31/10/2018 12:21 GMT+7

70 năm lực lượng mũ nồi xanh Liên Hiệp Quốc - kỳ 4: Vai trò tướng Opande ở Liberia

TRẦN NGỌC LONG
TRẦN NGỌC LONG

TTO - Trong 70 năm hoạt động (1948-2018), lực lượng mũ nồi xanh LHQ đã góp phần vãn hồi hòa bình ở nhiều nước. Trong các chiến dịch gặt hái thành công, chiến dịch ở Liberia thường được nhắc đến với vai trò của trung tướng Daniel Ishmael Opande.

70 năm lực lượng mũ nồi xanh Liên Hiệp Quốc - kỳ 4: Vai trò tướng Opande ở Liberia - Ảnh 1.

Phụ nữ Liberia kêu gọi hòa bình - Ảnh: lokashakti.org

Thay vì ngồi trong văn phòng ở thủ đô Monrovia và hi vọng họ đến đàm phán, tôi đích thân đến gặp họ trong công sự.

Trung tướng

Liberia bên bờ vực hỗn loạn

munoixanh

Tướng Daniel Opande - Ảnh: LHQ

Tháng 10-2003, Phái bộ LHQ được triển khai đến Liberia (UNMIL) theo nghị quyết 1509 của Hội đồng Bảo an LHQ. Tình hình Liberia lúc bấy giờ như lò lửa. Nội chiến lần thứ hai bùng nổ từ năm 1999.

Hai nhóm phiến quân "Những người Liberia đoàn kết vì tái thiết và dân chủ" (LURD) và "Phong trào vì dân chủ ở Liberia" hợp sức tấn công chính phủ.

Đến tháng 6-2003, tổng thống Charles Taylor chỉ còn kiểm soát 1/3 lãnh thổ. Thủ đô Monrovia bị vây hãm. Sau khi quân các nước Tây Phi can thiệp, hiệp định hòa bình toàn diện mới được ký kết vào tháng 8-2003. Charles Taylor từ chức.

Lực lượng LHQ tại Liberia do trung tướng Daniel Ishmael Opande (năm nay 75 tuổi) người Kenya chỉ huy.

Nhớ lại thời kỳ đó, ông kể: "Tôi từ Sierra Leone đến Liberia ngày 1-10-2003. Ở Liberia không có gì hoạt động. Chính phủ sụp đổ. Không có bộ máy an ninh hiệu quả, toàn đất nước rơi vào hỗn loạn. Người dân lang thang tìm nơi trú ẩn an toàn hoặc tìm cái ăn".

Thách thức lớn nhất là làm sao để máy bay hạ cánh an toàn xuống Monrovia. Thành phố đã bị quân nổi dậy vây hãm. Họ kích động, giết chóc, hãm hiếp, cướp bóc và quyết gây hỗn loạn để lực lượng mũ nồi xanh LHQ phải rút lui.

Do lúc đầu thiếu quân nên tướng Opande chỉ bảo vệ các khu vực then chốt ở Monrovia.

Nhân viên thông tin công cộng LHQ Patrick Coker nhớ lại: "Liberia lúc đó không điện, không nước. Quân nổi dậy cầm súng đi nghễu nghện ngoài đường. Người di tản rơi vào tuyệt vọng, đói khát, lo lắng. Chúng tôi như đứng bên bờ vực".

UNMIL cùng chính phủ quá độ Liberia dự định bắt đầu chiến dịch giải giới vào tháng 12-2003 nhưng thất bại do chuẩn bị kế hoạch chưa kỹ, không đủ quân giám sát chiến dịch.

Muốn "nắn gân" lực lượng mũ nồi xanh LHQ, vào lễ Giáng sinh năm 2003, các tay súng LURD đã ngăn cản UNMIL triển khai quân ở Tubmanburg (cách Monrovia hơn 100km).

Hai ngày sau, sau khi tăng cường pháo binh và củng cố lực lượng, tướng Opande chỉ thị triển khai trở lại. Lần này quân nổi dậy đầu hàng bằng cách nhảy múa và phóng hỏa chốt kiểm soát.

Tướng tự phong Oforie Diah - tham mưu phó LURD - tuyên bố: "Nhân dân đã chán ngấy chiến tranh. Chúng tôi cũng thế thôi!".

Thương lượng trong vòng vây súng đạn

Ông Patrick Coker kể: "Xử sự đối với những người đã từng tham gia quân nổi dậy sống trong bưng biền hơn chục năm đúng là đau đầu".

Bất kỳ trục trặc nào như chậm trả tiền bồi thường giải giới, họ đều phản ứng rùm beng rồi dọa sẽ nổ súng. Trong những trường hợp như thế, lực lượng mũ nồi xanh LHQ và chính quyền địa phương thường nhờ vả các chị em Liberia giúp bọn "nóng đầu" hạ hỏa.

Trả lời câu hỏi vì sao ông có thể lôi kéo các thủ lĩnh nổi dậy chấp nhận hòa bình, tướng Opande bộc bạch: "Tôi làm giống như ở Sierra Leone: tiếp cận các phe phái và tập trung vào người cầm đầu.

Thay vì ngồi trong văn phòng ở thủ đô Monrovia và hi vọng họ đến đàm phán, tôi đích thân đến gặp họ trong công sự ở Ganta, Gbarnga, Buchanan… Tôi nghĩ họ hiểu điều tôi chờ đợi nơi họ về tái lập hòa bình và an ninh".

Một ngày nọ, quân nổi dậy chốt chặn con đường giữa Monrovia và Buchanan ở miền nam. Tướng Opande đã đề nghị người chỉ huy quân nổi dậy thông đường nhưng không thành. Toán nổi dậy này từng sát hại dân thường nên hành động rất khó lường.

Một tuần sau, tướng Opande bèn đích thân đến gặp người chỉ huy để thuyết phục. Các tay súng gầm ghè bao vây ông và các binh sĩ mũ nồi xanh. Tưởng đã có nổ súng nhưng cuối cùng đường cũng thông.

Tướng Opande giải thích: "Đôi lúc người chỉ huy phải làm gương. Đó là thông điệp tôi muốn gửi đến phiến quân".

Ông khẳng định tình hình mất an ninh, hàng ngàn người đã bị sát hại trong chiến tranh nhưng ông không liều lĩnh vô ích vì nhiệm vụ của ông là làm tròn sứ mệnh gìn giữ hòa bình. Ông cho rằng các phụ nữ Liberia đã góp phần vào công việc vãn hồi hòa bình thành công.

Ông kể: "Tôi đã nhìn thấy hằng ngày hàng ngàn phụ nữ ngồi trong cánh đồng gần sân bay Spriggs Payne ở Monrovia để cầu nguyện và trao đổi với nhau về hòa bình bền vững. Họ đã đối đầu và thuyết phục tổng thống Charles Taylor tạo cơ hội cho hòa bình. Họ đã đi đến Ghana để khuyên thủ lĩnh các phe phái nổi dậy ký thỏa thuận ngừng bắn".

Trước khi đến Liberia, tướng Opande chỉ huy lực lượng mũ nồi xanh LHQ tại Sierra Leone từ năm 2000, làm trưởng đoàn quan sát viên quân sự tại Liberia năm 1993-1995 và chỉ huy phó lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ tại Namibia năm 1989-1990.

Tại Kenya, ông đã kinh qua chức vụ phó tham mưu trưởng quân đội. Ông kết thúc nhiệm vụ ở Liberia ngày 12-1-2005. Nhiều gia đình tại Liberia đã lấy tên ông đặt tên cho con mình.

Hoàn thành sứ mệnh tại Liberia

Sau giai đoạn giải giới, giải ngũ, tái hòa nhập và bảo đảm bầu cử trong hòa bình cho đất nước này, lực lượng mũ nồi xanh LHQ tại Liberia chuyển sang làm nhiệm vụ tái lập an ninh, xây dựng quân đội và cảnh sát mới, xây dựng bộ máy chính quyền, hỗ trợ kỹ thuật và hậu cần cho các cơ quan bộ.

Từ tháng 6-2016, UNMIL đã chuyển giao nhiệm vụ bảo đảm an ninh lại cho Liberia.

Sau 15 năm hoạt động tại Liberia, UNMIL đã hoàn thành sứ mệnh vào tháng 3-2018 với 202 binh sĩ mũ nồi xanh thiệt mạng. Đây là chiến dịch gìn giữ hòa bình thứ 57 của LHQ triển khai thành công.

Vào lúc cao điểm, quân số UNMIL lên đến 15.000 binh sĩ và hơn 1.000 cảnh sát. UNMIL đã góp phần giải giới hơn 100.000 tay súng, thu hồi khoảng 21.000 vũ khí các loại, hồi hương gần 1 triệu người tản cư và người tị nạn, bảo đảm ba cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội diễn ra trong hòa bình.

Nữ tướng quân chỉ huy phái bộ LHQ

munoixanh1

Nữ thiếu tướng Kristin Lund - Ảnh: Twitter

Ngày 13-5-2014, lần đầu tiên trong lịch sử lực lượng mũ nồi xanh LHQ, tổng thư ký LHQ Ban Ki Moon thông báo chỉ định thiếu tướng Kristin Lund 56 tuổi, người Na Uy, chỉ huy phái bộ gìn giữ hòa bình của LHQ tại Cyprus. Bà Kristin Lund đã trải qua 34 năm trong quân đội Na Uy và lực lượng LHQ.

Từ năm 2007-2009, bà giữ chức phó tư lệnh bộ binh và tham mưu trưởng vệ binh quốc gia Na Uy. Bà đã từng phục vụ trong lực lượng mũ nồi xanh LHQ ở Lebanon và Nam Tư cũ.

Kỳ tới: Thất bại, tai tiếng và cải tổ

TRẦN NGỌC LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp