Trùng phùng ngày về
Bà Đỗ Hồng Phấn (sinh năm 1933), nguyên vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Bộ Thủy lợi (nay là Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), từng phụ trách Hiệu đoàn học sinh kháng chiến Trường Trưng Vương năm 1950. Bà bị bắt tháng 11-1950.
Chưa đủ 18 tuổi, bà được trả tự do, tiếp tục hoạt động Đoàn, được gọi ra vùng tự do kháng chiến. Lúc rời Hà Nội, bà cắt phăng mái "tóc dài cặp trễ sau lưng".
Ngày 21-7-1954, Hiệp định Genève được ký kết. Từ Chiêm Hóa, bà Phấn cùng những đồng chí của mình về lại trụ sở của Trung ương Đoàn ở Sơn Dương (đều thuộc tỉnh Tuyên Quang) để tham dự lớp tập huấn đặc biệt trong vòng một tháng do trung ương tổ chức, chuẩn bị cho ngày tiếp quản thủ đô.
"Tham gia lớp tập huấn này có cả nghìn người, là toàn bộ bộ máy trung ương chuẩn bị mang vào Hà Nội cho thời kỳ độc lập hoàn toàn ở miền Bắc", bà Hồng Phấn nhớ lại.
Kết thúc lớp học, từng đơn vị có mặt trên những ô tô ùn ùn kéo về Hà Nội. Đoàn của Trung ương Đoàn khi ấy khoảng mấy chục người, phải huy động thêm cán bộ tỉnh đoàn ở các tỉnh vùng Việt Bắc để lập ra Đội Thanh niên công tác Đoàn, toàn nữ sinh cấp III ở vùng tự do về làm nhiệm vụ vận động, tiếp xúc quần chúng thủ đô.
Đoàn của bà Phấn chưa về thẳng Hà Nội mà đóng quân ở Thường Tín (thuộc Hà Tây trước đây) vài tuần chờ ngày 10-10. Khi đó, Thành Đoàn Hà Nội huy động đoàn viên trong vùng địch bí mật gặp đoàn viên kháng chiến vừa trở về để bàn kế hoạch cho ngày trọng đại.
Trong đám thanh niên ấy, bà Phấn gặp lại rất nhiều bạn học thời học sinh kháng chiến. Bên cạnh những bạn tù Hỏa Lò có không ít bạn nam vì hoàn cảnh lịch sử mà từng làm việc cho các cơ quan của chính quyền cũ. Bạn bè gặp lại mừng mừng tủi tủi, bao nhiêu tâm sự cứ thế mà kể ra.
Lúc đi kháng chiến, họ ăn vận quần đen, áo nâu là chủ yếu nên khi về chuẩn bị tiếp quản thủ đô, cấp trên cho người mua áo quần hoặc mua vải, gọi thợ may áo dài gấp. Riêng đám con gái, có bộ phận mặc áo dài trắng, quần trắng, có bộ phận mặc váy, sơ mi trắng ngắn tay.
Có cô cả đời chưa mặc áo dài hoặc diện váy nên rất xấu hổ. Bà Phấn kể hồi đó "nào biết gì", chỉ có một tấm lòng dành cho lý tưởng, đến những nơi đất nước cần.
Đúng ngày 10-10, xe chở đoàn đỗ cách Bạch Mai 1 - 2km. Trên con đường đi bộ về Bờ Hồ, nhân dân đứng hai bên đường đông nghịt, liên tục tặng hoa. Những chàng trai, cô gái trẻ trung phơi phới ôm hoa không xuể, cười như mùa thu tỏa nắng.
Về tới Bờ Hồ, các đoàn gặp nhau, đi qua nhau. Bà Phấn nhận ra trong trùng trùng đoàn quân như sóng ấy có biết bao gương mặt thân quen, gọi nhau í ới nhưng không dám phá hàng để đến ôm bạn trong ngày về.
Và trên đường diễu hành từ Bờ Hồ đi Hàng Gai, Hàng Bông để ra Cửa Nam, lúc đi qua nhà mình bà cũng nhận ra bóng dáng mẹ đứng trước cửa trong không khí rợp cờ hoa mà không dám kêu to lên vui sướng.
Khi ra đi, phía sau đô thành bao người bước đi mà chẳng biết liệu có ngày về. Nhưng bà Phấn đã về với Hà Nội của bà, cùng ăn bữa cơm giản dị với gia đình trong ngày đoàn tụ.
Mẹ còn sắm cho một chiếc xe đạp. Cứ thế, bà đạp xe đi chơi trong những ngày tháng 10 đẹp nhất trần đời.
Hà Nội chưa khi nào đông vui thế
Ông Dương Tự Minh (sinh năm 1935) là con thứ tám của học giả Dương Quảng Hàm, nguyên cán bộ Thành Đoàn Hà Nội rồi Trung ương Đoàn, phó ban liên lạc tù chính trị Hỏa Lò. Ông là một trong những thủ lĩnh Đoàn của Trường Chu Văn An trong phong trào học sinh, sinh viên kháng chiến giai đoạn 1947 - 1954.
Trong một cuộc càn quét của quân Pháp, ông Minh bị bắt. Ra tù, ông vào Đoàn Thanh niên cứu quốc Hà Nội, tham gia nhóm in và phát hành tờ báo Nhựa Sống và tiếp tục bị bắt năm 17 tuổi, bị đưa vào Hỏa Lò chờ xét xử.
Sau đó, ông được tổ chức Đoàn đưa ra vùng tự do học tập rồi lại trở về hoạt động tại Hà Nội. Do phải trốn truy nã, ông không về nhà mà sống ở một cơ sở cách mạng do tổ chức bố trí.
Sau sự kiện Điện Biên Phủ và Hiệp định Genève, phong trào đấu tranh trong nội thành được thổi một luồng sinh khí mạnh mẽ. Lúc đó, quân Pháp đang trên đà tan rã nên những hoạt động đấu tranh diễn ra bán công khai.
Ông Minh nhớ lại tháng 4-1954, học sinh, sinh viên cùng nhau ký bản kiến nghị đòi chấm dứt chiến tranh. Gần đến ngày 10-10, phong trào càng sôi sục. Các hoạt động đấu tranh giữ lại máy móc, điện, nước... là một nhiệm vụ quan trọng.
Đi cùng với đó là đấu tranh chống cưỡng ép di cư... Đây cũng là thời gian một bộ phận thanh thiếu niên kéo nhau đi học hát Tiến về Hà Nội của Văn Cao để chuẩn bị mừng bộ đội về tiếp quản, cũng như hình thành đường dây liên lạc để chuẩn bị lực lượng ra đón.
Trước ngày 10-10 không lâu, nhiều nhóm học sinh được tập hợp để may cờ, làm khẩu hiệu, băng rôn mừng ngày chiến thắng.
Với sự chỉ đạo của Thành Đoàn, khối học sinh, sinh viên đứng từ Bờ Hồ qua Hàng Ngang, Hàng Đào đến chợ Đồng Xuân. Trường nào tập hợp theo trường đó, rất trật tự. Nội dung băng rôn ghi rất rõ, đến giờ vẫn in vào trí óc không phai mờ: "Chào mừng bộ đội về giải phóng thủ đô".
Từ sáng 10-10, quân ta tiến về từ các ngả. Lúc qua khu Bờ Hồ xôn xao cả lên. Người dân vỗ tay hoan hô, tặng hoa, học sinh, sinh viên hô vang các khẩu hiệu hoan nghênh. Ngoài Tiến về Hà Nội, chúng tôi cũng hát cả ca khúc của nhạc sĩ Nguyễn Văn Quỳ:
"Hà Nội ơi, vui lên Hà Nội ơi/ Qua tám năm sống nhục nhằn u buồn/ Ngày nay ta ra thoát vòng tăm tối...", ông Minh nói gần 90 năm sống ở đời, có hai lần ông thấy Hà Nội của mình đông vui chưa từng thấy, là dịp giải phóng thủ đô 1954 và giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 1975.
Xa nhà gần một năm trời nên sau khi hoàn thành nhiệm vụ, ông Minh nghĩ ngay tới một việc, đó là phải về nhà gặp mẹ cũng như các anh chị đi kháng chiến vừa mới trở về.
"Con cái về hết, mấy mẹ con mừng tủi. Một số anh chị tôi lập gia đình ngoài chiến khu, khi về dắt theo dâu, rể và các cháu. Mẹ tôi hạnh phúc, phấn khởi ra mặt", ông nói.
Duy có cha Dương Quảng Hàm lúc đó vẫn bặt tin. Suốt những năm kháng chiến, cả nhà chỉ nghĩ ông cụ đang phiêu bạt hoặc mất tích nơi nào đó. Tới khi hòa bình lập lại, mới hay ông đã bị Pháp giết quanh hồ Hale (hồ Thiền Quang ngày nay) hồi toàn quốc kháng chiến bùng nổ.
Gia đình ông sau này lập một mộ gió ở quê. Nhưng linh hồn cha ông vĩnh viễn nằm lại trong lòng Hà Nội những ngày bi tráng và kiêu hùng đó.
Các thế hệ học sinh, sinh viên Hà Nội kháng chiến năm xưa lần lượt ra đi dần do tuổi cao sức yếu, bệnh tật. Những người sót lại của một thời thỉnh thoảng gặp nhau nhắc chuyện ngày xưa, cả chuyện "Hà Nội bừng tiến quân ca" và "những bông hoa ngày mai đón tương lai vào tay"...
----------------------
"Đi hay ở" là câu hỏi lớn của nhiều trí thức, nhà tư sản Hà Nội năm 1954 và rất nhiều người đã chọn ở lại cùng góp sức xây đắp một cuộc đời mới trên mảnh đất mà họ yêu thương tha thiết.
Kỳ tới: Những người ở lại xây thời đại mới
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận