09/08/2024 10:23 GMT+7

60 năm phong trào 'Ba sẵn sàng': Đi bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì Tổ quốc cần!

60 năm kể từ khi được phát động, phong trào 'Ba sẵn sàng' đã hun đúc nên lớp lớp thế hệ thanh niên giàu lòng yêu nước, có khát vọng cống hiến, sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì Tổ quốc cần.

Thanh niên miền Bắc hưởng ứng sôi nổi phong trào "Ba sẵn sàng" - Ảnh: TTXVN

Thanh niên miền Bắc hưởng ứng sôi nổi phong trào "Ba sẵn sàng" - Ảnh: TTXVN

Cách đây tròn 60 năm, ngày 9-8-1964, Thành Đoàn Hà Nội đã phát động phong trào "Ba sẵn sàng" nhằm cổ vũ tinh thần tuổi trẻ, khơi dậy phong trào cách mạng trong lớp lớp đoàn viên, thanh niên Hà Nội "sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng gia nhập các lực lượng vũ trang, sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì mà Tổ quốc cần đến".

Trong lịch sử phong trào thanh niên Việt Nam thế kỷ 20, phong trào "Ba sẵn sàng" có sức lôi cuốn đoàn viên, thanh niên thủ đô mạnh mẽ, trang bị cho đoàn viên, thanh niên ý thức thường trực sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ nền độc lập, tự do của Tổ quốc.

Vào đầu năm 1964 với tinh thần "Hướng về miền Nam ruột thịt", Trường đại học Sư phạm Hà Nội đã tổ chức cuộc vận động "Tam bất kỳ": Đi bất kỳ nơi đâu Tổ quốc cần, làm bất kỳ việc gì Tổ quốc giao phó, vượt qua bất kỳ khó khăn gian khổ nào để hoàn thành nhiệm vụ. 

Phong trào sau đó được đoàn viên, thanh niên các trường đại học khác và nhiều cơ quan, đơn vị trên địa bàn Hà Nội hưởng ứng sôi nổi.

Hưởng ứng phong trào “Ba sẵn sàng”, thanh niên Hà Tây nô nức lên đường vì Tổ quốc (tháng 8-1964) - Ảnh: TTXVN

Hưởng ứng phong trào “Ba sẵn sàng”, thanh niên Hà Tây nô nức lên đường vì Tổ quốc (tháng 8-1964) - Ảnh: TTXVN

Đêm 7-8-1964, Ban Thường vụ Thành Đoàn Hà Nội họp bất thường, quyết định phát động phong trào "Ba sẵn sàng" với các nội dung: Sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng gia nhập các lực lượng vũ trang, sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì mà Tổ quốc cần đến.

Tối 9-8-1964, phong trào chính thức được phát động tại quảng trường Nhà hát lớn thành phố (nay là quảng trường Cách Mạng Tháng 8). Khoảng 500 đoàn viên và trên 20.000 thanh niên đã tập trung ngoài phố, giương cao khẩu hiệu "Ba sẵn sàng". 

Tại quảng trường, Thành Đoàn Hà Nội đã đọc lời kêu gọi và được thanh niên đáp lại "sẵn sàng, sẵn sàng, sẵn sàng" vang động cả góc trời.

Kể từ đó, ngày 9-8-1964 đã đi vào lịch sử phong trào thanh niên thủ đô Hà Nội như một dấu son của tuổi trẻ. Chỉ một tuần sau đó đã có 240.000 thanh niên ghi tên tham gia, trong đó 80.000 thanh niên xung phong ra trận. Phong trào đã lan tỏa, phát triển mạnh mẽ và vượt ra ngoài biên giới khi rất nhiều du học sinh Nga, Pháp đã xin về nước chiến đấu, nhiều địa phương trong cả nước đồng lòng hưởng ứng.

Đến tháng 3-1965, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh kêu gọi thanh niên cả nước hưởng ứng, bổ sung thêm vào nội dung: "Sẵn sàng chiến đấu và gia nhập lực lượng vũ trang. Sẵn sàng học tập và lao động xây dựng cuộc sống mới. Sẵn sàng đi tới nơi nào mà Tổ quốc cần đến".

Từ đây, phong trào "Ba sẵn sàng" đã trở thành một trong những phong trào hành động cách mạng lớn nhất của tuổi trẻ thủ đô và tuổi trẻ Việt Nam trong thế kỷ 20, tạo nên một đội tình nguyện đông đảo nhất trong lịch sử với hơn 5 triệu lượt đoàn viên, thanh niên tham gia, trong đó gần 1,5 triệu người con ưu tú đã ngã xuống, để lại phần máu xương của mình nơi chiến trường để giành lại hòa bình, độc lập như ngày hôm nay.

Tối 9-8, Thành Đoàn Hà Nội phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội tổ chức chương trình chính luận nghệ thuật "Sáng mãi ngọn lửa Ba sẵn sàng - Khát vọng tuổi trẻ thủ đô" chào mừng kỷ niệm 60 năm phong trào "Ba sẵn sàng" và hướng tới chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng thủ đô.

Ký ức 'ba sẵn sàng' - Kỳ 2: Những con người của thời đạiKý ức "ba sẵn sàng" - Kỳ 2: Những con người của thời đại

TT - Anh hùng quân đội - thiếu tướng Lê Mã Lương, một trong những nhân vật nổi tiếng trưởng thành từ phong trào Ba sẵn sàng, kể: “Năm 1964-1965, khi ấy tôi đang học cấp II, không khí ra trận len lỏi đến tận ngõ ngách làng quê. Nhiều học sinh muốn gia nhập quân đội vào chiến trường. Có người ở quê tôi (Nông Cống, Thanh Hóa) tự nhiên mất tích. Về sau cả làng mới biết anh ấy đã lẳng lặng đi B”.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp