Các cô gái vót cọc tiêu dẫn xe qua Truông Bồn (1968) ở đại đội TNXP 317 - Ảnh tư liệu
Khi còn đặt bước chân trên mọi nẻo đường của Tổ quốc, chúng tôi không bao giờ quên sự hi sinh cao cả của các cô, những cô gái thanh niên xung phong - cầu cho các cô được vĩnh hằng
Dòng chữ tri ân trên tấm bia đá đặt ở hang Tám Cô
Hi sinh và tình yêu
Tháng 7 năm ngoái, nhân lễ tưởng niệm 50 năm sự kiện "ngã ba Đồng Lộc" (24-7-1968/2018), tôi may mắn gặp lại những đồng đội của 10 cô thanh niên xung phong (TNXP) hi sinh khi đang mở đường cho đoàn xe chi viện chiến trường miền Nam.
Đường Hồ Chí Minh thời điểm ấy không còn cảnh "đi không dấu, nấu không khói" nữa.
Tướng Đồng Sĩ Nguyên từ khi nhậm chức tư lệnh bộ đội Trường Sơn đã thực hiện một chiến thuật mới, cả Trường Sơn là một "binh chủng hợp thành" hỗ trợ cho nhau, đánh trả vỗ mặt chứ không còn che giấu bí mật.
Lực lượng chi viện không chỉ có hàng vạn ôtô, máy móc, còn cả hàng vạn nam nữ TNXP và dân công hỏa tuyến. Máy bay địch oanh tạc cắt đứt con dường, dứt tiếng bom là các đơn vị TNXP lao ngay ra mặt đường lấp hố bom cho xe qua.
Hôm gặp chúng tôi ở Hà Tĩnh, bà Nguyễn Thị Hường vừa lật cuốn sổ lưu bút của mình còn vẹn nguyên những dòng chữ của những người bạn TNXP đã hi sinh trong buổi chiều 24-7 đó, vừa nói: "Mấy năm bám trụ tuyến ngã ba Đồng Lộc, chuyện đạn bom quá quen với mọi người, nên sống chết cũng là điều sớm muộn, rủi may.
Chỉ thương mấy chị em, ai viết lưu bút cho tui cũng nói về hạnh phúc gia đình, khát vọng yêu thương. Thời đạn bom quý nhất là tình người, tình đồng đội.
Mấy chú có biết chuyện chị Võ Thị Tần không? Sau khi chị hi sinh, người yêu chị Tần lấy vợ. Người vợ ấy đã thờ ảnh chị Tần - người yêu của chồng - ngay trên bàn thờ gia đình".
Chuyện chị Tần - một trong 10 nữ TNXP Đồng Lộc hi sinh, về sau đó chúng tôi có tìm gặp bà Võ Thị Minh - vợ của ông Nguyễn Viết Hồng.
Thời điểm xảy ra sự kiện ngã ba Đồng Lộc, anh Hồng và chị Tần yêu nhau, nhưng anh Hồng đang ở chiến trường Quảng Trị.
Cuối năm 1968, trong một lần được điều ra hậu phương miền Bắc học, ngang qua thị trấn Nghèn thì có người báo cho anh Hồng biết chị Tần đã hi sinh.
Trong balô anh Hồng khi ấy còn cất lọn tóc của chị Tần cắt tặng anh trước khi anh vào chiến trường.
Sau khi anh Hồng cưới chị Minh, hai vợ chồng thống nhất lập bàn thờ chị Tần, coi chị như là người vợ đầu của anh Hồng. Hôm chúng tôi ghé nhà bà Võ Thị Minh, trên bàn thờ vẫn còn ảnh thờ của chị.
Bà Võ Thị Minh sửa soạn làm giỗ cho người yêu của chồng, nữ liệt sĩ TNXP ở Đồng Lộc, chị Võ Thị Tần - Ảnh: VĂN ĐỊNH
Khúc bi tráng ở Truông Bồn
Truông Bồn thuộc huyện Đô Lương, là một "tuyến đường máu" đi qua Nghệ An và sự hi sinh ở Truông Bồn cũng bi tráng đau thương không khác gì Đồng Lộc, xảy ra sau sự kiện Đồng Lộc đúng 100 ngày.
Hai địa điểm cách nhau chỉ 50 cây số đường chim bay. 5 giờ sáng 31-10-1968, tiểu đội TNXP đang ra san lấp mặt đường thì máy bay ào đến đánh bom.
13 người hi sinh, trong đó có 11 nữ và 2 nam TNXP. Mất mát này xảy ra trước khi Mỹ thực hiện cam kết "ném bom hạn chế" trên miền Bắc chỉ một giờ đồng hồ.
Tôi nhớ mãi hình ảnh cô nữ TNXP Truông Bồn Nguyễn Thị Tâm trong bức chân dung vừa được phục dựng trong lần về xóm 6, xã Hợp Thành (Yên Thành, Nghệ An) để tìm lại những câu chuyện cảm động của các anh chị trước lúc hi sinh.
Sáng 31-10 ấy, sau giờ ra mặt đường, lẽ ra chị Tâm (tiểu đội 2) và anh Cao Ngọc Hòa, tiểu đội trưởng tiểu đội 6 TNXP, đã có thể dắt nhau về nhà làm lễ ăn hỏi.
Thời đó, chuyện yêu đương cũng không dễ dàng vì những kỷ luật thời chiến.
Ông Đàn, cháu gọi liệt sĩ Nguyễn Thị Tâm bằng cô ruột, kể lại: "Lẽ ra o Tâm với dượng Hòa về nhà chiều 30-10, nhưng rồi hôm trước o về nhà báo rằng máy bay đánh rát, công việc nhiều, nếu không về kịp thì gia đình cứ nhận lễ vật vắng mặt hai đứa.
Sáng đó ngủ dậy, trời còn tờ mờ thì nghe tiếng bom vọng về từ phía Đô Lương, cũng chỉ nghĩ là bom đạn như bình thường. Nào ngờ vài giờ sau thì nhận tin o Tâm với cả dượng Hòa hi sinh".
Có bao nhiêu người con gái con trai tuổi 20 đã nằm lại trên những cung đường Trường Sơn? Và có ai có thể lột tả hết những sự hi sinh như thế? Hôm đi tìm tư liệu về các liệt sĩ TNXP, đọc danh sách 13 liệt sĩ Truông Bồn, phần ghi "người thờ phụng" của các liệt sĩ ai cũng có.
Riêng phần liệt sĩ Cao Ngọc Hòa thì để trống. Hỏi ông Đàn về gia cảnh anh Hòa, ông bảo sau này có hỏi tìm nhưng hình như bên gia đình anh Hòa không còn ai. Mẹ và anh trai anh cũng đã mất...
Có một tấm bia đá ai đó đã đặt ở hang Tám Cô khắc một dòng chữ tri ân đầy ám ảnh: "Khi còn đặt bước chân trên mọi nẻo đường của Tổ quốc, chúng tôi không bao giờ quên sự hi sinh cao cả của các cô, những cô gái TNXP - cầu cho các cô được vĩnh hằng".
Mộ phần của những cô gái TNXP ở ngã ba Đồng Lộc - Ảnh: L.Đ.DỤC
Con đường tuổi 20 và 20.000 người ngã xuống
Một trong những tuyến đường ngang nối Đông Trường Sơn sang Tây Trường Sơn mang tên là đường 20 ở Tây Quảng Bình.
Tuyến đường được đặt tên 20 bởi các lực lượng tham gia làm con đường này hầu hết đều ở vào độ tuổi 20. Sau này con đường còn được gắn thêm hai từ "Quyết Thắng" thành tên gọi "Đường 20 Quyết Thắng".
Tính đến 30-4-1975, hệ thống đường Hồ Chí Minh có 16.700km đường cho xe cơ giới xuyên ba nước Việt - Lào - Campuchia.
Có 3.000km đường giao liên (đi bộ), 1.445km đường ống xăng dầu. Trong hơn 15 năm (1959-1975) đã có hơn 20.000 cán bộ chiến sĩ hi sinh trên cung đường này.
Trên 20.000 người bị thương, gần 5.000 xe vận tải, xe máy, súng pháo và tăng bị đánh cháy và hư hỏng. Để đưa được mỗi ngàn tấn hàng vào Nam ta phải chịu mất mát tổn thất: 25 chiến sĩ hi sinh, 51 chiến sĩ bị thương, 23 xe vận tải bị phá hủy, 143 tấn hàng bị thiêu hủy.
(Theo "Chiến tranh Việt Nam 1945-1975 - Thắng lợi và bài học", NXB Sự Thật, trang 571)
__________________
Kỳ tới: Nơi nằm lại
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận