Các quan sát viên Thụy Điển thuộc Lực lượng khẩn cấp của LHQ (UNEF) tại El Arish (Ai Cập) ngày 1-3-1957 - Ảnh: LHQ
Đơn vị mũ nồi xanh Tanzania thuộc Phái bộ Liên Hiệp Quốc (LHQ) về ổn định CHDC Congo (MONUSCO) đóng quân giữa rừng cạnh cây cầu bắc ngang sông Semuliki (thành phố Beni) giáp biên giới Uganda.
Từ năm 2014, họ đã phối hợp với quân đội chính phủ truy quét nhóm Hồi giáo vũ trang Các lực lượng dân chủ liên minh (ADF).
5h40 chiều 7-12-2017, hàng trăm tay súng ADF từ Uganda bất ngờ vượt sông ồ ạt tấn công. Đơn vị mũ nồi xanh Tanzania bị tổn thất nặng nề với 15 người chết, 43 người bị thương và 1 người mất tích, tức 50% quân số chết hoặc bị thương.
Tổng thư ký LHQ António Guterres ngậm ngùi nhìn nhận vụ tấn công ở CHDC Congo đã gây tổn thất nặng nề nhất kể từ vụ tấn công ở Mogadishu (Somalia) hôm 5-6-1993 làm 24 binh sĩ mũ nồi xanh Pakistan thiệt mạng.
Vụ ám sát giữa đường phố
Đây không phải lần đầu lực lượng mũ nồi xanh LHQ bị tấn công. Ngoài CHDC Congo, họ cũng từng bị tấn công tại Sudan, Lebanon, Liberia...
Tháng 11-1947, Đại hội đồng LHQ thông qua nghị quyết 181 chấm dứt quyền ủy trị của Anh đối với vùng đất Palestine, phân chia Palestine thành một quốc gia Ả Rập và một quốc gia Do Thái, đồng thời đặt Jerusalem dưới quyền giám sát quốc tế. Dân Ả Rập Palestine và các nước Ả Rập bác bỏ nghị quyết này.
Ngày 14-5-1948, Anh chính thức rút khỏi Palestine và Nhà nước Israel tuyên bố thành lập. Hôm sau, nội chiến giữa người Palestine và dân Do Thái bùng nổ dẫn đến chiến tranh giữa các nước Ả Rập với Israel.
Để ngăn chặn bạo lực leo thang, ngày 29-5-1948 Hội đồng Bảo an LHQ thông qua nghị quyết 50 cho phép triển khai các quan sát viên quân sự giám sát ngừng bắn đến Palestine.
Tổ chức giám sát ngừng bắn của LHQ (UNTSO) được thành lập với quân số ban đầu gồm 70 binh sĩ và 50 nhân viên bảo vệ do nhà ngoại giao - bá tước Folke Bernadotte người Thụy Điển phụ trách. Chỉ ba tháng sau, ông đã bị bọn cực hữu Israel ám sát.
Sau khi đến địa bàn, ông đã vận động hai bên đạt được thỏa thuận ngừng bắn kéo dài bốn tuần. Sau hưu chiến, chiến sự lại tiếp diễn. Phía Israel tràn sang chiếm 25% lãnh thổ của người Palestine và sử dụng vũ lực đẩy đuổi 750.000 người Hồi giáo và Công giáo ra khỏi nhà.
Trong báo cáo gửi về LHQ, ông nhận xét: "Các nguyên tắc cơ bản đã bị xâm phạm vì các nạn nhân vô tội trong xung đột đã bị cản trở về nhà. Trong khi đó, dân di cư Do Thái cứ đổ xô vào Palestine".
Cho rằng nhà đàm phán Bernadotte chỉ bênh vực dân Ả Rập, nhóm phục quốc Do Thái cực đoan Lehi (Các chiến binh vì tự do Israel) công khai tuyên bố sẽ ám sát ông.
Ngày 17-9-1948, ba tên mặc quân phục Israel cầm súng tiểu liên tiến lại lạnh lùng nã đạn vào xe Bernadotte bắn chết ông và đại tá André Sérot, trưởng đoàn quan sát viên LHQ tại Jerusalem.
Lúc bấy giờ các quan sát viên quân sự không mang súng. Bản thân ông Bernadotte cũng đã nhiều lần từ chối mặc áo chống đạn.
Nhà đàm phán Folke Bernadotte và phu nhân vào tháng 5-1948 - bốn tháng trước khi ông bị ám sát - Ảnh: Keystone
Từ nhiệm vụ quân sự chuyển sang đa chiều
Ban đầu lực lượng mũ nồi xanh LHQ gồm các quan sát viên quân sự không vũ trang và các binh sĩ trang bị vũ
khí hạng nhẹ. Quân số ít, chủ yếu là nam giới. Nhiệm vụ của họ là bảo đảm tôn trọng thỏa thuận ngừng bắn, ổn định địa bàn, giám sát tình hình rồi báo cáo về LHQ.
Lực lượng đầu tiên được trang bị vũ khí là Lực lượng khẩn cấp của LHQ (UNEF) triển khai năm 1956 trên bán đảo Sinai nhằm chấm dứt vụ khủng hoảng kênh đào Suez (liên quân Anh - Pháp - Israel đánh Ai Cập sau khi Ai Cập quốc hữu hóa kênh đào).
Bốn năm sau, LHQ triển khai lực lượng quy mô lớn đầu tiên tại Congo (nay là CHDC Congo) mang tên gọi Chiến dịch của LHQ tại Congo (ONUC) với gần 20.000 binh sĩ và nhân viên dân sự nhằm giúp Congo khỏi rơi vào cảnh nồi da xáo thịt.
Khi chiến dịch kết thúc tháng 6-1964, 250 nhân viên ONUC thiệt mạng, trong đó có tổng thư ký LHQ Dag Hammarskjöld. Theo báo cáo chính thức, máy bay chở ông và 15 người khác bị trục trặc rơi xuống rừng rậm Zambia vào tháng 9-1961.
Hơn nửa thế kỷ sau, tháng 2-2017 vụ này được điều tra lại. Theo tài liệu rò rỉ, máy bay này đã bị một máy bay chưa nhận diện bắn rơi.
Trong thập niên 1960 và 1970, LHQ đã triển khai nhiều chiến dịch gìn giữ hòa bình ngắn ngày đến Cộng hòa Dominican, Tây New Guinea, Yemen và bắt đầu triển khai dài hạn đến Cyprus và Trung Đông.
Chiến tranh lạnh kết thúc, số lượng chiến dịch tăng nhanh do bối cảnh chiến lược đã thay đổi. Bản chất các vụ xung đột cũng thay đổi. Trước kia là xung đột giữa các quốc gia, còn nay là xung đột trong các nước.
Trong giai đoạn 1989-1994, 20 chiến dịch mới được triển khai. Quân số mũ nồi xanh từ 11.000 quân tăng lên đến 75.000 quân.
Từ nhiệm vụ thuần túy quân sự, họ chuyển sang thực hiện các nhiệm vụ đa chiều như giúp Angola, Mozambique, Namibia, Salvador, Guatemala và Campuchia thực thi hiệp định hòa bình, ổn định an ninh, tổ chức lại quân đội và cảnh sát, hỗ trợ bầu cử và thiết lập các định chế dân chủ.
Đến đầu thập niên 2000, lực lượng mũ nồi xanh thực hiện nhiệm vụ phức tạp hơn là bảo đảm vai trò quản trị vùng lãnh thổ Kosovo (Nam Tư cũ) và Đông Timor...
Doanh trại lính mũ nồi xanh LHQ tại Beni (CHDC Congo) bị tấn công tháng 12-2017 - Ảnh: LHQ
3.767 người đã hi sinh
Trong tháng 10-2018, 63 y bác sĩ của Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 của VN đã lên đường tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình tại Phái bộ Nam Sudan. Đây là lần tham gia lực lượng mũ nồi xanh của LHQ với số lượng binh sĩ lớn như vậy của VN.
Từ ngày thực thi chiến dịch gìn giữ hòa bình đầu tiên cách đây 70 năm, đến nay LHQ đã triển khai 71 chiến dịch với hơn 1 triệu người tham gia.
Năm nay, LHQ đã chọn chủ đề Ngày quốc tế gìn giữ hòa bình của LHQ 29-5-2018 là "70 năm phục vụ và hi sinh" để vinh danh những người đang cống hiến và 3.767 nhân viên gìn giữ hòa bình đã hi sinh dưới ngọn cờ của LHQ từ năm 1948, trong đó có 134 người thiệt mạng trong năm 2017.
Kỳ tới: Vãn hồi hòa bình Trung Đông
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận