28/12/2022 14:42 GMT+7

7 căn cứ viện kiểm sát luận tội bà Nhàn AIC để ‘trốn cũng không trốn được’

THÂN HOÀNG
THÂN HOÀNG

Tinh thần chỉ đạo của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng “có trốn cũng không trốn được” được cơ quan công tố dùng trong bản luận tội, để đánh giá về trách nhiệm của cựu chủ tịch AIC, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn đang bỏ trốn vẫn bị đưa ra xét xử.

7 căn cứ viện kiểm sát luận tội bà Nhàn AIC để ‘trốn cũng không trốn được’ - Ảnh 1.

Đại diện viện kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa AIC - Ảnh: GIANG LONG

Chiều nay (28-12), phiên tòa vụ án gian lận thầu của Công ty AIC tại dự án Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai bước sang ngày xét xử thứ bảy. Các luật sư và các bị cáo tiếp tục được bào chữa trước khi đại diện viện kiểm sát giữ quyền công tố tại tòa nêu quan điểm đối đáp.

Quá trình điều tra, truy tố và xét xử vụ án này diễn ra trong bối cảnh bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn cùng nhiều cựu lãnh đạo AIC, một số giám đốc công ty "quân xanh" bỏ trốn nên không thể lấy lời khai. Viện kiểm sát đưa ra những căn cứ, luận cứ nào để luận tội và đề nghị mức án với các bị cáo đang bị truy nã này?

Những lời khai quan trọng về Nguyễn Thị Thanh Nhàn

Trong phần luận tội, viện kiểm sát đề nghị mức án bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn 14-15 năm tù tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, 16-17 năm tù về tội đưa hối lộ, tổng hợp hình phạt bị đề nghị 30 năm tù.

Phó tổng giám đốc AIC Trần Mạnh Hà đang bỏ trốn cũng bị đề nghị 25-27 năm tù cho hai tội danh giống bà Nhàn.

Ông Trần Đình Thành - cựu bí thư tỉnh Đồng Nai - bị đề nghị 10-11 năm tù về tội nhận hối lộ. Cựu chủ tịch tỉnh Đinh Quốc Thái bị đề nghị 9-10 năm tù về cùng tội danh.

Mặc dù cựu chủ tịch AIC bỏ trốn trước khi bị khởi tố nhưng viện kiểm sát cho rằng các hành vi phạm tội của Nguyễn Thị Thanh Nhàn được chứng minh bằng các tài liệu, chứng cứ và lời khai phù hợp của các bị cáo khác.

Theo viện kiểm sát, lời khai của Hoàng Thế Quỳnh - trưởng nhóm kỹ thuật Công ty AIC, trong quá trình điều hành công ty, Nguyễn Thị Thanh Nhàn yêu cầu lãnh đạo và nhân viên phải thực hiện "quy trình 70 bước thực hiện dự án thiết bị không có xây dựng" của Công ty TCI - công ty con của Công ty AIC.

"Quy trình nêu trên có nội dung thực hiện thông thầu và gian lận trong đấu thầu, trái quy định của Luật đấu thầu. Việc thực hiện quy trình để liên hệ, thông đồng với chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn, thẩm định giá và các công ty "quân xanh" nhằm đảm bảo cho AIC dự thầu và trúng thầu", viện kiểm sát đánh giá.

7 căn cứ viện kiểm sát luận tội bà Nhàn AIC để ‘trốn cũng không trốn được’ - Ảnh 2.

Cựu bí thư Đồng Nai Trần Đình Thành (trái) và cựu chủ tịch tỉnh Đinh Quốc Thái tại phiên tòa - Ảnh: GIANG LONG

Ông Trần Đình Thành khai quen biết Nhàn từ năm 2003, khi đang là phó bí thư Tỉnh ủy, trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh.

Ông Thành thừa nhận rằng Nhàn giới thiệu về Công ty AIC kinh doanh trong lĩnh vực y tế, giáo dục, môi trường, công nghệ thông tin và mong muốn các địa phương tạo điều kiện để công ty tham gia thực hiện.

Qua tìm hiểu thông tin, ông Thành còn biết bà Nhàn có quan hệ rộng rãi, thân thiết với nhiều bộ, ngành, địa phương và "có khả năng hỗ trợ địa phương về vốn đầu tư cho các dự án".

Sau đó cựu bí thư Đồng Nai có một số buổi gặp gỡ, ăn uống tại nhà hàng cùng bà Nhàn và Hoàng Thị Thúy Nga (phó tổng giám đốc AIC). Tại đây, bà Nhàn nói muốn tham gia làm nhà thầu cung cấp thiết bị cho dự án bệnh viện, nhờ cựu bí thư nói với bệnh viện tạo điều kiện cho công ty tham gia thầu.

Ngay lúc đó, ông Thành đã gọi điện cho Phan Huy Anh Vũ (thời điểm đấy đang là giám đốc bệnh viện) yêu cầu Vũ tiếp và làm việc với Nhàn. Trong một bữa cơm sau đó tại nhà hàng Nhã Viên Quán, ông Thành và Nga cùng Vũ tiếp tục bàn về việc tạo điều kiện cho AIC tham gia thầu.

Những bữa cơm và cái bắt tay của cựu lãnh đạo tỉnh Đồng Nai và cựu lãnh đạo AIC được coi là cuộc "mở đường" cho Nguyễn Thị Thanh Nhàn tham gia thầu, thông thầu và gian lận thầu về sau.

Viện kiểm sát cáo buộc ông Trần Đình Thành đã sáu lần nhận tổng số tiền 14,5 tỉ đồng do Nguyễn Thị Thanh Nhàn trực tiếp đưa tại Hà Nội và Đồng Nai.

"Giới thiệu bà Nhàn và AIC có nhiều tiềm lực"

Cựu chủ tịch tỉnh Đinh Quốc Thái cũng khai được bí thư giới thiệu Nhàn và AIC có tiềm lực trong các dự án về y tế, môi trường, giáo dục, có quan hệ rộng ở trung ương và đang quan tâm nhiều đến dự án tại Đồng Nai nên "sau này cần tạo điều kiện giúp đỡ để thực hiện".

Trong quá trình thực hiện dự án Bệnh viện Đồng Nai, Công ty AIC đã tham gia và trúng thầu trang thiết bị y tế nên trong 10 năm (2009-2020), cựu chủ tịch tỉnh đã nhiều lần nhận "tiền cảm ơn từ Nhàn", với tổng số tiền 14,5 tỉ đồng.

Lời khai của ông Vũ cũng phù hợp với các lời khai khác về việc được bí thư tỉnh ủy giới thiệu Nhàn để giúp tham gia các gói thầu cung ứng thiết bị y tế tại Bệnh viện Đồng Nai.

7 căn cứ viện kiểm sát luận tội bà Nhàn AIC để ‘trốn cũng không trốn được’ - Ảnh 3.

Bà Nhàn cùng bảy người đang bỏ trốn vẫn bị truy tố đưa ra xét xử - Ảnh: Bộ CA

"Ông Thành - bí thư Tỉnh ủy gặp Vũ nhiều lần ở các cuộc họp và đều chỉ đạo việc tạo điều kiện cho Công ty AIC do là công ty lớn, là đơn vị hỗ trợ tỉnh trong việc xin vốn từ trung ương. Quá trình thực hiện các gói thầu của dự án, Phan Huy Anh Vũ đã tạo điều kiện để Công ty AIC trúng thầu trái pháp luật", bản luận tội nêu.

Bảy hành vi thao túng đấu thầu của bà Nhàn

Ngoài lời khai nhận của các bị cáo và nhân chứng, theo viện kiểm sát, quá trình điều tra vụ án đã tiến hành giám định và kết luận giám định chữ ký của Nguyễn Thị Thanh Nhàn trên các báo cáo tài chính từ năm 2010-2013.

Kết quả nhận dạng của cựu lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, kết quả thực nghiệm hiện trường những lần đưa hối lộ, viện kiểm sát cho rằng đủ cơ sở kết luận bà Nhàn thực hiện nhiều hành vi thao túng đấu thầu.

Thứ nhất, Nguyễn Thị Thanh Nhàn chỉ đạo lãnh đạo cùng các nhân viên thực hiện quy trình 70 bước với các "chiêu" thông thầu và gian lận trong đấu thầu nhằm thu lợi bất chính.

Thứ hai, thành lập Ban nội bộ để Nhàn chi tiền cho các lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, chủ đầu tư.

Thứ ba, tác động, chi tiền cho ông Trần Đình Thành 14,5 tỉ đồng, Đinh Quốc Thái 11,5 tỉ, đưa 1 tỉ đồng cho Bồ Ngọc Thu (cựu giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư). Bà Nhàn còn chỉ đạo Trần Mạnh Hà đưa 14,8 tỉ đồng cho Phan Huy Anh Vũ để nhóm cựu lãnh đạo Đồng Nai giúp AIC xuyên suốt quá trình tham gia thầu.

Thứ tư, giới thiệu và tác động Phan Huy Anh Vũ và Hoàng Thị Thúy Nga cấu kết, thông đồng cùng với đơn vị tư vấn đấu thầu, đơn vị thẩm định giá, giám sát thầu…

Thứ năm, thành lập và liên kết với các công ty quân xanh thực hiện các hành vi thông thầu để giúp AIC trúng 16 gói thầu với giá trang thiết bị đã được nâng khống từ 1,3 - 2 lần, thu lợi bất chính đặc biệt lớn.

Thứ sáu, chỉ đạo cấp dưới sửa đổi báo cáo tài chính để AIC được đủ điều kiện tham gia đấu thầu và gian lận thầu.

Thứ bảy, Nguyễn Thị Thanh Nhàn ký và chỉ đạo Trần Mạnh Hà ký các phụ lục hợp đồng điều chỉnh điều khoản phạt hợp đồng trái quy định. Hành vi của bà Nhàn cùng đồng phạm gây thiệt hại tài sản nhà nước hơn 152 tỉ đồng.

Theo viện kiểm sát, trong 36 người bị đưa ra xét xử có Nguyễn Thị Thanh Nhàn và bảy người đang bỏ trốn gây khó khăn trong quá trình giải quyết toàn diện của vụ án.

Cơ quan điều tra đã ra quyết định truy nã, kêu gọi các bị cáo ra đầu thú nhưng không có kết quả. Do đó, việc tòa án đưa các bị cáo đang bỏ trốn ra xét xử là kịp thời và cần thiết, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật "trốn cũng không trốn được".

Vụ AIC: Cựu bí thư Đồng Nai bị đề nghị 10-11 năm tù, cựu chủ tịch 9-10 năm tù Vụ AIC: Cựu bí thư Đồng Nai bị đề nghị 10-11 năm tù, cựu chủ tịch 9-10 năm tù

Viện kiểm sát đánh giá cựu bí thư Trần Đình Thành và cựu chủ tịch Đinh Quốc Thái thành khẩn khai báo, hối lỗi, tác động gia đình nộp toàn bộ số tiền nhận hối lộ từ Nguyễn Thị Thanh Nhàn nên được xem là các tình tiết giảm nhẹ khi lượng hình.

THÂN HOÀNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp