Mỗi năm có 700 triệu bao thuốc lá nhập lậu gây nhiều hệ luỵ về sức khoẻ và thất thu ngân sách - Ảnh: BCT
Mặc dù đã có Chỉ thị 30/CT-TTg của Thủ tướng về Tăng cường đấu tranh chống thuốc lá nhập lậu, các địa phương, song theo thông tin vừa được Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam đưa ra, kết quả đạt được chưa tương xứng với thực tế.
Ông Nguyễn Triết - tổng thư ký Hiệp hội - cho biết việc buôn lậu thuốc lá diễn ra ngang nhiên, thách thức pháp luật ở nhiều địa phương, đặc biệt là các tỉnh biên giới Tây nam, nhất là các địa bàn trọng điểm như Long An, An Giang, Tây Ninh, Bình Phước, Đồng Tháp, TP.HCM…
Hàng trăm ngàn bao nhập lậu qua biên giới mỗi ngày
Theo ước tính, trung bình mỗi ngày, lượng thuốc lá nhập lậu qua các tỉnh biên giới lên đến 400-500 ngàn bao các loại, trong đó 80% là Jet và Hero. Thuốc lá lậu được ngụy trang, cất giấu rất tinh vi, các đường dây vận chuyển tổ chức chuyên nghiệp, luôn cử người theo dõi các lực lượng chức năng 24/24h…
Đặc biệt, các đầu nậu không chỉ thuê dân nghèo mà còn "chọn" thuê các đối tượng có tiền án, tiền sự, nghiện ma túy… vận chuyển, khi vận bị lực lượng chức năng bắt giữ thường manh động, chống đối.
Thuốc lá lậu được phân phối vào các , tiệm tạp hóa, như tại các tỉnh Tây Nam được bán tràn lan và công khai với số lượng "bao nhiêu cũng có" mà không bị lực lượng chức năng xử lý.
Đơn cử tại TP.HCM, những điểm bán thuốc lá lậu nổi tiếng như chợ Học Lạc quận 5, chợ Trần Quốc Toản quận 3, chợ Tây Ninh quận Tân Bình vẫn khá tấp nập dù không còn công khai như trước…
Đáng chú ý, Hiệp hội cho hay một lượng lớn thuốc lá điện tử không rõ nguồn gốc xuất xứ, không được kiểm soát chất lượng đang được nhập lậu vào nước ta và bày bán công khai tai các cửa hàng, chợ điện tử trên mạng xã hội.
Vướng quy định, khó xử lý triệt để
Nguyên nhân được cơ quan chức năng chỉ ra, là do bất cập trong quy định. Thực tế, từ ngày 26-4-2018 đến nay, số thuốc lá nhập lậu bị tịch thu là gần 10 triệu bao, nhưng xử lý gặp nhiều vướng mắc, hạn chế.
Ông Nguyễn Minh Trung - cục trưởng Cục Quản lý thị trường Đồng Tháp - cho biết: Trước đây tiêu hủy hết thì được hỗ trợ kinh phí theo thông tư 19 của Bộ Tài chính, hiện nay thực hiện theo Quyết định 20, phải xác định được chất lượng thuốc lá nào đảm bảo chất lượng thì tái xuất, không thì mới tiêu hủy…
Nhưng công tác giám định, đánh giá mặt hàng này cần tiêu hủy hay đấu giá vẫn chưa có cơ quan chuyên môn thực hiện.
Xử lý về mặt hình sự cũng khó khăn. Theo quy định của Bộ luật Hình sự, các hành vi vi phạm liên quan đến thuốc lá ngoại nhập lậu có số lượng từ 1.500 bao trở lên phải chịu truy cứu trách nhiệm hình sự.
Thực tế, các lực lượng chức năng đã bắt nhiều vụ từ 1.500 bao trở lên nhưng không bắt được đối tượng thực hiện hành vi vi phạm. Công an có khởi tố vụ án theo quy định, nhưng do không xác định được đối tượng nên sau khi hết thời hạn điều tra phải ra quyết định tạm chỉ điều tra vụ án, dẫn đến số vụ việc tạm đình chỉ tăng cao.
Ông Đàm Thanh Thế - chánh văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389 Quốc gia) - cho biết: Ban chỉ đạo đang bàn giải pháp để các lực lượng sớm xử lý lượng thuốc lá nhập lậu, đảm bảo yêu cầu xử lý được đối tượng, tang vật và ngăn chặn được tình trạng buôn lậu thuốc lá qua biên giới.
"Văn phòng thường trực sẽ làm việc với các bộ ngành, để xác định cơ quan chức năng nào kiểm định chất lượng để các địa phương phối hợp thực hiện", ông Thế nói.
Thuốc lá lậu không chỉ gây thất thu ngân sách Nhà nước, gây mất trật tự xã hội mà còn tiềm ẩn khôn lường đối với sức khỏe người sử dụng. Thuốc lá lậu thường được vận chuyển lén lút qua biên giới bằng đường sông, đường mòn, lối mở, không được bảo quản đúng cách, dễ bị nấm men, nấm mốc, có thể dẫn đến ngộ độc, ung thư, thậm chí gây tử vong khi sử dụng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận