Những người đầu tiên đi mở đường - Ảnh tư liệu
Cố nhập tâm, không được ghi chép. Tôi nhắc luôn điều này: Từ nay tất cả các công việc của đồng chí không được ghi chép...
Tướng Vịnh giao nhiệm vụ mở đường Trường Sơn cho tướng Bẩm năm 1959
Thời điểm 1959
Giờ đây đi từ Đông Hà lên Lao Bảo, quãng đường từ Km41 đến Km47 của đường 9 có thể thấy dọc các cây cầu nhỏ bắc qua các khe suối luôn có thêm một tấm biển đề: "Di tích lịch sử - điểm vượt đường 9 của đường mòn Hồ Chí Minh".
Có rất nhiều điểm vượt như thế bởi muốn đưa hàng vào Tây Thừa Thiên, vào khu V chỉ có cách phải vượt qua tuyến đường 9, phải bằng mọi giá đi xuyên qua phòng tuyến được bố trí vô cùng cẩn mật của địch.
Những điểm vượt đường 9 ấy giờ đây lại là những gì còn lại của con đường ngày xưa. Những khe suối lặng lẽ dưới chân những chiếc cầu trên đường 9 đã góp phần đưa đoàn quân bí mật vượt qua những nút thắt hiểm nghèo trên hành trình vận tải buổi ban đầu.
Thiếu tướng Võ Bẩm - thời điểm năm 1959 là thượng tá, cục trưởng Cục Nông trường quân đội - đã nhớ lại ngày đầu tiên nhận nhiệm vụ trong hồi ký Mở đường Trường Sơn:
"Hôm ấy, đúng ngày sinh nhật Bác, 19-5-1959. Tôi đang đi dọc phố Phan Đình Phùng ở Hà Nội thấy rợp cờ, biểu ngữ và tiếng hát ca ngợi Bác.
Tôi đến nơi làm việc của Cục Nông trường thì đồng chí trực ban báo có điện thoại của Văn phòng Quân ủy trung ương sang ngay gặp chủ nhiệm Ủy ban Thống nhất kiêm thường trực Ủy ban Quân ủy trung ương là tướng Nguyễn Văn Vịnh.
Khi tôi đến, anh Vịnh nhìn thẳng vào mắt tôi rồi nói: Việc này không phải do Quân ủy giao, mà do Bộ Chính trị đã chỉ đích danh đồng chí.
Tôi thay mặt Quân ủy trung ương giao nhiệm vụ cho đồng chí tổ chức mở đường giao thông quân sự đặc biệt để tiếp tế cho cách mạng miền Nam, tạo điều kiện cho miền Nam thực hiện nghị quyết 15.
Tôi vội vàng mở cặp lấy sổ tay để ghi chép chỉ thị, nhưng anh Vịnh xua tay và nói tiếp: "Cố nhập tâm, không được ghi chép. Tôi nhắc luôn điều này: Từ nay tất cả các công việc của đồng chí không được ghi chép...".
Câu chuyện của tuyến đường 559, một huyền thoại của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đã bắt đầu từ một buổi sáng tháng 5 đó.
Ông Võ Bẩm, vốn là trưởng ban tác chiến Liên khu V, từng nhiều lần tổ chức những chuyến hàng vượt biển cũng như xuyên rừng trong kháng Pháp, vì thế ông thông thuộc cả đường biển lẫn đường núi.
Tập kết năm 1954 ra Bắc, ông được giao chức phó cục trưởng, rồi cục trưởng Cục Nông trường quân đội.
Sư đoàn 305, vốn là sư đoàn quân đội của khu V đóng quân tại Phú Thọ, đã được ông Võ Bẩm tuyển chọn ra 447 người để thành lập tiểu đoàn đầu tiên phục vụ kế hoạch vận tải cho chiến trường miền Nam bằng cách xuyên rừng Trường Sơn, lấy tên là tiểu đoàn 301.
Chính trị viên đầu tiên của tiểu đoàn 301 là đồng chí Nguyễn Danh sau này nhớ lại: "Cuối tháng 5-1959, đơn vị lên tàu ở ga Tiên Kiên, một ga nhỏ trên tuyến đường Hà Nội - Lào Cai. Không có ai tiễn đưa, cảnh ra đi đơn giản như một cuộc chuyển quân bình thường về hậu phương.
Về Hà Nội, chỉ đứng lại ga Hàng Cỏ mấy tiếng đợi tàu rồi đi luôn vào Thanh Hóa, rồi đi ôtô từ đó vào Khe Hó, một khu rừng đại ngàn ở tây Vĩnh Linh".
Thiếu tướng Võ Bẩm - Ảnh tư liệu
Từ đôi bờ thượng nguồn Bến Hải
Từ Khe Hó, chỉ hơn 5 năm sau, hàng chục cung đường vận tải mới với hàng sư đoàn xe cơ giới vận tải ngang dọc xuyên hai cánh Đông và Tây Trường Sơn.
Từ một binh trạm hẻo lánh heo hút của ngày mở đầu bên bờ bắc sông Bến Hải, hơn mười năm sau, vào cuối cuộc chiến, Bộ chỉ huy của Bộ đội Trường Sơn đã dựng chỉ huy sở ngay bờ nam thượng nguồn con sông giới tuyến.
Khởi đầu của con đường, những người lính đầu tiên của "đường dây 559" đã luồn sâu vào miền Nam với những quân tư trang, vật dụng sinh hoạt vô cùng đặc biệt: mặc bà ba đen, che mưa bằng tấm nilông, những chiếc đèn pin được đem gò lại, làm cho mất hai chữ Rạng Đông và dấu hiệu mặt trời mọc (đèn pin Rạng Đông do ta sản xuất).
Thuốc lá Điện Biên, Tam Đảo phải cắt bỏ đầu có in chữ trên điếu thuốc rồi bọc vào túi nilông. Những người lính ấy phải bỏ lại tất cả giấy tờ, thư từ, không được ghi chép bất cứ thứ gì.
Và tiểu đoàn 301 ấy đã bí mật nhận hàng từ hậu phương miền Bắc vận chuyển vào miền Nam theo phương thức thô sơ nhất: gùi cõng trên vai và đi bộ. Mỗi chuyến đi gồm 25-30 người với 25-30 cái gùi.
Từ Khe Hó, hàng được trung chuyển qua 9 binh trạm: 2 trạm ở bắc sông Bến Hải và 7 trạm ở phía nam sông. Những trạm ở bắc sông là đất của miền Bắc, có thể gùi hàng vào ban ngày, còn các trạm phía nam sông chỉ có thể gùi vào ban đêm.
Lấy khúc gỗ mục có lân tinh phát sáng gắn lên gùi người đi trước. Người đi sau nhìn vệt sáng ấy mà bám theo.
Khó khăn nhất là vượt qua tuyến quốc lộ 9. Xe địch đi lại liên tục trên đường. Đêm đêm khi vượt qua đường phải có tín hiệu cảnh giới. An toàn mới vượt. Người gùi hàng phải mang hai miếng gỗ mỏng lót dưới bàn chân để khi "lết" qua đường không để lại dấu chân.
Trường hợp đoàn đi đông, giao liên sẽ trải tấm nilông ngang đường để khi người cuối cùng đi qua sẽ gấp tấm nilông lại, xóa dấu vết.
"Di tích lịch sử điểm vượt đường 9" là những tấm bảng sơn xanh kẻ chữ màu trắng như bây giờ, nhưng ngày xưa được những người lính đoàn 559 viết bằng máu. Để có những tấm biển di tích ấy là bao nhiêu cuộc đời thanh xuân đã ngã xuống trên những con đường Trường Sơn...
Dấu tích còn lại của đường Trường Sơn buổi ban đầu - Ảnh: L.Đ.DỤC
Trong giai đoạn đầu tiên mở đường và vận tải với phương thức "gùi cõng" truyền thống, từ tháng 8 đến hết tháng 12-1959 tiểu đoàn 301 - tiền thân đoàn 559 - đã đi được 8 chuyến hàng trót lọt.
Tổng số hàng gồm 1.667 súng trường, 712 tiểu liên, 72 trung liên, 21 súng giảm thanh, 850 súng ngắn với 250.000 viên đạn các loại, 180kg thuốc nổ TNT kèm ngòi nổ, 750 dao găm, 340 kìm cắt dây thép gai, 40 ống nhòm, 65 la bàn, 26 bản đồ khu V, Tây Nguyên, Lào và đông bắc Campuchia.
Số hàng này được Khu ủy khu V tiếp nhận và vận chuyển vào Tây Nguyên, Tây Nam Bộ. Cũng trong năm 1959, có 542 cán bộ và chiến sĩ được đưa từ Bắc vào Nam nhận nhiệm vụ.
(Lịch sử giao thông vận tải Việt Nam - trang 476)
Kỳ tới: Những tuổi 20 nằm lại
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận