Nữ y tá Thanh Liêm vẫn nhớ một thời Tây Tiến đầy bệnh tật nhưng hùng tráng - Ảnh: Quốc Việt
"Cái đói hồi hành quân Tây Tiến là chuyện thường ngày của chúng tôi. Đói gầy ốm xanh xao là bình thường, đói còn làm phù thũng cả người. Cả đoàn quân lên đường mà không hề có bộ phận hậu cần. Nhưng đó là sự thật của trung đoàn Tây Tiến được thành lập thời kỳ miền Bắc vừa chìm ngập trong nạn đói năm 1945" - cựu nữ y tá Tây Tiến Nguyễn Thị Thanh Liêm nhớ lại.
Cái đói và sốt rét
Tâm sự của bà Liêm cũng được nhiều đồng đội chia sẻ. Ông Nguyễn Hoàng Sâm, chiến sĩ lên đường ngay đợt đầu tiên đi Tây Bắc tháng 9-1945, cho biết đội võ trang đầu tiên này đông khoảng 160 người, nhưng không có bộ phận chuyên trách thực phẩm. Chủ yếu là chiến sĩ có gì ở nhà mang theo nấy. Người quàng ruột tượng vải, ống tre đựng gạo, người đeo vài cân khoai khô mà chỉ sau ít ngày hành quân đã cạn kiệt.
Miếng ăn của đoàn quân hầu hết dựa vào bản làng đồng bào dân tộc sống dọc đường hành quân. Nhưng bữa đói nhiều hơn bữa no, vì bản làng ở núi rừng thời ấy rất thưa thớt và đa phần nghèo khổ.
Cái cảm giác thèm thuồng bữa no ấy được thể hiện trong thơ Tây Tiến: "Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói/Mai Châu mùa em thơm nếp xôi". Bà Liêm nhớ lại: "Hồi ấy đói kinh khủng lắm. Quân y chúng tôi phải thường xuyên nhường cơm cho bệnh binh. Đợi chiến sĩ ăn xong, mình vét cơm cháy dính dưới đáy nồi để nấu lại thành cháo lỏng cho bác sĩ, y tá chia nhau húp".
Ngoài việc giúp bác sĩ quân y, đội nữ y tá Tây Tiến còn lo cả chuyện nấu ăn cho thương bệnh binh vì không có anh nuôi. Nấu xong, họ lại đút cho những người không còn tự ăn được. Bà Phương Lan, một nữ y tá thời ấy, cho biết: "Ngày đó chúng tôi còn quá trẻ, chưa được học mấy về y dược. Nhưng thấy anh em yếu đau, vết thương máu mủ, giòi bọ lúc nhúc thì chẳng còn biết sợ là gì. Bệnh binh mệt nặng, phải bón từng thìa cháo, ngày nào cũng có một hai đồng đội chết!".
Còn theo bà Liêm, "quân Pháp không giết các chiến sĩ nhiều bằng bệnh sốt rét - căn bệnh khủng khiếp của người lính Tây Tiến thời ấy. Có anh mới chiều còn tếu táo, chọc ghẹo nữ y tá chúng tôi, đến đêm đã lạnh cứng rồi!".
Bà Liêm là người hiểu rõ nhất vì sao Quang Dũng viết những câu thơ như: "Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc/Quân xanh màu lá dữ oai hùm". Quân xanh màu lá là do cái đói và sốt rét của người lính.
Là chiến sĩ theo cuộc hành quân Tây Tiến từ đầu đến cuối, ông Nguyễn Hoàng Sâm nhớ lại: "Nhiều anh em gốc Hà Nội bị sốt rét nặng, sắp mất vẫn tếu táo kể chuyện vui cho quên đói. Họ kể những món ăn Hà Nội mà mẹ nấu cho rồi ứa nước miếng ra thèm thuồng. Có anh ước ao chỉ được ăn no nê một bữa bún đậu hay cơm trắng chấm với muối vừng mẹ làm, rồi chết cũng được!".
Lễ tri ân nơi trạm xá quân y Châu Trang mà nhiều chiến sĩ Tây Tiến đã hi sinh - Ảnh: HOÀNG SÂM
Tiếng cồng quân y
Trong cuộc Tây Tiến, đồng đội hi sinh nhiều đến mức một sĩ quan tiểu đoàn phó của trung đoàn Tây Tiến là Như Trang đã sáng tác bài Tiếng cồng quân y đầy bi tráng để thương tiếc bạn bè mình.
Chuyện là, cứ mỗi khi có người lính nào chết thì bên quân y đánh lên một tiếng cồng báo hiệu. Trong lời bài hát có đoạn: "Cồng âm i từng đợt tiếng lầm lì tới tai người chiến sĩ đang ốm yếu xa nhà... Chàng chưa muốn chết, nước non chưa yên. Nhưng bệnh tình trầm trọng đã mang chàng đi...".
Nếu trong bài thơ Tây Tiến, Quang Dũng dùng lời lẽ rất bi hùng: "Rải rác biên cương mồ viễn xứ/Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh/Áo bào thay chiếu anh về đất/Sông Mã gầm lên khúc độc hành..." thì lời nhạc của Như Trang mộc mạc và rõ ràng hơn khi nói về cái chết của người lính Tây Tiến: "bệnh tình trầm trọng đã mang chàng đi".
Sau nhiều lần di chuyển, đội quân y Tây Tiến về đến Châu Trang, Hòa Bình. Nơi này có đồi mộ của 200 chiến sĩ Tây Tiến. Thương bệnh binh quá nhiều, phương tiện chữa trị, thuốc men lại thiếu thốn. Ngày nào cũng có chiến sĩ ra đi, thậm chí một ngày đến mấy người. Người nào chết sẽ được đưa ra đồi Châu Trang chôn cất, vì vậy mới có địa danh "Đồi mộ Châu Trang".
Bà Kiều Thanh Thôn, bạn y tá Tây Tiến chung với bà Liêm, kể có hôm đồng bào dân tộc đến cho đậu luộc, bà phải bước qua ba thi thể đồng đội để nhận. Nước mắt ứa ra mà miệng vẫn cố cười cảm ơn đồng bào. Ban đầu, đồng bào Mường ở đây cho chiếu an táng chiến sĩ. Nhưng rồi lính chết nhiều, chiếu ở bản nhỏ không thể đủ. Người ta phải chẻ tre, đan thành cáng khiêng đi chôn. Khi đến huyệt mộ, chiếc cáng tre này chính là tấm khăn choàng cho người lính về với đất.
Người đầu tiên hát bài Tiếng cồng quân y
Nhạc sĩ Như Trang đã hi sinh ngày 21-11-1948, tại làng Mu, thôn Ngọc Lâu (Hòa Bình) vì bị quân Pháp giết. Theo lời kể của ông Trần Kỳ - một cựu chiến binh Tây Tiến, thì ông là người đầu tiên được Như Trang chia sẻ bài hát này sau khi sáng tác xong.
"Tôi là người được hát đầu tiên cùng với anh Như Trang ca khúc ấy. Tôi nhớ tiếng hát của mình đã hòa cùng tiếng đàn của anh trong ánh lửa bập bùng giữa núi rừng thanh vắng. Chúng tôi hát với linh hồn của hàng trăm chiến sĩ chết vì sốt rét, cùng tiếng cồng của người trưởng bản mỗi khi đem chôn anh em đã mất trong manh chiếu, tạo nên cảm giác ớn lạnh trong tâm hồn.
Khi tôi hát đến đoạn hai: "...người chưa muốn chết, nước non chưa yên, nhưng mảnh rừng ác độc đã đưa người xuống nơi tuyền đài..." thì tiếng đàn bỗng tắt lịm và tôi thấy anh rơm rớm nước mắt. Rồi cả hai chúng tôi cùng ôm nhau khóc! Chúng tôi không hát thêm được nữa".
Nhạc sĩ Như Trang
Lời ca khúc Tiếng cồng quân y
Anh nghe thấy những hồi cồng rền rĩ/ Tiếng cồng khua lừng nơi quân y/ Cồng rung tiếng lá run run/ Tiếng cồng vang núi đá âm u rền xa/ Cồng âm i âm i âm i/ Từng đợt tiếng lầm lì/ Tới tai người chiến sĩ ốm đau xa nhà/ Lòng chàng run lên/ Cồng tiễn một đồng chí qua đời tới nơi ngàn thu/ Chàng chưa muốn chết, nước non chưa yên/ Nhưng bệnh tình trầm trọng đã mang chàng đi/ Mà chí trai không sờn/ Mà chí trai còn say máu xâm lăng/ Anh nghe thấy những hồi cồng rền rĩ/ Tiếng thở dài của người chiến sĩ tiếc hiên ngang!
Kỳ tới: "Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm"
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận