giờ mà cấm, chúng tôi biết tìm đâu ra lao động bù vào?”.

Khu nhà lồng D và F, ban ngày khi cá tôm đã được chuyển đi tiêu thụ hết vẫn xộc lên mùi hôi thối, tanh ngòm của xác các loại thủy hải sản. Những lao động nữ làm mướn ở đây mỗi ngày đều phải chịu đựng thứ mùi này và ngâm trong nước bẩn nhiều giờ.

Còn ông Đông, giám đốc Trung tâm Pháp y Cao Bằng, thừa nhận là có nghe nói đến việc bảo vệ sức khỏe chị em nhưng ông không hề biết đến thông tư của Bộ LĐ-TB&XH. Ông Đông cho biết hiện tại cả tỉnh Cao Bằng chỉ có ba cán bộ pháp y mổ tử thi. “Theo quy hoạch cán bộ thì cần phải có ít nhất bốn người. Trung tâm chưa bao giờ đủ người cả, nhưng nếu pháp luật quy định như thế thì phải bố trí công việc khác cho chị Thẩm sau khi có ý kiến chỉ đạo của sở” - ông Đông nói.

* Bà Nguyễn Thị Bích Thủy (phó chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM):

Cần có lộ trình

Thông tư của Bộ LĐ-TB&XH ban hành danh mục công việc không được sử dụng lao động nữ đã thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đối với lao động nữ. Vì nếu để lao động nữ tiếp tục làm những công việc này trước mắt có thể chưa thấy hậu quả nhưng lâu dài sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe của chị em, đặc biệt là sức khỏe sinh sản và còn gây ảnh hưởng đến nòi giống và nhiều thế hệ sau này. Tuy nhiên, để thông tư có tính khả thi thì cần một số điều kiện.

Có một thực tế phải thừa nhận là hiện nay vẫn còn rất nhiều lao động nữ làm việc trong các lĩnh vực thuộc danh mục cấm này, trong đó có không ít người lao động nghèo, trình độ thấp. Tôi cho là không thể một sớm một chiều cấm họ không được làm mà phải có lộ trình. Quan trọng nhất là phải tuyên truyền cho chủ sử dụng lao động và cả người lao động nhận thức và đồng thuận với tinh thần, nội dung của thông tư. Vì khi triển khai, nội dung này có thể vấp phải sự phản ứng từ cả phía người lao động và người sử dụng lao động khi người sử dụng lao động thì có nhu cầu thuê mướn, còn người lao động thì tự nguyện chấp nhận làm những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

* LS Nguyễn Văn Hậu (phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM):

Rà soát lại danh mục cấm

Theo báo cáo về lực lượng lao động nữ giới của các nước từ năm 2005-2009 từ trang databank.worldbank.org thì tại VN, số lượng lao động nữ năm 2009 là 22.705.508 người, chiếm khoảng 68% tổng dân số nữ giới từ 15 tuổi trở lên. Như vậy, có thể nói số lượng nữ giới tham gia lao động tại nước ta rất lớn. Do đó nếu mở rộng danh mục công việc cấm sử dụng lao động nữ thì bài toán giải quyết việc làm cho lao động nữ càng trở nên khó khăn hơn, vì lúc này các doanh nghiệp không được nhận mới lao động nữ làm các công việc thuộc danh mục cấm hoặc phải chuyển đổi hoặc chấm dứt hợp đồng với các lao động nữ hiện tại đang làm các công việc thuộc danh mục cấm.

Tôi cho rằng Bộ LĐ-TB&XH cần rà soát lại danh mục cấm theo hướng giảm bớt, bỏ một số công việc cấm không cần thiết để phù hợp với điều kiện thực tiễn của nước ta hiện tại, nhất là vấn đề giải quyết việc làm cho lao động nữ. Đồng thời, chúng ta cần chú trọng tới khâu triển khai, thực thi pháp luật, không để xảy ra tình trạng luật có nhưng không thực hiện trên thực tế.

MAI HƯƠNG - H.ĐIỆP ghi

__________________

Chỉ áp dụng trong trường hợp có quan hệ lao động

Ông Bùi Đức Nhưỡng, phó cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ LĐ-TB&XH), nhấn mạnh như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ về danh mục công việc không sử dụng lao động nữ. Ông Nhưỡng nói:

- Thứ nhất, tôi xin khẳng định đây không phải danh mục được xây dựng hoàn toàn mới hay lần đầu tiên quy định công việc không sử dụng lao động nữ. Trước đây danh mục công việc không sử dụng lao động nữ đã được thông tư liên tịch số 40/2011 do Bộ Y tế ban hành, trong đó về danh mục công việc cũng quy định như hiện nay. Còn thực tế, do Bộ luật lao động có thay đổi quy định thẩm quyền ban hành danh mục công việc là Bộ LĐ-TB&XH, vì vậy khi xây dựng thông tư Bộ LĐ-TB&XH không tăng thêm danh mục công việc mà chỉ làm rõ và chi tiết hơn đối với từng ngành nghề.

* Thực tế có khá nhiều phụ nữ vẫn đang làm công việc nằm trong danh mục 77 công việc không sử dụng phụ nữ. Đã có ý kiến băn khoăn về tính khả thi của thông tư, ông nghĩ sao?

- Thứ nhất, trong quá trình xây dựng danh mục, chúng tôi nhận thức rất rõ, với quá trình phát triển thường xuyên của công nghệ hiện nay, nhận thức của mình ở giai đoạn này có thể là ngành nghề này nguy hại cần cấm nhưng ở giai đoạn sau chưa chắc đã là nguy hại, hoặc ngày xưa cho rằng nguy hại nhưng bây giờ thấy chưa phải nguy hại. Vì vậy khi rà soát, bổ sung đã thực hiện rất kỹ để đảm bảo khi ban hành có tính khả thi cao nhất. Do vậy, với danh mục 77 công việc không sử dụng lao động nữ đã ban hành, đây là danh mục có tính khả thi cao để áp dụng.

Thứ hai, khi xây dựng danh mục, chúng tôi đã quy định khá rõ về đối tượng áp dụng. Thật ra với danh mục này, phụ nữ chính là người thụ hưởng. Có thể có người nhầm tưởng là tất cả những việc trong danh mục là cấm hết đối với phụ nữ, nhưng thực tế không phải vậy. Cần xem rõ đối tượng áp dụng, trong đó ghi rõ là áp dụng với những trường hợp có quan hệ lao động, sử dụng lao động như doanh nghiệp, hợp tác xã... Còn những trường hợp tự quản thì Bộ luật lao động không điều chỉnh tới, vì vậy thông tư cũng không điều chỉnh tới.

* Từ ngày 15-12, danh mục 77 công việc không sử dụng lao động nữ sẽ có hiệu lực thi hành. Xin hỏi việc kiểm tra và chế tài đối với những đơn vị vi phạm sẽ được thực hiện ra sao, thưa ông?

- Đương nhiên trong quá trình thực hiện sẽ phải có kiểm tra. Tôi xin nói rõ là việc kiểm tra sẽ được thực hiện với những trường hợp có sử dụng lao động, có quan hệ lao động. Đây là cơ sở để khi các đơn vị kiểm tra, thanh tra thực hiện việc xử phạt, xử lý các trường hợp vi phạm. Còn việc chế tài, xử phạt sẽ áp dụng theo nghị định 95/2013 quy định rất chi tiết về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động.

HOÀNG ĐIỆP - BẢO HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp