Cặp đôi chiến sĩ Tây Tiến Phạm Đình An một thời hoa lửa - Ảnh: Ban liên lạc Tây Tiến
Thuở đất nước dầu sôi lửa bỏng, trai tráng sống có lý tưởng, còn các cô gái thì trọng quân tử, mến anh hùng.
Ông Đặng Ngọc Lộc
Mối tình với cô bán sách
Ông Sâm ở đại đội 16, tiểu đoàn 150, trung đoàn Tây Tiến. Đại đội trưởng chính là nhạc sĩ Nguyễn Như Trang, người đã sáng tác Tiếng cồng quân y, Vượt biên thùy, Trấn biên cương...
Như Trang có mối tình rất đẹp với một "dáng kiều thơm" Hà Nội, cho đến mãi nhiều năm sau khi anh hi sinh, đồng đội vẫn còn kể về mối tình ấy. Đó là Tuyết, cô hàng sách ở phố Bà Triệu mà Như Trang đã đắm say khi ghé lại tìm mua truyện thơ...
Ngày lên đường Tây Tiến, Như Trang hẹn ước với Tuyết vài tháng sau sẽ trở về mà không ngờ đó là cuộc chia ly vĩnh viễn. Suốt hai năm chiến đấu liên miên ở mặt trận Tây Bắc, cứ lúc nào ngừng tiếng súng anh lại nhớ đến Tuyết và đem giấy bút ra họa hình ảnh nàng.
Một lần, anh và đội trinh sát bị lính dù Pháp phục kích, bắn trọng thương. Đồng đội tưởng anh không qua khỏi, khi nghe anh thều thào những lời trăng trối gửi cô bán sách. Vậy mà, sau vài ngày mê man, Như Trang đã hồi phục một cách kỳ lạ. Trung đoàn cho anh về nghỉ phép 10 ngày. Anh về Hà Nội, tìm gặp được Tuyết, và hai người đã đính hôn với nhau.
Rồi Như Trang lại trở về với đơn vị. Lúc chia tay, anh như có linh cảm nên dặn dò vợ chưa cưới rằng: "Nếu không may, anh chẳng về được, thì xin em đừng mãi ở vậy thờ anh để phải khổ một đời". Và linh cảm trở thành sự thật, anh đã hi sinh. Tuyết đã đội khăn tang thờ người chồng đã hi sinh vì nước và tìm đến nhà để săn sóc cha mẹ của anh.
Miền Tây Ảnh Viện, cơ sở của trung đoàn Tây Tiến - Ảnh: Ban liên lạc Tây Tiến
Vàng cưới của lính
Trong số những chuyện tình của lính Tây Tiến, có chuyện tình kỳ lạ của Phạm Đình An và cô hàng thuốc Nguyễn Thị Thìn.
Mùa đông năm 1947, trung đoàn Tây Tiến được lệnh xuôi về đồng bằng, đóng quân ở vùng tự do Ninh Bình. Trung đoàn mở một hiệu ảnh lấy tên là Miền Tây Ảnh Viện ở thị trấn Nho Quan để làm kinh tài, mà nhiệm vụ chính là thu thập thông tin tình báo từ vùng địch hậu.
Phạm Đình An từng học trường kỹ nghệ thực hành, được phân phụ trách ảnh viện. Tuy nhà tranh vách nứa, nhưng ảnh viện này lại đắt khách nhất trong ba hiệu ảnh ở Nho Quan, vì những chàng trai chụp ảnh đều là dân Hà Nội vừa giỏi nghề vừa đẹp trai, lịch thiệp.
Duyên số thế nào đối diện ảnh viện lại là hàng thuốc cô Thìn. Cái hàng nhỏ nhưng ngày ngày đều đông khách, vì cô bán thuốc quá xinh đẹp. Phạm Đình An nhanh chóng lọt vào mắt xanh của cô Thìn. Họ yêu nhau say đắm, nhưng chuyện cưới xin lại quá khó khăn vì Đình An hơn Thìn 12 tuổi.
Ông Nguyễn Phú Cương, em trai cô Thìn, kể lại: "Sau khi cho người tìm đến tận nhà An để xác minh anh chưa vợ, mẹ tôi đã thử lòng anh An khi anh xin cưới chị tôi. Bà nói con gái mình là cả nên phải có 4 lượng vàng làm sính lễ".
Chuyện tưởng quá khó với người lính chỉ có mỗi bộ đồ trên người nhưng các đồng đội của An đã lột nhẫn trên tay của mình, quyên đủ 4 lượng vàng cho An làm sính lễ cưới vợ.
Ngày chú rể mặc áo lính cùng đồng đội bưng hộp vàng đến hỏi cưới, mẹ cô Thìn suýt khóc: "Tôi chỉ thử lòng dạ anh An với con gái tôi thế nào, chứ ai lại lấy vàng của chiến sĩ bao giờ". Hộp vàng được đàng gái trả lại.
Hôn lễ xong, chiến sĩ Phạm Đình An chỉ ở được đúng một đêm với vợ, rồi lại lên đường hành quân. Mãi đến ngày tiếp quản Hà Nội 1954, họ mới gặp lại nhau.
Tạ Đình Đề
Chuyện tình của Tạ Đình Đề
"Tôi nhớ anh Đề đã lọt vào mắt xanh tiểu thư trâm anh thế phiệt Hà Nội Đặng Thị Thọ từ trước khi đi Tây Tiến. Cô ấy là con gái rượu nhà tư sản Nghĩa Tường, tức thương nhân Đặng Thị Huyền nổi tiếng danh gia vọng tộc ở số 8, phố Hàng Ngang. Cô Thọ là chị gái thứ hai trong nhà, sinh năm 1931, kém anh Đề bốn tuổi" - cựu chiến binh Hoàng Giáp nhớ lại.
Tạ Đình Đề thời ấy rất đẹp trai với hàm râu quai nón nam tính. Anh hào hoa, nhảy đẹp và huýt sáo rất hay. Ngay sau khi tái chiếm Hà Nội, lực lượng tình báo Pháp đã truy bắt và treo giá cái đầu của Tạ Đình Đề.
Kể chuyện tình duyên của chị mình, ông Đặng Ngọc Lộc, em trai cô Thọ nay đã ở tuổi 80, cho biết mẹ họ không muốn con gái mình yêu anh chiến sĩ Tây Tiến Tạ Đình Đề mà muốn cô lấy dược sĩ Đặng Quốc Cơ vừa đi Pháp học về. Thế nhưng kiều nữ Đặng Thị Thọ lại gửi gắm trái tim cho Tạ Đình Đề.
Ông Lộc giải thích: "Thuở đất nước dầu sôi lửa bỏng, trai tráng sống có lý tưởng, còn các cô gái thì trọng quân tử, mến anh hùng. Chị tôi là mẫu người con gái sống trong thời loạn ấy nên yêu anh Đề là lẽ đương nhiên".
Sau khi Thọ theo gia đình tản cư về Hải Hậu, Nam Định, mẹ cô vẫn chưa chịu ưng chàng chiến sĩ Tây Tiến Tạ Đình Đề. Đề phải tìm gặp người bạn Nguyễn Trần Hỗ lúc ấy đang công tác tại Cục Tình báo, Bộ Tư lệnh, tạm đóng ở vùng tự do Hà Nam để nhờ giúp: "Mày cố giúp tao một việc quan trọng, đưa được em Thọ an toàn về với tao. Công mày, tao và Thọ suốt đời không quên đâu...".
Ông Hỗ kể lại chuyện mình đã đi bộ từ Hồng Phúc, Phủ Lý về đến Hải Hậu. Tìm nhà bà Huyền ở Hải Hậu không khó, vì dân ở đây ai cũng biết tiếng và ít nhiều chịu ơn gia đình này. Nhà bà ở cũng là ngôi nhà cao to nhất làng.
Gặp bà Huyền, ông Hỗ nói mình là bộ đội Tây Tiến, lỡ bước nhập quân, xin tạm dừng chân tá túc. Rồi ông lén trao lá thư bạn gửi cho cô Thọ. Sau khi đọc thư của Tạ Đình Đề, Thọ dứt áo rời khỏi gia đình, đi bộ theo Hỗ một quãng đường rất dài để đến với Tạ Đình Đề.
Hảo hán và kiều nữ
Theo ông Hỗ, bà Huyền dù rất đau khổ nhưng đành lòng chấp nhận sự lựa chọn của con gái. "Ông Tạ Đình Đề hảo hán và lãng mạn. Chả thế mà một kiều nữ Hà Nội như Thọ đã tìm đến với ông. Cô ấy chấp nhận từ bỏ cuộc sống giàu sang, êm ấm để đối mặt với những ngày tháng chiến sự gian khổ, nguy hiểm bên cạnh ông" - ông Hỗ nhớ lại.
>> Kỳ tới: Khúc quân hành bi tráng
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận