Thầy Phạm Tất Dong: “Tôi luôn hi vọng gặp lại được “thằng nhỏ Lang”...” - Ảnh: Tâm Lụa |
Cách đây năm năm, trong lần họp mặt kỷ niệm 55 năm Trường Học sinh miền Nam trên đất Bắc, thầy Phạm Tất Dong, phó chủ tịch Hội Khuyến học VN, được mời lên phát biểu thay mặt cho các thầy cô giáo Trường Học sinh miền Nam.
Không đọc một bài tổng kết, cảm tưởng thông thường, ông chỉ kể một câu chuyện...
Chàng bảo mẫu
“Tôi về trại Cá Lập (Sầm Sơn) làm nhiệm vụ đón tiếp học sinh và các em nhỏ từ miền Nam ra tập kết ở miền Bắc. Cứ năm ngày có một chuyến tàu thủy cập bến Hải Thôn, chuyến nào cũng chở trên dưới 1.000 người, cả bộ đội, nhân dân, học sinh các tỉnh miền Nam.
Tôi phải chọn các em nhi đồng, thiếu niên và những thanh niên độ tuổi 17-18 để lập một danh sách đưa vào Trường Học sinh miền Nam. Những em nhỏ được chuyển vào trường sẽ ở lại trại Cá Lập năm ngày, trước khi có thêm một chuyến tàu nữa cập bến, tôi có nhiệm vụ chuyển các em đến các trường.
Một lần, sau khi vừa tiếp nhận trên 100 em thì một anh bộ đội người miền Nam, khoảng 30 tuổi, mặc bộ quân phục đen, cổ quấn khăn rằn, bế một bé trai chừng 3-4 tuổi đến gặp tôi.
Anh nói: “Chú nhận giúp anh thằng nhỏ này. Vợ chồng anh có mình nó. Má nó ở lại, anh theo đơn vị ra đây, không thể mang nó theo được. Anh chị trăm sự nhờ chú. Nó tên là Lang”. Rồi anh quay sang nói với thằng bé: “Con ngoan, nghe ba nói đây. Con theo chú, chú sẽ lo cho con. Đừng khóc nghen!”.
Anh hôn nó và trao vào tay tôi. Tôi biết anh phải lấy hết nghị lực để khỏi khóc. Thằng nhỏ ôm cổ tôi, đôi mắt nó trong veo nhưng nét mặt đau buồn đến mức mà chính tôi nước mắt lại dâng đầy tròng.
Năm ấy, tôi bước vào tuổi 20, chưa biết yêu và chưa được yêu, chưa bao giờ nghĩ đến việc lấy vợ và có con. Thế mà từ nay tôi có con mọn. Hằng ngày, tôi phải lo mọi sinh hoạt cho hàng trăm em nhỏ và làm thủ tục đưa các em vào trường.
Riêng thằng nhỏ Lang thì không chuyển đi đâu được vì chúng tôi chưa có nhà trẻ. Tôi đành để nó sống với mình, tập làm cha, rồi tập làm mẹ. Ăn uống, tắm giặt, dỗ nó đi ngủ, dắt nó đi xem văn nghệ... lúc nào nó cũng ở sát bên tôi.
Phải đến một tháng sau mới tổ chức được một nhà trẻ. Một cô giáo tìm đến tôi để đón thằng nhỏ. Sau khi ăn cơm trưa, tôi giao nó cho chị. Soạn lại mớ áo quần vào balô cho nó, lòng tôi buồn vô cùng.
Tôi bế nó và lặp lại câu mà ba nó đã nói với tôi: “Tôi giao thằng nhỏ cho chị, trăm sự nhờ các chị. Ba nó đi theo đơn vị, má nó ở lại miền Nam. Mong các chị nuôi dạy cháu chu đáo”.
Quay sang Lang, tôi nói: “Con theo cô nhé. Con đừng khóc”. Hai bàn tay bé xíu của nó ôm chặt lấy cổ tôi. Nó đã phải chia tay với má, rồi với ba, giờ lại thêm một lần nữa, thật là quá sức chịu đựng của trẻ thơ. Dỗ dành mãi, cô giáo dạy trẻ mới bế được nó. Nó vẫn không khóc, nhưng tôi thì khóc thật sự...”.
Bác Hồ về thăm và trò chuyện thân mật với học sinh các trường miền Nam ở Hải Phòng - Ảnh tư liệu |
Niềm tin thuở nào
Câu chuyện của thầy Dong hôm ấy làm vang lên hàng tràng vỗ tay không dứt giữa hội trường Mỹ Đình, và những hàng nước mắt chảy dài trên gương mặt những người đều đã vào tuổi ông bà.
Thầy Dong nói tiếp: “Tôi luôn mong được gặp lại thằng nhỏ Lang ngày nào, và hi vọng trong số những người đến họp mặt này có Lang, chắc chắn đã trở thành một ông già đến tuổi hưu”.
Hội trường hơn 2.000 người hôm ấy không có Lang, hoặc nhận ra mình là Lang, và nay chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ 60 năm, thầy Dong lại đang hi vọng.
“Tìm lại Lang không chỉ là một kỷ niệm mà là minh chứng cho một niềm tin” - thầy Dong xúc động nói. Câu chuyện quả là kỳ lạ với chúng tôi ngày hôm nay khi nghe kể lại. Sao người cha của Lang không để lại tên tuổi, đơn vị, quê quán, tên và chỗ ở của người mẹ?
Sao thầy không hỏi, ghi rõ lý lịch khi nhận bé? Sau trường mẫu giáo, Lang có tiếp tục học ở Trường Học sinh miền Nam, có bị thay tên đổi họ, có nhận ra thân phận của mình trong câu chuyện của thầy? Sao mọi chuyện lại có thể đơn giản như vậy?...
Bao nhiêu câu hỏi được đặt ra, thầy Dong cười xòa:
“Với những người như tôi, như cha của Lang khi xưa thì không có gì khó hiểu. Ngày ấy, niềm tin của chúng tôi vào lý tưởng, vào đồng chí mình rất lớn. Đồng bào, đồng chí miền Nam khi lên tàu tập kết là đã tuyệt đối tin ở miền Bắc, nơi có Đảng, có Bác Hồ.
Giao con cho tôi, anh tin là đã giao đúng chỗ, đúng người, tin rằng con mình sẽ được chăm sóc, nuôi dạy một cách tốt nhất. Và quả thật như vậy, tôi cũng tin Lang đã được lớn lên trong điều kiện tốt nhất mà miền Bắc có được để dành cho em. Ngày ấy, mọi kết quả học tập, tu dưỡng, sinh hoạt của học sinh miền Nam đều được báo cáo trực tiếp với chính Bác Hồ...”.
Đến lượt chúng tôi mong được gặp cậu bé Lang ngày nào.
Ấn tượng miền Nam
Bao nhiêu năm làm giáo dục, bao nhiêu thế hệ học trò, thầy Dong bảo những học trò miền Nam là ấn tượng nhất, và tính cách của thầy cũng chịu rất nhiều ảnh hưởng từ các học sinh miền Nam những năm 20 tuổi ấy.
“Thành thật, khí khái, chân thành, không khách sáo là các học trò của tôi. Các em học sao thì nhận điểm vậy, không bao giờ copy trong giờ kiểm tra, không xin điểm thầy khi thi hết học kỳ.
Nhưng các em lại hồn nhiên giữa khuya đến gõ cửa phòng thầy kêu đói, đi đá bóng mùa hè, hồn nhiên kéo nhau ăn gần hết một thùng kem, quên mất thầy giáo phải bóp bụng trả tiền hết cả tháng lương.
Quý nhất là không cần ai phải giáo dục về tư tưởng, các em đều hiểu rõ hoàn cảnh đất nước bị chia cắt từ chính gia đình mình, nung nấu ý chí đấu tranh cho thống nhất, hòa bình từ trong tim mình” - thầy Dong say sưa kể về học trò.
“Những cậu học sinh nghịch ngợm nhất của chúng tôi sau này đã trở thành những chiến sĩ dũng cảm nhất, thành anh hùng...” - thầy bùi ngùi nhắc đến Trọng, cậu học sinh mỗi lần ra sân tập lại bảo “em ước đánh bóng chuyền được giỏi bằng thầy”. Trọng đã trở thành phi công và hi sinh trong một trận không chiến.
“Làm thầy của những học trò như vậy, tôi học được cái hào sảng của người miền Nam, đôi khi cũng phải tỏ ra hảo hán, chịu chơi thì tụi nó mới nghe lời thầy dù chỉ hơn nhau ít tuổi...” - thầy Dong cười.
Lớp học sinh miền Nam còn những cái tên vang vọng khác: Anh hùng liệt sĩ hải quân Nguyễn Kim Vang, các phi công anh hùng đã hi sinh trong chiến đấu: Võ Văn Mẫn, Lê Khương, Nguyễn Văn Nghĩa, nhà thơ liệt sĩ Lê Anh Xuân, nhà văn liệt sĩ Chu Cẩm Phong, nhà báo liệt sĩ Lê Đình Phụng...
Những gì họ để lại cho các thầy, các bạn là niềm tự hào, là những kỷ niệm không thể quên, là ước vọng được sống hạnh phúc và cống hiến cho hạnh phúc.
Bà Trần Tố Nga (nhân vật trong “Một mình một vụ kiện da cam”, TT từ ngày 27 đến 28-7-2014), một cựu học sinh miền Nam, thổ lộ một lý do của những hoạt động không mệt mỏi ở tuổi 70 của bà: “Mỗi khi nhắc về Trường Học sinh miền Nam, về những người bạn thân yêu đã hi sinh, tôi lại có một ước vọng cháy bỏng là mỗi người chúng ta hãy sống cho cả những người bạn đã không kịp sống đến già, để mà thương yêu nhau đến già như bây giờ”.
_________
Kỳ tới: Con nhớ miền Nam nỗi nhớ nhà
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận