Phóng to |
TS. Đặng Thị Cẩm Thạch, Viện SR-KST-CT TƯ:"Hàng chục triệu người Việt Nam bị nhiễm giun sán" - Ảnh: N. Huyền |
Bà Thạch cũng cho biết thêm, ngoài sán lá gan, toàn quốc có 60 triệu người nhiễm giun đũa, 40 triệu người nhiễm giun tóc, 20 triệu người nhiễm giun móc. Theo con số do Viện SR-KST-CT TƯ nêu trên, tính ra, ở Việt Nam, cứ 10 người thì tới 7-8 người có mang giun, sán trong bụng!
Ngon miệng, "đẻ" ra... sánMột số điều cần biết về bệnh nhiễm sán láSán lá gan đã lan ra 45 tỉnh, thànhCoi chừng mù vì sánThiếu thuốc điều trị, nhiều bệnh nhân phải cấp cứuBáo động bệnh sán lá ganQuảng Ngãi: bệnh sán lá gan gia tăngQuảng Nam: 254 người mắc bệnh sán lá gan
Dưới đây là cuộc trao đổi với TS Đặng Thị Cẩm Thạch...
* Tình hình nhiễm sán lá gan lớn lên tới 45 tỉnh, thành trên cả nước khiến cho nhiều người lo ngại... Nhưng trong số các loại ký sinh trùng nhiễm vào người, không chỉ có sán lá gan lớn. Bà có thể điểm qua tình hình nhiễm giun, sán các loại trên toàn quốc để mọi người được biết?
- Việt Nam nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới, cùng với tập quán ăn uống, sinh hoạt chưa đảm bảo vệ sinh, rất thuận lợi cho sự phát triển của các bệnh giun, sán. Ước tính, trên toàn quốc số người nhiễm giun đũa khoảng 60 triệu người, giun tóc 40 triệu người và giun móc 20 triệu người, trong đó số nhiễm phối hợp 2, 3 loại giun lên tới 60-70%.
Về bệnh sán thường gặp ở Việt Nam, có thể nói đến là:
Bệnh sán lá gan nhỏ: Phát hiện bệnh có ở 21 tỉnh phân bố chủ yếu ở một số địa phương có tập quán ăn gỏi cá, hoặc ăn cá chưa nấu chín. Những nơi có tỷ lệ nhiễm sán lá gan nhỏ cao (30-70%) là nơi người dân thường xuyên ăn gỏi cá như Kim Sơn - Ninh Bình, Nghĩa Hưng - Nam Định, Nga Sơn - Thanh Hoá, Ba Vì - Hà Tây, Phù Mỹ - Bình Định…
Bệnh sán lá gan lớn: Đã phát hiện các ca bệnh rải rác ở 45 tỉnh trong cả nước (trong đó có 15 tỉnh chỉ có 1-2 ca bệnh). Nơi có nhiều bệnh nhân sán lá gan lớn là nơi có tập quán ăn rau thuỷ sinh sống như rau ngổ, rau cải xoong, rau đắng, uống nước lã… phổ biến ở các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam, Bình Định, Hà Tây, Hà Tĩnh, Nghệ An.
Bệnh sán lá phổi: Thường gặp ở vùng núi phía Bắc như Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Nghệ An, nơi người dân có tập quán ăn cua đá nướng chưa chín, tỷ lệ nhiễm khoảng 15%.
Bệnh sán dây, ấu trùng sán lợn: Với sán dây, có hai loại thường gặp ở người là sán dây lợn và sán dây bò. Bệnh thường gặp ở các tỉnh miền núi, trung du phía Bắc, như: Bắc Cạn, Lạng Sơn, Vĩnh Phú, Bắc Giang, Bắc Ninh, Thanh Hoá, Thái Bình… bệnh ấu trùng sán lợn hay gặp ở nơi có lợn gạo và có phong tục nuôi lợn thả rong, ăn tiết canh lợn, ăn nem chua, thịt lợn, thịt bò tái hoặc sống, ăn rau sống.
Bệnh ấu trùng sán lợn gây động kinh, liệt, mất trí nhớ, tăng áp lực nội sọ, não úng thuỷ, giảm thị lực, mù mắt, bệnh tim. v.v.
Từ năm 2000 đến 2004, viện SR-KST-CT TƯ trung ương đã tiếp nhận trên 700 trường hợp bệnh ấu trùng sán lợn, trong đó 84% có tổn thương ở não với các triệu chứng: động kinh, liệt, mù mắt, tăng áp lực nội sọ, đã có trường hợp tử vong do tụt não.
5 tỷ đồng để phòng, chống giun sán
* Thưa bà, trước tình hình sán lá gan lớn đang lan ra khắp 45 tỉnh, thành và đe doạ sức khoẻ người dân, Viện SR-KST-CT TƯ đã có biện pháp gì để hạn chế số người nhiễm giun sán nói chung cũng như sán lá gan nói riêng?
- Dưới sự chỉ đạo của Bộ Y tế, Viện SR-KST-CT TƯ đã cử đoàn cán bộ trực tiếp chỉ đạo về chẩn đoán và điều trị các ca bệnh sán lá gan lớn tại các bệnh viện tỉnh thuộc khu vực miền Trung và các đoàn cán bộ của Viện SR-KST-CT TƯ kết hợp với Viện SR-KST-CT TƯ Quy Nhơn, Viện SR-KST-CT TƯ TP.HCM chủ động phát hiện bệnh giun, sán tại cộng đồng để điều trị và tuyên truyền phòng chống bệnh giun sán.
Hiện tại, các đoàn công tác đã thực hiện xong ở các tỉnh miền Nam và đang tiếp tục làm việc tại các tỉnh miền Trung và miền Bắc. Cũng phải nói thêm rằng, bệnh sán lá gan lớn có mặt tại 45 tỉnh nhưng thực tế có đến 15 tỉnh chỉ có 1-2 ca bệnh. Số ca bệnh được phát hiện nhiều lên có lẽ do phương tiện chẩn đoán càng ngày càng hoàn thiện.
Ví dụ, như nhiều cơ sở khám bệnh có máy siêu âm và có kit để xét nghiệm ELISA phát hiện bệnh ký sinh trùng, nói chung và sán lá gan lớn, nói riêng nên số người được phát hiện nhiều hơn. Bên cạnh đó, thuốc điều trị đặc hiệu có tác dụng tốt cũng khuyến khích người bệnh đến cơ sở khám bệnh và điều trị.
Bộ Y tế cũng đã ban hành hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh sán lá gan lớn đến các cơ sở y tế trong cả nước. Bộ cũng đã có công văn chỉ đạo cho nhập thuốc điều trị sán lá gan lớn (Triclabendazole) vào Việt Nam.
Để hạn chế nhiễm giun sán, Viện SR-KST-CT TƯ đã chọn các đối tượng ưu tiên phòng chống giun là học sinh tiểu học. Từ năm 2000, mô hình tẩy giun cho học sinh tiểu học định kỳ 6 tháng/lần đã và đang được tiến hành tại 19 tỉnh trên toàn quốc do Tổ chức Y tế Thế giới hỗ trợ.
Về phòng chống sán lá gan nhỏ và sán lá phổi, Viện đã xây dựng mô hình điều trị trên diện rộng cho các đối tượng có nguy cơ cao tại 4 tỉnh với sự hỗ trợ kinh phí của Tổ chức Y tế Thế giới.
* Thế nhưng tại sao ký sinh trùng (giun, sán) vẫn hoành hành, vẫn lây lan ra nhiều địa phương?
- Thật ra, đặc điểm của bệnh nhiễm giun, sán thì khác với sốt rét vì giun sán có nhiều loại. Mỗi loại lại cần phải xây dựng mô hình phòng chống khác nhau. Để xây dựng rộng khắp mô hình phòng chống cho từng loại giun sán, cần đến hàng chục tỷ đồng kinh phí vì điều trị trên diện rộng tiêu hao rất nhiều kinh phí về thuốc men, chưa kể còn phải cần đến sự tham gia của nhiều ban, ngành các cấp địa phương.
Năm 2006, Bộ Y tế quan tâm đầu tư kinh phí (5 tỷ đồng).
Các vấn đề phòng chống giun sán tại cộng đồng đang được Viện SR-KST-CT TƯ kết hợp với các viện Viện SR-KST-CT Quy Nhơn, Viện SR-KST-CT TP.HCM và 64 tỉnh, thành thực hiện điều tra đánh giá thực trạng nhiễm giun sán trong cả nước. Mục đích là nhằm lên kế hoạch phòng chống cụ thể cho từng loại bệnh giun, sán ở từng vùng, miền khác nhau.
Viện SR-KST-CT TƯ cũng đã tập huấn về chuyên môn kỹ thuật phát hiện bệnh giun sán, tập huấn kỹ năng tuyên truyền về cách phòng chống bệnh giun sán cho cán bộ y tế từ tuyến tỉnh đến y tế thôn bản của 15 tỉnh trọng điểm có tỷ lệ nhiễm giun hoặc sán cao. Từ đó, sẽ tuyên truyền bằng nhiều hình thức đến toàn dân như phát các tờ rơi, tranh ảnh, họp dân… để cung cấp kiến thức phòng chống các bệnh giun, sán.
Tuy nhiên, công tác phòng chống các bệnh giun sán có khó khăn vì để thay đổi được hành vi hay tập quán của người dân tại cộng đồng cần phải có thời gian dài, kết hợp điều trị với tuyên truyền, vận động… và thực sự phải xã hội hoá trong công tác phòng chống giun sán.
Bên cạnh đó, cũng cần có sự quan tâm, đầu tư kinh phí của Nhà nước liên tục trong nhiều năm thì mới hy vọng công tác phòng chống giun sán đạt hiệu quả cao, giữ được độ bền vững của các mô hình phòng chống bệnh.
Các bệnh viện ít chú trọng phát hiện giun sán
* Chúng tôi đã gặp nhiều bệnh nhân nhiễm giun, sán (đặc biệt là sán lá gan lớn), họ than phiền đã phải đi khám, chữa bệnh ở nhiều bệnh viện, tốn kém rất nhiều mà mãi mới biết là… bị chẩn đoán nhầm! Bị nhiễm sán lá gan nhưng bệnh viện cứ đè bệnh nhân ra điều trị u gan, áp-xe gan khiến cho họ phải chịu tốn kém, hoang mang về mặt tinh thần. Trước tình hình này, Viện có kế hoạch gì để phối hợp với các bệnh viện nhằm khắc phục tình trạng "nhầm" như trên?
- Chúng tôi nghĩ rằng sau khi Bộ Y tế ban hành hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh sán lá gan đến tất cả các cơ sở y tế thì các bác sĩ ở các tuyến sẽ có chỉ định đúng nhất để phát hiện và điều trị bệnh sớm nhất.
Nhưng cũng có một điều phải nói đến là, việc phát hiện một số loại giun sán chỉ cần xét nghiệm phân thông thường là đã phát hiện trứng giun sán thôi. Thế nhưng, hầu hết các bệnh viện ít thực hiện xét nghiệm phân cho người bệnh. Vì vậy, có những bệnh giun sán đã bị bỏ qua hoặc mổ ra rồi mới biết đó là do sán…
- Nghĩa là, cho đến bây giờ, vẫn có khoảng trống trong mối liên kết giữa Viện chuyên khoa về giun sán như Viện SR-KST-CT TƯ với các bệnh viện đa khoa hoặc chuyên khoa khác (không phải chuyên ngành về giun, sán)?
- Trước đây, có thể như vậy... nhưng từ lâu nay đã có sự kết hợp giữa các viện, các bệnh viện Trung ương và Viện SR-KST-CT TƯ nên có nhiều nghiên cứu đã được kết hợp, đặc biệt là bệnh sán lá gan lớn. Đã có những kết hợp nghiên cứu giữa Viện SR-KST-CT TƯ, Viện Thú Y Quốc gia và Bệnh viện Bạch Mai hoặc một số các bệnh viện khác.
Nhân đây, chúng tôi xin đề nghị các bệnh viện nên quan tâm đưa xét nghiệm phân tìm trứng giun, sán vào thành xét nghiệm cơ bản. Đồng thời, khi làm xét nghiệm công thức máu, cần chú ý đến bạch cầu ái toan tăng. Đó là các dấu hiệu chỉ điểm để hướng tới các bệnh về ký sinh trùng.
Hơn nữa, các xét nghiệm này cũng rẻ tiền, dễ làm và đơn giản nhưng về chẩn đoán bệnh ký sinh trùng lại rất có hiệu quả.
* Xin cảm ơn bà!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận