27/03/2019 16:21 GMT+7

7 điều bạn nên tránh nếu thiếu hụt men G6PD

Nguồn: Viện Y học Ứng dụng Việt Nam
Nguồn: Viện Y học Ứng dụng Việt Nam

Thiếu hụt men G6PD là một dạng bệnh di truyền của thiếu máu huyết tán, một dạng thiếu máu thường xảy ra khi tế bào hồng cầu bị vỡ nhanh hơn so với bình thường.

7 điều bạn nên tránh nếu thiếu hụt men G6PD - Ảnh 1.

Đậu răng ngựa (còn gọi là đậu tằm) người thiếu hụt men G6PD không nên ăn. Ảnh: nutritionucanlivewith.com

   Bệnh thiếu men G6PD (Glucose-6-Phosphate Dehydrogenase) xảy ra do lượng men G6PD mà cơ thể sản xuất ra bị giảm xuống. G6PD là một loại men có tác dụng bảo vệ hồng cầu không bị tiêu diệt. Tuy nhiên, một điều may mắn là đa số những người bị thiếu hụt men G6PD đều không gặp phải khó khăn gì trong cuộc sống hàng ngày cả. Tuy nhiên, có một số loại thuốc hoặc thực phẩm có thể làm tăng nguy cơ tế bào hồng cầu bị phá hủy.

1. Kháng sinh

   Những người bị thiếu hụt men G6PD có thể dung nạp được đa số các loại kháng sinh nhưng nên thận trọng với một số loại kháng sinh chọn lọc có thể làm khởi phát quá trình vỡ hồng cầu và dẫn đến thiếu máu. Các loại kháng sinh thuộc nhóm sulfa là những loại kháng sinh nên tránh. Những loại kháng sinh này thường được dùng để điều trị tình trạng nhiễm trùng da hoặc nhiễm trùng đường tiết niệu (bàng quang). Dạng kháng sinh phổ biến nhất của nhóm sulfa có tên thương mại là Septra hoặc Bactrim (sulfamethoxazole-trimethoprim).

   Kháng sinh nhóm quinolone cũng nên tránh sử dụng. Hai loại kháng sinh phổ biến thuộc nhóm quinolone là Cipro (ciprofloxacin) và Levaquin (levofloxacin). Những loại kháng sinh này thường được sử dụng ở người trưởng thành để điều trị tình trạng viêm phổi và viêm đường tiết niệu. Các thuốc kháng sinh khác cũng thuộc nhóm này và cũng cần tránh sử dụng bao gồm nitrofurantoin và dapsone.

   Nhưng, cũng không cần quá lo lắng, bởi những người bị thiếu hụt men G6PD cũng có thể sử dụng được rất nhiều loại kháng sinh khác một cách an toàn. Bạn chỉ cần đảm bảo rằng bạn đã trao đổi với bác sĩ về tình trạng thiếu G6PD của mình và trao đổi về các loại kháng sinh có thể sử dụng.

2. Thuốc điều trị sốt rét

   Primaquine, một loại thuốc thường được dùng để điều trị sốt rét có thể gây ra tình trạng tan máu ở những người bị thiếu hụt men G6PD. Vì nguy cơ gặp phải biến chứng tan máu, nên khuyến cáo được đưa ra là trước khi sử dụng Primaquine để điều trị sốt rét, các bệnh nhân cần được xét nghiệm tình trạng thiếu G6PD, bao gồm cả các trẻ sơ sinh có mẹ sử dụng Primaquine. Tuy nhiên, tất cả những thuốc khác dùng để điều trị sốt rét đều có thể dung nạp được bởi những người thiếu men G6PD.

3. Các thuốc được dùng để điều trị ung thư

   Người bị bệnh thiếu hụt men G6PD cũng nên tránh sử dụng thuốc Rasburicase, một loại thuốc được dùng để điều trị hội chứng ly giải khối u - một biến chứng của tình trạng u lympho. Vì nguy cơ này, nên trước khi điều trị Rasburicase, tất cả người bệnh nên được xét nghiệm tình trạng thiếu men G6PD. Tương tự như vậy, doxorubicin, một loại hóa trị thường được sử dụng để điều trị rất nhiều loại ung thư, cũng có thể khiến các tế bào hồng cầu bị vỡ ở một số người mắc bệnh thiếu hụt men G6PD.

4. Aspirin

   Aspirin thường được sử dụng để giảm đau hoặc giảm viêm, cũng nên tránh sử dụng ở những người bị thiếu hụt men G6PD. Một số người bệnh sẽ cần phải sử dụng aspirin hàng ngày như một phần của quá trình điều trị. Khi không sử dụng asprin, bạn cũng cần ghi nhớ rằng, aspirin cũng thường có mặt trong rất nhiều các loại thuốc không cần kê đơn khác, ví dụ như Anacin, Bufferin, Ecotrin, Excedrin… Aspirin cũng có mặt trong thuốc Pepto - Bismol. Nhìn chung, ngoài aspirin các loại thuốc giảm đau không cần kê đơn khác như acetaminophen hoặc ibuprofen đều được dung nạp tốt bởi những người bị thiếu hụt men G6PD mà không gặp phải vấn đề gì.

5. Băng phiến

   Ngày nay, rất nhiều người sử dụng băng phiến. Băng phiến có thể chứa một chất hóa học có tên là naphthalene, có thể kích hoạt tình trạng tan máu ở những người bị thiếu hụt men G6PD. Naphthalene cũng có thể sẽ được tìm thấy trong các thuốc xông hơi khử mùi, đặc biệt là những loại thuốc có mùi dùng để xua đuổi rắn. Naphthalene thường ở dưới dạng hơi, phát ra từ những loại sản phẩm trên và có thể xâm nhập vào cơ thể bằng việc hít phải hoặc nuốt phải.

6. Henna

   Đã có một báo cáo được xuất bản ghi nhận một trường hợp sử dụng henna (henna loại mực dùng để tạo ra hình xăm tạm thời hoặc để nhuộm tóc) và gây ra tình trạng tan máu ở người bị thiếu hụt men G6PD. Trẻ nhỏ dưới 2 tháng tuổi thường sẽ dễ gặp phải phản ứng giữa henna và tình trạng thiếu hụt men G6PD hơn.

7. Đậu răng ngựa

   Bệnh thiếu hụt men G6PD còn được gọi là bệnh đậu tằm (favism), đặc biệt là với dạng bệnh thiếu G6PD nghiêm trọng. Nguyên nhân là vì việc tiêu thụ đậu răng ngựa có thể dẫn đến tình trạng tan máu ở những người bị thiếu hụt men G6PD. Một số còn gợi ý rằng, người bị thiếu hụt men G6PD nên tránh ăn cả các loại đậu khác (như đậu lăng, đậu tây), nhưng việc có cần tránh thực sự hay không thì còn chưa được chứng minh rõ ràng.

   Nếu bạn bị thiếu hụt men G6PD, thì điều đó không có nghĩa là bạn không thể sử dụng các loại thuốc. Bạn nên thận trọng và nên tránh sử dụng một số loại thuốc phổ biến. Trên đây chưa phải là toàn bộ danh sách những việc mà người bị thiếu men G6PD nên tránh. Cũng có rất nhiều loại thuốc khác có thể gây vỡ hồng cầu nếu sử dụng với liều cao. Một số loại thuốc lại chỉ gây ra vấn đề với một số dạng thiếu men G6PD nhất định. Do vậy, bạn cần đảm bảo rằng đã trao đổi về các loại thuốc mình mới sử dụng với bác sĩ để chắc chắn rằng những thuốc này không nằm trong danh sách các thuốc chống chỉ định cho người bị thiếu hụt men G6PD.


Nguồn: Viện Y học Ứng dụng Việt Nam
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp