30/09/2013 10:47 GMT+7

7 năm sau chuyến xe định mệnh

QUỐC VIỆT
QUỐC VIỆT

TT - “Suốt nhiều đêm tôi không thể ngủ được, mắt cứ chong chong nhìn đồng hồ. Vụ tai nạn như cuốn phim quay chậm, mở đi mở lại đêm này đến đêm khác. Tôi nhớ từng gương mặt, nụ cười, cử chỉ, lời nói anh em trên chuyến xe định mệnh!”. Bảy năm, bảy đám giỗ đã trôi qua, nhưng mắt ông Phạm Ngọc Lý vẫn nhòa nước khi nhắc kỷ niệm đau thương.

4JckhCnS.jpgPhóng to
Ông Phạm Ngọc Lý: “Cầu mong tai nạn giao thông đừng ập đến gia đình nào nữa” - Ảnh: Quốc Việt

Là người sống sót duy nhất trong vụ tai nạn kinh hoàng của chuyến xe UBND P.13, Q.Phú Nhuận (TP.HCM) trên đường đi cứu trợ bão lũ bảy năm trước, ông Lý - lúc đó là chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc P.13 - tâm sự: “Mỗi khi thấy đâu đó xảy ra tai nạn giao thông làm chết người, kỷ niệm tang tóc của chính chúng tôi lại ùa về. Cái chết trên đường mình nhiều quá, khủng khiếp quá! Người ta đang sống thế mà cứ đột ngột mất mạng oan uổng vì tai nạn. Ngày nào cũng xảy ra tai nạn tang tóc. Biết bao gia đình phải chịu khổ đau, thiệt hại theo người đã mất”.

Chuyến xe nghĩa tình

"Ngày nào cũng xảy ra tai nạn tang tóc. Biết bao gia đình phải chịu khổ đau, thiệt hại theo người đã mất"

Ông Phạm Ngọc Lý

Hôm tôi ghé thăm ông Phạm Ngọc Lý cũng là lúc ông chuẩn bị giỗ 12 đồng nghiệp, bạn bè tử nạn. Đó là ngày 22-8 âm lịch, tức thứ sáu ngày 13-10-2006. Năm ấy bão hoành hành triền miên. Đầu tháng 10, bão Xangsane (bão số 6) ập vào miền Trung gây thương vong, mất tích nhiều người. Anh em ở UBND P.13 nghe tin bão về mà lòng như lửa đốt.

Xót lòng trước mất mát của đồng bào miền Trung, UBND P.13 tổ chức chuyến đi Đà Nẵng cứu trợ. 12 cán bộ, nhân viên phường gồm chủ tịch UBND phường Trần Đình Liêm, trưởng khối dân vận Trương Quang Bửu, chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Nguyễn Thị Tư, cán bộ địa chính, trật tự đô thị, dân quân... sau khi vận động được tiền và quà của bà con góp đã hăng hái lên đường. “Chúng tôi tổ chức rất cẩn thận. Chiếc xe 16 chỗ thuê bên ngoài, tài xế là người thường xuyên cầm lái tuyến miền Trung” - ông Lý kể. Chiều thứ năm 12-10-2006, anh em tập trung tại trụ sở UBND phường, chia tay vợ con, hẹn ngày về. Ông Trần Đình Liêm nhắn nhủ vợ nhớ chở con đi học cẩn thận. Nhân viên văn thư Hoàng Cao Vân còn kịp về tắm cho con.

20g cùng ngày, xe khởi hành. Ngoài chiếc xe 16 chỗ chở đoàn còn có thêm một xe của doanh nghiệp Ngụy Thị Phương Thảo tham gia. Ông Lý không thể quên những tâm sự dọc đường của mọi người về việc năm này dân mình chịu nhiều khổ sở vì bão lũ, mới tang tóc với bão Chanchu, lại thêm kiệt quệ với Xangsane. Họ dặn dò sau chuyến này sẽ tiếp tục thêm các chuyến cứu trợ nữa.

Khoảng 2g sáng thứ sáu ngày 13-10, xe vào địa phận Khánh Hòa. Trên xe có 13 người, gồm 12 thành viên đoàn cứu trợ cùng tài xế. Ông Lý đang thức ngồi ghế phía phải người cầm lái, anh em đằng sau đã thiu thiu ngủ. Khoảng 2g40, xe vào dốc gần thôn Vĩnh Cát, xã Suối Hiệp, huyện Diên Khánh. Ngược chiều, nhiều xe tải, xe khách cũng đang hối hả xuôi Nam. Vào một khúc cua trên quốc lộ 1, ông Lý nhìn ngược chiều có đèn xe lớn đang xuống. Ông nhắc người cầm lái: “Có xe lớn đấy”. Tài xế cười: “Anh yên tâm, em thấy rồi”. Rõ ràng trước mắt ông Lý hai xe cũng “đá đèn” báo hiệu nhau. Thế mà tích tắc... Rầm... Kể đến đây, ông Lý nghẹn giọng: “Khi thấy đèn ngược chiều sát đầu xe mình, tôi chỉ kịp la trời ơi rồi phản xạ giơ tay che đầu. Xe 16 chỗ đụng trực diện với xe khách 45 chỗ ở góc xéo tài xế. Cả chiếc xe nhỏ như thùng tôn mỏng rúm nát, quay tròn, phần sắt trên mui xe bị cuốn lại phạt ngược ra phía sau, cướp đi sinh mạng của tất cả người phía dưới. Tùy mức hạ ghế ngồi của anh em, người bị phạt vào đầu, người trúng thân!”.

Ông Lý không hiểu sự kỳ diệu hay do ông may mắn ngồi góc phải phía trước không bị mũi xe khách đâm trúng nên thoát chết trong đường tơ kẽ tóc. Sau tiếng rầm khủng khiếp, người ông đau xé nhưng vẫn tỉnh táo thấy tài xế bên mình gục xuống, máu loang đỏ. Cửa trái kẹt, ông đập cửa kính đã gần vỡ nát để trèo ra, rồi quỵ xuống khi thấy anh em không còn ai. Hình ảnh càng đau thương hơn với nhiều cơ thể không còn nguyên vẹn.

Những người ở lại

“Trong 49 ngày đầu sau tai nạn, tôi quay quắt lo chia sẻ hậu sự anh em nên chỉ buồn mà không kịp nghĩ ngợi gì. Tuy nhiên sau đó tôi rơi vào trầm cảm, ám ảnh nặng nề. Tôi phải gỡ bỏ lịch, úp mặt tất cả đồng hồ” - ông Lý bùi ngùi tâm sự cứ nhìn lịch, xem đồng hồ, tim mình lại đau thắt hình ảnh bi thương. Tất cả rõ mồn một, chính xác từng phút, từng cảnh như cuốn phim quay chậm. Ông Liêm nằm đây, Vân nằm đó, bà Tư, bà Phượng góc nọ...

Đêm đêm, ông không thể chợp mắt. Cứ nằm xuống, đầu ông lại hiện hình ảnh cũ. Chịu đựng không nổi, ông phải lên chùa tìm sư thầy giải tâm lý, rồi đi châm cứu trị liệu thần kinh. Ông còn tìm sự thanh thản bằng “giải pháp tâm lý” trở lại chính nơi xảy ra tai nạn ở Khánh Hòa để thắp hương cho bạn. Ông tìm gặp cả gia đình tài xế tử vong trong đoàn cứu trợ, rồi lên Đà Lạt tìm tài xế bị thương gãy chân trên xe khách. Chính việc thiện làm ông nguôi ngoai dần. Ông Lý kể ông vẫn lặng lẽ đi làm từ thiện như trước khi xảy ra tai nạn, nhiều chuyến đi vẫn ngang qua cung đường ngày nào. Những lần như vậy, trong lòng vẫn nghĩ rủi may, nhưng ông luôn nhắc nhở tài xế cẩn thận: Sau ghế lái là bao nhiêu số phận, bao nhiêu gia đình. Một người nằm xuống, nhiều người khổ đau theo.

Tôi tìm gặp ông Hoàng Văn Đông - cha của anh Hoàng Cao Vân, ông vẫn khóc suốt khi nhắc con đoản mệnh. Vân làm văn thư, vợ thợ may, hai con còn thơ nên rất khó khăn. Buổi chiều trước khi lên đường cứu trợ, Vân còn về tắm cho con và dặn dò vợ khi nào về sẽ đưa cô đi mổ căn bệnh phụ nữ. Bệnh phát hiện lâu rồi, nhưng vợ chồng chưa đủ tiền chạy chữa. Vậy mà Vân đã không thể về. Hai con ngày ấy mới lên 4 và 6 tuổi. Nhìn mặt cha lần cuối, bé lớn khóc ngất, còn bé nhỏ cứ bi bô “cha ngủ bao giờ dậy hả mẹ?”. Bé lớn đi học, viết bài văn nhớ cha. Cả lớp không cầm được nước mắt. Ông Đông, 68 tuổi, làm nghề khâu giày đầu chợ Trần Hữu Trang để nuôi cháu. Ông nghẹn giọng: “Hai cháu nhỏ quá, cha đi rồi, nhìn cháu khổ mà tôi nát ruột gan!”. Ông kể đầu năm học tiền này nọ làm ông lo quá. Giày ông khâu sửa chỉ được năm mười ngàn đồng, mà người sửa giày giờ cũng hiếm hoi. Nhiều bữa ông phải dối no rồi, nhường cơm cho cháu! Hôm nào được tí tiền, ông lại lọm cọm mua sữa cho cháu.

Bảy năm qua rồi, những thành viên chính của 12 gia đình đã đi rồi, những người ở lại đối mặt với nhiều khó khăn. Bà Phạm Thị Thanh Xuân, vợ ông Trần Đình Liêm, kể tối hôm ông đi chỉ để lại được cho vợ 130.000 đồng trong căn nhà chưa tới mươi mét vuông. Ông an ủi: Lương tháng này dành cứu trợ, gia đình xoay xở đợi tháng sau. Nhưng ông không còn lãnh lương tháng nào nữa. Bà Xuân vừa rồi lại bị tai nạn giao thông, cú ngã làm chấn thương não nội. Bà chịu đau, về nhà nằm. Rồi đầu nhức dữ dội, nửa người cứ yếu dần. Bà vào bệnh viện, bác sĩ bắt mổ khẩn cấp lấy máu bầm tụ. Trong nỗi đau, vừa rồi bà Xuân cũng có niềm vui đón cháu ngoại đầu lòng. Bà nói nếu hương hồn ông Liêm biết được chắc sẽ vui lắm, bởi ông là người rất thương vợ con.

Năm nào gia đình 12 nạn nhân cũng làm một đám giỗ chung. Trong lời khấn vái người đã khuất, ông Đông, ông Lý, bà Xuân... luôn cầu mong tai nạn giao thông đừng ập đến gia đình nào nữa, bởi chính bản thân người ở lại như họ cũng đắm theo tai nạn đau thương này rồi!

X0uCl5VF.jpgPhóng to
Trang báo Tuổi Trẻ ngày 14-10-2006 tường trình vụ tai nạn

Chiếc xe 16 chỗ đi cứu trợ của P.13, Q.Phú Nhuận bị tai nạn rạng sáng 13-10-2006. Duy nhất ông Phạm Ngọc Lý sống sót trong đoàn 13 người gồm cả tài xế. Đây là tai nạn giao thông thảm khốc nhất trên địa bàn Khánh Hòa tính đến thời điểm đó. Sau tai nạn, hàng cứu trợ vẫn tiếp tục được chuyển ra Đà Nẵng. Chính quyền các cấp ở TP.HCM và bà con P.13 đã tạo điều kiện hỗ trợ gia đình 12 nạn nhân. Gia đình ông Trần Đình Liêm gặp khó khăn được bà Ngụy Thị Phương Thảo tặng một căn nhà hơn 50m² ở Q.Gò Vấp. Ông Lý nay làm việc trong khối dân vận ở phường.

QUỐC VIỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp