Lính mũ nồi xanh LHQ hành quân ở Trung Phi - Ảnh: LHQ
Không có lực lượng LHQ, Cộng hòa Trung Phi sẽ không đứng vững. Chính phủ chỉ kiểm soát được thủ đô Bangui.
Đức Hồng y DIEUDONNÉ NZAPALAINGA ở Bangui
Trưa 5-8-2017, các tay súng Hồi giáo Seleka tấn công lực lượng dân quân tự vệ (theo Công giáo) hòng kiểm soát thành phố Gambo (Cộng hòa Trung Phi).
Nhân viên Chữ thập đỏ Jonas Ngobo 54 tuổi nhớ lại: "Người dân chạy vào bệnh viện vì cứ ngỡ đây là nơi lánh nạn an toàn. Bọn Seleka tràn tới. Chúng dùng dao mác cắt cổ các nạn nhân và vào từng phòng đập phá. Đến 4 giờ chiều chúng mới rút. Trong thành phố la liệt người chết và người bị thương".
Gần nửa đêm, ông Jonas Ngobo đã giúp những người bị thương chạy về Bangassou cách đó 75km lánh nạn. Tháng trước đó, lực lượng dân quân tự vệ đã tấn công và kiểm soát Bangassou. Sáu binh sĩ mũ nồi xanh Liên Hiệp Quốc (LHQ) bị sát hại.
Xung đột sắc tộc và tôn giáo
Trong 14 chiến dịch gìn giữ hòa bình của LHQ, ngoài 7 chiến dịch ở Trung Đông, Cyprus, Kosovo, Haiti, Ấn Độ và Pakistan, 7 chiến dịch còn lại được triển khai ở , tại 5 quốc gia nằm trong danh sách các nước nguy hiểm nhất thế giới theo bảng xếp hạng Chỉ số hòa bình toàn cầu 2018 công bố vào tháng 6-2018.
Đó là Nam Sudan, Sudan (2 chiến dịch), Mali, Cộng hòa Trung Phi, CHDC Congo và vùng tranh chấp Tây Sahara.
Xét về quân số, Trung Phi, CHDC Congo, Nam Sudan và Mali là 4 quốc gia có lực lượng mũ nồi xanh nhiều hơn hết. Trung Phi đã trải qua ba cuộc nội chiến gần đến mức diệt chủng.
Tháng 12-2012, xung đột sắc tộc và tôn giáo bùng nổ trở lại. Bọn Seleka thẳng tay sát hại dân thường không theo Hồi giáo.
Đầu tiên Hội đồng Bảo an LHQ quyết định triển khai Phái bộ quốc tế hỗ trợ Cộng hòa Trung Phi do châu Phi chỉ huy (MISCA) với thành phần hạt nhân là các binh sĩ Pháp.
Đến ngày 10-4-2014, Phái bộ ổn định phối hợp đa diện của LHQ tại Cộng hòa Trung Phi (MINUSCA) được triển khai thay thế MISCA với nhiệm vụ ưu tiên là bảo vệ dân thường.
Cho dù thỏa thuận chấm dứt thù địch đã được ký kết vào tháng 7-2014, Trung Phi đang bị phân chia thành nhiều vùng cát cứ. Nội chiến tàn phá đất nước khiến hàng triệu người chịu cảnh đói kém, hàng triệu người khác phải tản cư.
Hiện thời MINUSCA duy trì quân số tại Trung Phi với 14.588 người gồm 11.171 binh sĩ, 2.053 cảnh sát và 1.364 nhân viên dân sự.
Tại CHDC Congo giáp giới với Trung Phi, lực lượng mũ nồi xanh lên đến 19.074 người, gồm 14.419 binh sĩ, 1.358 cảnh sát và 3.297 nhân viên dân sự. Bất ổn liên tục xảy ra với nội chiến, xung đột sắc tộc, đảo chính có sự can thiệp của quân đội nước ngoài.
Tháng 7-1999, CHDC Congo ký kết thỏa thuận ngừng bắn với 5 nước khu vực. Bốn tháng sau, Hội đồng Bảo an LHQ thành lập Phái bộ LHQ ở CHDC Congo (MONUC) nhằm giám sát ngừng bắn và rút quân.
Đến đầu tháng 7-2010, Phái bộ LHQ về ổn định CHDC Congo (MONUSCO) thay thế MONUC. Nhiệm vụ mới của MONUSCO là bảo vệ thường dân đồng thời giúp chính phủ ổn định và củng cố hòa bình.
Dù vậy, tương tự Trung Phi, xung đột, khủng hoảng nhân đạo và vi phạm nhân quyền (đặc biệt là bạo lực tình dục và phân biệt nam nữ) vẫn tiếp diễn.
Tháng 2-2013, 11 nước ký kết Thỏa thuận khung về hòa bình, an ninh và hợp tác về CHDC Congo và khu vực.
Trong tình hình mới, Hội đồng Bảo an LHQ đã thành lập lữ đoàn can thiệp gồm ba tiểu đoàn bộ binh, một đại đội pháo binh, một đơn vị đặc nhiệm và một đại đội trinh sát do tư lệnh MONUSCO trực tiếp chỉ huy.
Lữ đoàn có thể đơn phương hành quân hoặc phối hợp với quân đội chính phủ trấn áp các nhóm vũ trang.
Đơn vị người Tanzania thuộc lữ đoàn can thiệp LHQ tại CHDC Congo - Ảnh: MONUSCO
Ở những nơi chưa có hòa bình
Quân số lực lượng mũ nồi xanh tại Nam Sudan được duy trì tương đương ở CHDC Congo với 19.025 người, gồm 2.646 nhân viên dân sự, 1.807 cảnh sát và 14.572 binh sĩ, trong đó có 4.000 quân làm nhiệm vụ bảo vệ khu vực.
Sau khi miền nam Sudan tuyên bố độc lập vào ngày 9-7-2011, ông Salva Kiir xuất thân từ dân tộc Dinka lên làm tổng thống, còn phó tổng thống Riek Machar là người dân tộc Nuer.
Hai ông đã từng lãnh đạo phe nổi dậy trong nội chiến giữa miền nam và miền bắc Sudan, song chỉ sống chung hòa bình được hơn hai năm. Tổng thống tố phó tổng thống âm mưu đảo chính, thế là nội chiến bùng nổ vào cuối năm 2013.
Sau thỏa thuận hòa bình năm 2015 rồi nhiều lần ngừng bắn nhưng rồi súng vẫn nổ. Đến ngày 12-9-2018, tổng thống và phó tổng thống Nam Sudan tiếp tục ký thỏa thuận hòa bình mới, thế nhưng dư luận tỏ thái độ hoài nghi.
Trưởng Phái bộ LHQ tại Nam Sudan David Shearer phát biểu khá dè dặt: "Với việc ký kết thỏa thuận mới này, chúng ta phải thừa nhận đây chỉ là bước đi đầu tiên trên con đường hòa bình song vẫn là nền tảng cho các bước tiếp theo".
Các binh sĩ nổi dậy ủng hộ phó tổng thống Riek Machar ở Nam Sudan - Ảnh: AP
Một ngày trước khi Nam Sudan tuyên bố độc lập, Hội đồng Bảo an LHQ đã thông qua nghị quyết 1996 nhận định Nam Sudan sẽ tiếp tục là mối đe dọa cho hòa bình và an ninh khu vực nên quyết định thành lập Phái bộ LHQ tại Nam Sudan (UNMISS).
Nhận định trên quả đúng. Từ tháng 12-2013 đến tháng 4-2018 đã có 383.000 người thiệt mạng do chiến sự, bệnh tật và đói kém. Dân số Nam Sudan 12 triệu người nhưng đã có 4 triệu dân tản cư và 7 triệu dân bị nạn đói đe dọa. Cảnh cướp bóc, hiếp dâm, thảm sát xảy ra như cơm bữa.
Tại Mali, Phái bộ hỗn hợp LHQ về ổn định Mali (MINUSMA) được thành lập ngày 25-4-2013 và duy trì quân số đến 15.514 quân (12.225 binh sĩ, 1.728 cảnh sát và 1.561 nhân viên dân sự). Địa bàn Mali hết sức nguy hiểm.
Đến cuối tháng 6-2018, lực lượng mũ nồi xanh Mali giữ kỷ lục cao nhất với 146 người chết. Thỏa thuận hòa bình với các nhóm nổi dậy được ký kết cách đây 4 năm nhưng an ninh ngày càng tệ hại. Các nhóm vũ trang vẫn chưa được giải giới.
Còn tại Sudan, LHQ đã triển khai hai lực lượng mũ nồi xanh đến Darfur và vùng tranh chấp Abyei. Phái bộ phối hợp Liên minh châu Phi và LHQ tại Darfur (UNAMID) hoạt động từ cuối tháng 7-2007 nhằm chấm dứt xung đột giữa các nhóm nổi dậy với quân đội.
Lực lượng này gồm 13.980 người với 8.802 binh sĩ, 2.439 cảnh sát và 2.739 nhân viên dân sự.
Hỗ trợ tổ chức trưng cầu ý dân
Tại Tây Sahara, ngày 29-4-1991 LHQ đã triển khai Phái bộ LHQ về tổ chức trưng cầu ý dân ở Tây Sahara (MINURSO). MINURSO gồm 467 người, chủ yếu là các chuyên gia và nhân viên dân sự, chỉ có 27 binh sĩ và 1 cảnh sát.
Lực lượng này chủ yếu làm nhiệm vụ chuẩn bị cho tương lai của vùng đất tranh chấp Tây Sahara (độc lập hoặc sáp nhập vào Morocco).
**********************
Kỳ tới: Vai trò của tướng Daniel Ishmael Opande
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận